Tiền cho bóng đá chảy vào đâu?
Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF nằm trong khuôn viên của VFF là một cơ ngơi khá bề thế. Nếu chỉ nhìn vào cái tên, nhiều người sẽ nghĩ nhờ trung tâm này, bóng đá Việt Nam sẽ ươm mầm được những tài năng trẻ để bóng đá nước nhà sớm cất cánh.
Tuy nhiên, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ gần đây trả lời báo chí rằng: “Trung tâm đào tạo trẻ lấy tên như vậy thực ra là để dễ xin tiền tài trợ của nhà nước và FIFA”. Phát ngôn, dù có phần thật thà và quá vô tư của người đứng đầu VFF, đã khiến dư luận không thể không nổi nóng vì nếu chức năng của trung tâm đào tạo trẻ chỉ là để “xin tiền” (và nơi cho các đội tuyển quốc gia tập huấn) thì quá phũ phàng cho các cầu thủ trẻ. Họ đã trở thành mồi câu để VFF lợi dụng!
Để xin được mảnh đất rộng và đắc địa tại khu vực Mỹ Đình, VFF đã lập đề án quy hoạch trung tâm đào tạo trẻ, thuyết phục UBND TP Hà Nội cấp đất. Đó là chuyện có thật. Khi đến tham quan, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter từng ca ngợi mô hình của VFF và đưa Việt Nam vào danh sách những nước được FIFA rót tiền phục vụ công tác đào tạo trẻ.
Tiền tài trợ cho bóng đá trẻ hay các trung tâm có được rót đúng chỗ?
Gần đây nhất, VFF lập đề án xin khoản ngân sách 15 tỉ đồng từ Tổng cục TDTT mỗi năm để phục vụ công tác đào tạo trẻ và cũng được duyệt 10 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Trọng Hỷ, tiền tài trợ mà VFF xin được đều phục vụ công tác đầu tư cho các đội tuyển. “Sự thực là các tuyến trẻ được đầu tư có bài bản hơn, chăm lo tốt hơn trước đây” - ông Hỷ nói. Còn theo một lãnh đạo Tổng cục TDTT, khi lập đề án, VFF đã lại có kế hoạch chi tiết. Tổng cục TDTT khẳng định sẽ theo dõi và giám sát chặt chẽ để nguồn tiền đầu tư có hiệu quả.
Khoản kinh phí này mới chỉ được giải ngân từ đầu năm 2013 nên theo các lãnh đạo VFF, chưa thể phát huy hiệu quả ngay lập tức. VFF cho rằng đầu tư cho bóng đá trẻ cần một chiến lược bài bản, lâu dài, vì thế tổ chức này cần nguồn lực tài chính bền vững. Tổng cục TDTT cho rằng nếu đây là khoản đầu tư có hiệu quả thì tổng cục mới cam kết cấp ngân sách, còn nếu VFF sử dụng không đúng mục đích, chắc chắn sẽ cân nhắc ngừng cấp kinh phí.
Có những điều lãnh đạo VFF khó nói nhưng sự thật là ngay trong khuôn viên trung tâm đào tạo trẻ của VFF vẫn có những sân quần vợt được mọc lên để kinh doanh thu lợi. Trong lúc đó, đầu tư cho nhiều đội tuyển, kể cả tuyển quốc gia, không tăng thêm, thậm chí một số đội còn phải thắt lưng buộc bụng.
Vấn đề dư luận bức xúc không phải là cái tên gọi của trung tâm đào tạo trẻ hay là trung tâm được lập ra để kiếm tiền mà là tiền tài trợ có được rót đúng chỗ hay “chảy” vào đâu đó khiến bóng đá Việt Nam cứ ì ạch quá lâu. Nếu vậy, những người nhân danh trung tâm đi ngửa tay xin tiền đang có tội với tương lai bóng đá nước nhà...