Thương hiệu V-League chưa hấp dẫn
Mùa giải thứ 15 kể từ khi ra đời, đã có gần chục nhà tài trợ đến với V-League rồi lại đi. Tất cả đều kỳ vọng giải đấu này sớm hình thành một thương hiệu đẳng cấp nhưng câu chuyện được bàn nhiều dường như mới chỉ là tiền tài trợ bao nhiêu.
Ngày 30-12, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ tổ chức lễ ra mắt nhà tài trợ mới của V-League. Đơn vị sẽ gắn tên tuổi với giải VĐQG trong 3 mùa bóng sắp tới, từ năm 2015, là một thương hiệu mạnh của Nhật Bản và rất quen thuộc với người Việt Nam - Toyota. Sau 15 năm, V-League mới lại có một nhà tài trợ nước ngoài.
Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Tôi không thể tiết lộ số tiền Toyota sẽ tài trợ. Tuy nhiên, con số chắc chắn không lên tới 100 tỉ đồng/mùa như nhiều nguồn tin đã nói”.
Thực ra, mối quan tâm của Toyota đến bóng đá Việt Nam đã được khởi nguồn cách đây vài mùa bóng. Công ty chuyên sản xuất ô tô này đã có hợp đồng tài trợ cho đội tuyển Việt Nam, gắn thương hiệu cùng bóng đá Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung với Mekong Cup - giải đấu mà chủ nhà B.Bình Dương vô địch vào đầu tháng 11 vừa qua.
Chất lượng của V-league chưa đủ hấp dẫn các Mạnh Thường Quân tiềm năng
Từ trước tới nay, Eximbank được coi là đơn vị tài trợ chi nhiều nhất cho V-League. Đến mùa giải 2014, số tiền mà Eximbank tài trợ cho một mùa bóng của V-League đã lên tới hơn 40 tỉ đồng. Tuy nhiên, trường hợp của Eximbank cũng được coi là ngoại lệ bởi gói tài trợ của đơn vị này được sự hậu thuẫn khá nhiều từ Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank đồng thời cũng là Phó Chủ tịch HĐQT VPF.
Việc chỉ kiếm được hợp đồng “nuôi” V-League ngay sát thềm mùa giải mới cho thấy VPF vẫn chưa thể biến V-League thành một món hàng đắt giá, hấp dẫn nhà tài trợ. Toyota là thương hiệu nước ngoài thứ hai sau Strata, đơn vị tài trợ cho V-League trong 2 mùa giải đầu tiên khi giải đấu này chính thức được lấy tên chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá SLNA, nhận xét: “Tiềm năng của V-League vẫn còn rất lớn, từ các vấn đề khai thác thương quyền của CLB đến bản quyền truyền hình. VPF nếu tận dụng được cơ hội thì số tiền tài trợ của V-League sẽ còn tăng lên theo từng năm”.
Mùa bóng 2001, khi V-League bắt đầu ra đời, ông Phạm Ngọc Viễn là tổng thư ký VFF. Lần ấy, V-League cũng được tài trợ bởi một thương hiệu ngoại là Công ty Tiếp thị thể thao Strata. Tuy vậy, suốt từ đó trở đi, lần lượt Sting, Kinh Đô, Number One, Euro Window, Petro Vietnam Gas, Eximbank, không thương hiệu nào gắn bó với V-League được quá 3 mùa bóng.
Ông Viễn cho biết: “Nếu so với thời điểm cách đây 15 năm, giá trị V-League về mọi mặt đã tăng lên nhiều nhưng so với mặt bằng thời giá và một giải vô địch quốc gia, chúng tôi còn cần phải phấn đấu rất nhiều”.
Với sự chặt chẽ của một bản hợp đồng tài trợ từ thương hiệu ngoại, VPF và V-League được thụ hưởng quyền lợi tài chính nhưng cũng có trách nhiệm giúp thương hiệu đồng hành thu được lợi ích từ hình ảnh và cả thương mại. Toyota hẳn không muốn giải đấu mà họ gắn bó sẽ tái diễn vụ bê bối cá cược - dàn xếp tỉ số như trường hợp của nhóm cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai trong năm 2014...