Thuyết âm mưu: Chán “UEFA-liga”, hậu thuẫn MU - Chelsea đoạt cúp C1
Đã 4 năm rồi Champions League là cuộc chơi của người Tây Ban Nha. Sức hút của giải đấu này, trong sự thất thế của người Anh, suy giảm thấy rõ. Đây là lúc UEFA phải đưa ra “biện pháp” để mang đến sự tươi mới.
Kể từ khi giải đấu số 1 châu Âu cấp CLB đổi tên thành Champions League, chưa từng có quốc gia nào vô địch 2 năm liên tiếp, cho đến khi Barcelona thiết lập kỷ lục cho người Tây Ban Nha vào năm 2015. Từ năm 2013 đến nay, Champions League hoàn toàn là cuộc cạnh tranh của Real, Atletico Madrid và Barcelona, biến giải đấu này trở thành La Liga phiên bản mở rộng. Thậm chí, trận chung kết năm 2014 và 2016 đều là trận derby Madrid giữa Real và Atletico.
Real vô địch Champions League 3 lần trong 4 năm qua
Mặc dù Real và Barca cũng như Atletico là đứa con cưng của UEFA, nhưng vì tương lai của giải đấu này, cơ quan điều hành của bóng đá châu Âu buộc phải tạo ra sự thay đổi. Còn nhớ vào năm 2009, UEFA từng bị chỉ trích dữ dội vì bê bối mang tên Tom Henning Ovrebo. Vị trọng tài này đã đưa ra nhiều quyết định “bức tử” Chelsea, qua đó không tái diễn cảnh MU và Chelsea 2 năm liền lọt vào trận chung kết. Nay có thể đến lượt người Tây Ban Nha trở thành nạn nhân tiếp theo.
Đài phát thanh Cadena SER tiết lộ thông tin gây sốc với fan các đội bóng xứ đấu bò. Đó là việc các đội bóng La Liga, thay vì được ưu ái như các mùa trước, nay đứng trước nguy cơ trở thành “con ghẻ”. Mùa trước, vòng knock-out là một ví dụ về sự ưu ái mà UEFA - thông qua các trọng tài, đã dành cho La Liga.
Ở vòng 1/8, Sevilla được hưởng penalty trong cả hai trận lượt đi và về khi đối đầu Leicester. Rồi Atletico được hưởng penalty khi đối đầu Leverkusen, ở thời điểm tỷ số đang là 1-2 còn đội chủ nhà nước Đức tấn công dữ dội. Trận lượt đi kết thúc với tỷ số 2-4, chiếc vé xem như đã dành sẵn cho Atletico. Nhưng bê bối nhất ở vòng đấu này phải là chiến thắng 6-1 của Barcelona trước PSG. Trong một trận cầu đỉnh cao của châu Âu, thật kỳ lạ là Barca được hưởng tới 2 quả penalty và rất nhiều quyết định có lợi khác nữa.
Tiếp đến vòng tứ kết, Bayern Munich bị đuổi người ở cả 2 lượt trận với Real Madrid. Truyền thông Đức sau đó thực hiện cả một chiến dịch mổ xẻ, phân tích về tính công minh trong các quyết định của trọng tài do UEFA chỉ định.
Giờ là lúc để các đội bóng Anh đánh dấu sự trở lại
Nhưng UEFA không thể cứ mãi nâng đỡ La Liga. Chủ tịch LĐBĐ La Liga, Angel Maria Villar bị bắt hồi giữa tháng 7 vừa qua. Nên nhớ rằng thế lực của vị cựu quan chức này cực lớn. Villar từng giữ chức quyền Chủ tịch UEFA, thay thế Platini khi vị quan chức người Pháp dính bê bối tham nhũng. Villar cũng có thâm niên giữ vai trò Phó chủ tịch UEFA, đồng thời là chóp bu trong Ủy ban trọng tài UEFA.
Không còn Villar chống lưng, các đội bóng La Liga mất đi chỗ dựa quan trọng. Trong khi đó, mùa giải 2017/18 này đánh dấu cuộc trỗi dậy của các đội bóng Anh, với việc 5 ông lớn và giàu thành tích nhất đều góp mặt ở vòng bảng.
Lâu nay các đội bóng Anh với sức hút thương hiệu và hiệu ứng truyền thông, luôn giúp cho các gói bản quyền truyền hình và quảng cáo của UEFA tại Champions League tăng mạnh. UEFA cần người Anh, ít nhất ở khía cạnh thương mại. Ví như Champions League mùa giải 2010/11, mặc dù MU chỉ về nhì nhưng thậm chí số tiền thưởng còn hơn đội vô địch là Barcelona (53 triệu euro so với 51 triệu euro).
Nhìn cái cách cả 5 đội bóng Anh đều thoát khỏi bảng tử thần, cho dù nguy cơ trước lễ bốc thăm rất lớn, là đủ hiểu UEFA đang “xoay trục” sang Premier League.
Với việc rơi vào các bảng đấu khá nhẹ ký, cơ hội để cả 5 đội bóng Anh gồm Chelsea, MU, Liverpool, Man City và Tottenham đều vượt qua vòng bảng để góp mặt ở vòng đấu loại trực tiếp là rất cao. Thậm chí, với những fan Ngoại hạng Anh mơ mộng, ngày người Anh lại tung hoành ở Champions League như giai đoạn 2006 - 2009, khi có tới 3/4 đội bóng Anh ở vòng bán kết có lẽ cũng không còn xa.
Lindelof vẫn là một ẩn số khó đoán, tạo cảm giác tò mò và thích thú với fan MU.