Thừa tiến sĩ, thiếu người làm
Thực trạng giáo dục Việt Nam mà dư luận đang đề cập cũng cùng cảnh ngộ với thực trạng thể thao và bóng đá Việt Nam.
Dư luận đang lên án gắt gao chuyện tiến sĩ, giáo sư tràn lan, chuyện thừa trường đại học, thừa sinh viên nhưng lại thiếu những người làm công tác giáo dục thực thụ.
Dư luận cũng đang lên án chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học phải đi làm công nhân để kiếm sống vì không thể chen chân vào ngành của mình bằng bằng cấp khơi khơi được.
Nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực (ảnh trái) từng đưa ra kết luận mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội. Ảnh: CTV. Cựu Phó Chủ tịch VFF Lê Thế Thọ (ảnh phải) từng chỉ ra những người không đủ năng lực chuyên môn lẫn tư cách thế mà cứ nghiễm nhiên làm thầy, đào tạo ra nhiều thế hệ HLV bằng AFC. Ảnh: QUANG THẮNG
Chuyện của xã hội, của ngành giáo dục Việt Nam cũng là chuyện của ngành thể thao, của bóng đá. Chuyện mà những người có bằng cấp thì nhiều nhưng người bắt tay làm thực thụ cho sự nghiệp phát triển thể thao, sự nghiệp bóng đá thì lại rất ít.
Xin được kể câu chuyện mà ở Viện Khoa học thể thao Việt Nam ai cũng biết, cũng thuộc nằm lòng về một tiến sĩ khi học đại học thể thao từng được “cài” vào đội điền kinh tiếp sức của tỉnh để lấy cái huy chương và được vào thẳng Đại học TDTT. Chuyện cài cắm này không thể thành nếu người nhà của “chân chạy ghép” đấy không là chức sắc của Sở TDTT tỉnh. Từ đó vào đại học, “chân chạy ghép” đấy được “ghép” chuẩn đi học ở Nga rồi cứ thế mà “tiến”.
Đã có thời LĐBĐ Việt Nam, những quan chức cấp chủ tịch và phó chủ tịch hay hơn thua nhau cái bằng và mất đoàn kết với nhau vì tranh ghế và tranh cái chức. Sự tranh giành dựa vào bằng cấp và những tháng năm ở Nga đi “du lịch” nhiều hơn đi học.
Gần đây hơn khi bóng đá Việt Nam đưa ra những quy định HLV phải có bằng AFC thì nhiều người đua nhau đi học. Nghiệt ngã cho bằng cấp của AFC là nhiều chứng chỉ được trao cho giảng viên AFC là người của bóng đá Việt Nam dựng lên. Nói như cựu Phó Chủ tịch VFF Lê Thế Thọ là: “Có đứa làm trợ giảng cho tôi rồi chạy chọt lên làm giảng viên AFC và tác oai tác quái, đi dạy rồi cấp bằng theo kiểu ai biết điều thì đậu, còn ai không biết điều thì dù có là kiện tướng bóng đá cũng rớt như thường…”.
Ông Thọ còn kể chuyện hồi ông làm giảng viên, ông ưu tiên cho các tuyển thủ chú tâm đi học để lấy bằng HLV hành nghề, còn bây giờ thì nhiều lúc cứ có tiền và “biết điều” là có bằng. Nói thẳng ruột ngựa như ông Thọ là cái bằng AFC đấy nhiều khi là mua tất và bóng đá Việt Nam bây giờ khổ ở chỗ cứ vin vào một đống bằng.
Ngay trong bộ máy VFF hai nhiệm kỳ gần đây cũng thế. Ai được lòng ban lãnh đạo VFF thì luôn được tạo cơ hội để vào ban này ban nọ và đến lúc nhúng chân sâu vào tổ chức AFC, FIFA rồi lại còn quay ra “phản” người nâng đỡ mình.
Xét cho cùng thì bộ máy bóng đá hiện nay có rất nhiều bằng cấp nhưng để kiếm người làm thực thụ thì lại thấy rất trống trải. Đấy cũng là câu trả lời cho bài viết của tác giả Nhất Huy đăng trên trang thể thao báo Công An TP.HCM về việc trước Đại hội VFF khóa VII, nhiều người ở Tổng cục TDTT hay ở Bộ đều xin rút không ứng cử vì sợ vào rồi không có lối ra.