Thuyết âm mưu: Lời nguyền vua Ngoại hạng Anh phá nát Chelsea-Conte?
Màn ra quân thảm hại của thầy trò Conte khiến các fan Chelsea rùng mình ớn lạnh nhớ lại trận đầu tiên với tư cách nhà đương vị của Chelsea 2 năm về trước. Lời nguyền với nhà vô địch Ngoại hạng Anh sẽ ứng nghiệm với Chelsea một lần nữa?
Video Chelsea thua sốc Burnley
Lời nguyền của nhà vua
Premier League 2015/16, Chelsea cũng chơi trận mở màn với tư cách nhà đương kim vô địch trên sân nhà Stamford Bridge. Mùa trước đó, thầy trò Mourinho cũng vô địch một cách thuyết phục giống Chelsea của Conte. Ngày hôm đó, thủ thành Courtois nhận thẻ đỏ, còn Chelsea hòa điên rồ 2-2. Dư âm để lại rất lâu, khi mà HLV Mourinho vướng vào vụ lùm xùm với nữ bác sỹ Eva Carneiro.
Courtois dính thẻ đỏ trong trận ra quân của Chelsea mùa 2015/16
Những gì diễn ra sau đó, cho đến hôm nay vẫn còn là một bài học nóng hổi. Mourinho bay ghế, trong khi các học trò bị tố cáo “phản thầy”. Conte giờ đây cũng đang vướng vào vụ nhắn tin đuổi cổ Costa, trong khi lực lượng Chelsea dường như suy yếu sau khi bán đi hàng loạt ngôi sao.
Số phận của Chelsea nói riêng, các nhà đương kim vô địch nói chung các năm qua luôn là một điều bí ẩn. Đã 8 năm rồi, chưa có vị vua Ngoại hạng Anh nào bảo vệ thành công ngôi vô địch, cho dù nguồn lực mạnh mẽ đến đâu, tài thao lược của HLV trưởng cỡ nào.
Năm nay là Cahill và Fabregas nhận thẻ đỏ
Nó bắt nguồn từ thất bại đau đớn của MU trước chính Chelsea ở mùa giải 2009/10. Kể từ đó, lần lượt Chelsea, MU, Man City rồi kể cả chú ngựa ô Leicester với câu chuyện cổ tích thần kỳ mùa 2015/16 đều trở thành nạn nhân của lời nguyền ấy. Hơn nữa, xu hướng các năm trở lại đây, “số phận” của nhà vô địch ở mùa giải kế tiếp đều vô cùng bi thảm: Mancini và Pellegrini bị đuổi cuối mùa, Mourinho và Ranieri thậm chí còn bị sa thải ngay giữa mùa.
Bài học “UEFAlona” và âm mưu Ngoại hạng Anh
Chức vô địch Champions League 2008/09 của Barcelona có một vết hoen ố cho đến nay không thể phai mờ. Đó là vụ scandal của trọng tài Tom Henning Ovrebo, cố loại bằng được Chelsea ở bán kết. Sau trận đấu ấy, người hâm mộ Chelsea mỉa mai với cái tên “UEFAlona” và biệt danh ấy đã đi theo người Catalan gần một thập kỷ.
Truyền thông Anh khi đó khẳng định, UEFA không muốn hai đội bóng Anh là MU và Chelsea bước vào 2 trận chung kết Champions League liên tiếp, nên Chelsea đã buộc phải hy sinh.
UEFA ngăn cản 2 đội bóng Anh vào chung kết Champions League 2 năm liên tiếp, dẫn đến scandal của trọng tài Tom Henning Ovrebo
Nhưng như một sự sắp đặt tình cờ, đó cũng là năm khởi đầu cho cái gọi là “Lời nguyền các vị vua Ngoại hạng”. Không ai dám chắc liệu BTC Ngoại hạng Anh có sao chép ý tưởng này và áp dụng cho giải đấu xứ sương mù hay không.
Năm 2012, trong một nguồn tin không chính thống, Sir Alex tiết lộ rằng sẽ không thể có chuyện một đội bóng có thể bảo vệ thành công ngôi vương Premier League. Bởi lẽ, đây là chủ trương của BTC giải đấu nhằm tránh dẫn đến sự lặp lại nhàm chán của giải đấu sinh lời bậc nhất thế giới này.
Khá nhiều bằng chứng cho thấy, có sự can thiệp của một “bàn tay vô hình” vào quyết định của các trọng tài một cách có hệ thống. Năm 2010, MU đánh rơi chức vô địch vào tay Chelsea với chỉ 1 điểm ít hơn, trong đó khúc cua định mệnh là trận thư hùng ngày 3/4/2010. Chelsea giành chiến thắng 2-1 ngay tại Old Trafford, trong đó bàn thắng quyết định của Drogba thực hiện ở tư thế việt vị.
MU đánh rơi ngôi vô địch vào tay Man City một cách kỳ lạ
Mùa 2011/12, MU đang băng băng trên con đường bảo vệ ngôi vương với 8 điểm nhiều hơn Man City, trong khi giải đấu chỉ còn 6 vòng là kết thúc. Bỗng nhiên họ thua Wigan 0-1, hòa Everton 4-4 dù dẫn 4-2 đến phút 85 rồi thua liền Man City ở Etihad. Chỉ sau 3 vòng đấu, khoảng cách 8 điểm bị san lấp. Trong các thất bại của “Quỷ đỏ”, dấu ấn của trọng tài là rất lớn, đặc biệt là ở trận thua 0-1 tại Etihad trước Man City ngày 30/4/2012.
Lukaku sẽ là yếu tố quyết định trên hàng công giúp MU tạo đột biến mùa giải này.