Thủ môn Tiến Dũng có "báo giá tiền tỷ": Đọ sao nổi Công Vinh, Văn Quyến
Khi cầu thủ có sức hút với dư luận, họ đương nhiên được các nhãn hàng tìm đến. Với Bùi Tiến Dũng, sau giải U23 châu Á, thương hiệu của anh bắt đầu được khai thác.
Nhiều người choáng khi thủ môn Bùi Tiến Dũng được một đơn vị (được cho là người đại diện) đưa ra mức báo giá cho việc sử dụng hình ảnh, quảng cáo, với mức cao nhất lên tới hơn 100.000 USD. Nhưng thực ra, việc đại diện cho một thương hiệu nào đó không còn là vấn đề xa lạ với bóng đá Việt Nam và cầu thủ Việt.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng đang có sức hút lớn
Trong sự nghiệp hào hoa của mình, danh thủ Nguyễn Hồng Sơn nhận sự quan tâm đặc biệt của các nhãn hàng. Anh là đại diện cho hãng dầu gội đầu, nước ngọt, xe máy, thậm chí làm đại sứ thiện chí cho 1 thương hiệu đồng hồ danh tiếng của Thụy Sỹ. Năm 2001, cựu tiền vệ này còn được đối tác mời sang Ai Cập biểu diễn tại giải World Challenge với các ngôi sao đến từ các châu lục như Juan Veron, Roberto Carlos, David Beckham.
Cùng với Hồng Sơn, Huỳnh Đức và Hoàng Bửu là những người tiên phong trong việc kiếm tiền nhờ các show quảng cáo. Huỳnh Đức từng là gương mặt quen thuộc của các hãng nước giải khát, điện tử hàng đầu trên thị trường. Anh còn sang Trung Quốc thi đấu theo một thỏa thuận với hãng xe máy. Trong khi đó, Hoàng Bửu từng quảng cáo cho thuốc giảm đau.
Lứa cầu thủ trong chiến tích vô địch AFF Cup 2008 của ĐT Việt Nam cũng rầm rộ kiếm tiền ngoài sân cỏ. Tiền vệ Minh Phương từng được một hãng thực phẩm ký hợp đồng quảng cáo 3 năm trị giá 10.000 USD (anh nhận được từ 30 đến 50% giá trị hợp đồng). Tài Em, Phước Tứ quảng cáo nước giải khát, hãng điện tử từ Nhật Bản. Phan Thanh Bình quảng cáo cho hãng nước ngọt Mỹ.
Ấn tượng nhất là Lê Công Vinh. Tài năng, ăn ảnh, giao thiệp tốt và có vợ thuộc giới showbiz, chân sút xứ Nghệ thu hút hàng loạt hãng lớn trong và ngoài nước. Công Vinh có đủ các đối tác, từ xe hơi, điện tử, nước uống, đến dược phẩm, sữa. Công Vinh từng chia sẻ “hái tiền tỷ” nhờ quảng cáo, đấy là chưa kể những hợp đồng cùng bà xã Thủy Tiên.
Lê Công Vinh là "vua quảng cáo" trong giới cầu thủ Việt
Trước Công Vinh, Văn Quyến là số 1 về quảng cáo. Anh nổi lên từ giải U16 châu Á năm 2000, tiếp tục bùng nổ sau đó và kiếm nhiều hợp đồng quảng cáo lớn. Sau SEA Games 2003, Văn Quyến ký hợp đồng quảng cáo với một hãng điện tử trị giá 13.000 USD, trong đó đó có 10.000 USD tiền mặt, rồi hãng nước ngọt nổi tiếng của Mỹ, các hãng xe máy, nước tăng lực.
Hiện tại, Công Phượng thuộc dạng tiềm năng nhất. Năm 2015, anh từng đóng quảng cáo bia cực sành điệu. Ngoài ra, chân sút của CLB HAGL còn là đại diện cho hãng thời trang danh tiếng của Đức. Chưa rõ thực hư vụ thủ môn Tiến Dũng được một đơn vị “báo giá quảng cáo” ra sao nhưng nếu có thì cũng hoàn toàn bình thường, một xu thế tất yếu.
Chỉ có điều, việc khai thác thương hiệu của thủ môn Bùi Tiến Dũng phải được sự đồng ý của CLB chủ quản FLC Thanh Hóa khi hợp đồng giữa Dũng và đội bóng có những điều khoản liên quan về việc này.
Thanh Hóa đang hoàn tất hồ sơ để kiện đơn vị muốn khai thác thủ thành Tiến Dũng.