Thủ môn Tiến Dũng có "báo giá tiền tỷ": Học Ronaldo, Beckham?
Tin đồn thủ môn Bùi Tiến Dũng "báo giá" cho quảng cáo và sử dụng hình ảnh của anh lại khơi lên câu chuyện về bản quyền hình ảnh trong giới cầu thủ mà những David Beckham hay Cristiano Ronaldo nhờ đó để kiếm thêm.
Video FLC Thanh Hóa lên tiếng về vụ thủ môn Tiến Dũng (Clip theo BongdaTV, VTVcab)
Sau thành công của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018, những cầu thủ như thủ môn Bùi Tiến Dũng hay tiền vệ Nguyễn Quang Hải đã trở thành ngôi sao đầy sức hút trong mắt công luận cả nước. Họ được săn đón nồng nhiệt và thậm chí đã có tin đồn rằng thủ môn Bùi Tiến Dũng sẽ được trả tiền để đăng tải các nội dung trên tài khoản mạng xã hội của mình.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng đang được săn đón sau thành công của U23 Việt Nam
Nói cách khác, thủ môn Bùi Tiến Dũng đang có cơ hội kiếm tiền bằng cách tận dụng bản quyền hình ảnh của mình để thu hút người hâm mộ trên mạng xã hội. Điều này không mới, Cristiano Ronaldo có thể kiếm 330.000 bảng (hơn 10 tỷ đồng) cho một nội dung trên tài khoản Instagram. Nhưng cấu trúc bản quyền hình ảnh của các ngôi sao quốc tế được hình thành như thế nào?
Bóng người cũng là bản quyền hình ảnh
Bản quyền hình ảnh của một cầu thủ là quyền được sử dụng giọng nói, chữ ký, gương mặt, hình dáng cơ thể, tác phong hành động hay thậm chí cả bóng dáng của người đó cho mục đích thương mại.
Nếu một bức ảnh có 3 cầu thủ cùng một đội trở lên, đó là bức ảnh chụp tập thể, nhưng nếu chỉ có 1-2 người, 2 cầu thủ đó sở hữu bản quyền hình ảnh của bức ảnh đó.
Các cầu thủ khi nhận thức giá trị thương mại từ hình ảnh của mình sẽ dựng nên, hoặc chuyển giao bản quyền hình ảnh cho các công ty bản quyền hình ảnh (IRC – viết tắt của “Image rights company”) để quản lý.
Lợi ích của việc này là cầu thủ có thể chỉ phải đóng thuế thấp hơn với tiền bản quyền hình ảnh, thay vì gộp số tiền đó vào tiền lương (tiền bản quyền hình ảnh do IRC quản lý nên IRC sẽ đóng theo thuế suất doanh nghiệp, trong khi lương cầu thủ đóng theo thuế thu nhập cá nhân).
Sergio Aguero ghi bàn thắng giúp Man City vô địch Premier League năm 2012. Nếu Man City định dùng hình ảnh này để quảng cáo hay in để bán poster, họ sẽ phải chia phần bản quyền hình ảnh cho Aguero
IRC sẽ đảm trách việc thu và quản lý số tiền thu được từ các hoạt động thương mại sử dụng bản quyền hình ảnh của cầu thủ mà không liên quan tới CLB. Còn với hoạt động có liên quan tới CLB, giữa cầu thủ và CLB sẽ phải có thỏa thuận trong hợp đồng ghi rõ cầu thủ sẽ được hưởng bao nhiêu % tiền kiếm được.
Hiểu đơn giản như sau: Cristiano Ronaldo nếu tham gia vào một quảng cáo có dính dáng tới Real Madrid thì hai bên sẽ chia thù lao theo tỷ lệ phần trăm trong hợp đồng. Còn nếu Ronaldo quảng cáo keo vuốt tóc hay dầu gội mà không liên quan tới Real, số tiền kiếm được sẽ là của anh.
Từ Beckham tới Ronaldo
Từ khi Premier League ra đời các cầu thủ nước ngoài đã đến Anh và đăng ký IRC của mình ở những vùng lãnh thổ có thuế suất thấp, do đó tuy tiền lương của họ đủ để sinh sống hàng ngày, tiền bản quyền hình ảnh tích lũy được mới là tiền dành dụm cho các cầu thủ khi giải nghệ. Đây là một tác nhân khiến Premier League ngày nay đầy rẫy cầu thủ nước ngoài.
Beckham giàu to khi ăn chia tỷ lệ 70-30 trong thời gian ở Real Madrid
David Beckham là siêu sao đầu tiên thành tỷ phú nhờ bản quyền hình ảnh, khi hợp đồng của Beckham với MU năm 2002 ghi rõ anh và MU chỉ chia tỷ lệ phần trăm thù lao quảng cáo nếu có liên quan tới MU. Beckham nhận mức lương 90.000 bảng/tuần, trong đó hơn 1/5 số tiền là riêng cho phí bản quyền hình ảnh. Khi Beckham sang Real, tỷ lệ ăn chia bản quyền là 70-30 và khi sang LA Galaxy, tỷ lệ là 80-20.
Cristiano Ronaldo có thỏa thuận ăn chia bản quyền hình ảnh 60-40 với Real Madrid, cho đến năm 2015. Năm đó Ronaldo ký hợp đồng chuyển giao hoàn toàn bản quyền hình ảnh của mình cho một IRC ở Hồng Kông (Trung Quốc) mang tên Mint Media, trong khi yêu cầu Real phải làm lại tỷ lệ chia phần thành 65-35.
Cả Ronaldo lẫn Lionel Messi đều đã bị khép tội trốn thuế do thành lập IRC hoặc chuyển giao bản quyền hình ảnh của mình cho IRC ở những quốc gia đánh thuế thấp. Messi bị cho là lập "công ty ma" ở Nam Mỹ, trong khi Ronaldo chuyển bản quyền hình ảnh cho những công ty ở vùng biển Caribe.
Tiền nào Cristiano Ronaldo kiếm được mà không liên quan tới Real Madrid, số tiền sẽ được chuyển vào Mint Media, tập đoàn của Hồng Kông (Trung Quốc)
Luật bản quyền hình ảnh của Tây Ban Nha rất mập mờ và có vẻ bị lợi dụng để "moi tiền" cầu thủ nước ngoài: Họ chỉ bị đánh thuế số tiền kiếm được ở Tây Ban Nha, nhưng luật TBN không bao giờ nói rõ số tiền kiếm ở ngoài Tây Ban Nha là phải thế nào.
Không ai động đến Ronaldo khi anh đến La Liga năm 2009, nhưng khi luật bị sửa năm 2014 (đúng thời điểm kinh tế TBN lâm vào khủng hoảng), một loạt cầu thủ lớn như Ronaldo bị điều tra.
VFF cũng có trách nhiệm pháp lý? CLB FLC Thanh Hoá qua việc phản đối bảng báo giá quảng cáo về Bùi Tiến Dũng đã khẳng định mọi hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng hình ảnh của các cầu thủ CLB FLC Thanh Hoá - trong đó có thủ môn Bùi Tiến Dũng - đều do câu lạc bộ quản lý. Tất cả các cầu thủ của Câu lạc bộ FLC Thanh Hoá chỉ được cấp quyền khai thác hình ảnh cho những đối tác có được sự đồng ý bằng văn bản của CLB. Phải chăng FLC Thanh Hóa đã có sẵn điều khoản quy định về bản quyền hình ảnh của Bùi Tiến Dũng trong hợp đồng của mình? Điều này chưa được khẳng định, nhưng nếu FLC Thanh Hóa tự tin là họ có, họ sẽ không ngần ngại khởi kiện những đơn vị nào sử dụng hình ảnh của Bùi Tiến Dũng để kinh doanh. Câu chuyện sẽ không chỉ đơn giản là cuộc chiến pháp lý giữa 2 bên. Những hình ảnh được khai thác nhiều nhất của thủ môn Bùi Tiến Dũng là trong màu áo U23 Việt Nam, do đó VFF cũng có cơ sở pháp lý để kiện do họ đang là đơn vị nắm bản quyền hình ảnh của đội tuyển. |
Tiến Dũng có giá cat-sê cao không kém bất cứ nhân vật nổi tiếng nào của showbiz.