Thủ môn Kiều Trinh: Thôi ráng đi em
Mấy hôm nay, VFF hồ hởi phấn khởi thông báo tin vui AFF Cup 2014 sẽ được Việt Nam và Singapore đồng tổ chức. VFF vui thì hẳn rồi, nhưng người hâm mộ – dẫu không nhiều – mấy ngày nay lại vui mừng vì một chuyện khác: lần đầu tiên AFF tổ chức vinh danh cầu thủ nữ xuất sắc nhất khu vực và thủ môn Kiều Trinh của Việt Nam đã đoạt giải hôm 3/4.
Thật ra, vui mừng khi Việt Nam được quyền đăng cai AFF Cup là tất nhiên, dù rằng đây không phải là giải chính thức nằm trong hệ thống của FIFA bởi nó gắn liền với tên một nhà tài trợ, thế nhưng đây là giải đấu có uy tín ở khu vực Đông Nam Á, quy tụ các đội tuyển. Hơn nữa, khi Việt Nam đăng cai, cơ hội để khán giả đến sân xem tận mắt các tuyển thủ chơi bóng đương nhiên là nhiều hơn, và thay vì bị loại ngay từ vòng bảng, cơ hội lọt vào bán kết cũng “sáng hơn” nhờ yếu tố sân nhà.
Nhưng liệu điều ấy có đáng mừng bằng chuyện một cô gái của chúng ta đã được vinh danh khắp khu vực nhờ tài năng, sự cống hiến không mệt mỏi cho bóng đá? Mọi người cho rằng chuyện thủ thành Kiều Trinh nhận giải không được VFF hào hứng cho lắm bởi AFF đã trao giải liên đoàn xuất sắc cho Myanmar, thông tin điều ấy “không có lợi” cho bóng đá Việt Nam ở thời điểm này, mà đã nhắc đến chuyện Kiều Trinh được tôn vinh thì sẽ khó lờ đi chuyện Myanmar đã rinh mất giải liên đoàn xuất sắc...
Nghĩ lại chuyện tranh chức chủ tịch VFF càng thấy rõ. Ai cũng nói về phát triển bóng đá trẻ, ai cũng nói về chuyện kiếm tiền, thậm chí còn treo giá ở nhiệm kỳ mới VFF phải thu về được hơn 400 tỉ đồng nhưng chẳng thấy mấy người nói đến chuyện quan tâm bóng đá nữ, đến việc cải thiện đời sống và quan tâm đến số phận của các cô gái đã đổ nhiều mồ hôi, công sức cho bóng đá Việt Nam, dù rằng họ đã từng tuyên bố như đinh đóng cột là vài năm nữa sẽ đưa bóng đá nữ Việt Nam đứng vào tốp 5 của châu lục.
Kiều Trinh trở thành nữ cầu thủ đầu tiên được vinh danh ở khu vực
Còn nhớ, ở ngày nhận giải thưởng Quả bóng vàng tổ chức tại TP.HCM, cựu tuyển thủ Đào Thị Miện sau khi nhận giải thưởng về khách sạn đã mở phong bì ra chia tiền thưởng làm từng phần, phần mua cái tủ lạnh tặng cho bố, phần để sửa cái bếp sau nhà... Là đội trưởng đội tuyển Việt Nam khi ấy, từng cống hiến cho bóng đá Việt Nam hết tuổi xuân thì nhưng với Miện, những vật dụng thông dụng trong gia đình nhiều thứ vẫn là ước mơ. Trước cô, thủ môn Kim Hồng sau khi giải nghệ với hàng mớ huy chương, trong đó có cả huy chương vàng SEA Games đã phải bắt đầu cuộc sống mới với chiếc xe bánh mì và chờ thời. Còn với Kiều Trinh, ngày cô nhận giải thưởng Quả bóng vàng, cô đứng trên sân khấu khóc nấc nói lời cám ơn cha mẹ đã lặn lội từ Đồng Tháp lên chia vui. Có chút gì đó tủi hờn từ cô gái này khi đứng kế bên các chàng trai bạc tỉ của bóng đá Việt ở cùng một sân khấu. Cô gọi bóng đá là nghiệp sau khi nói về chữ nghề.
Chỉ cần một trận thắng ở giải giao hữu, đội tuyển bóng đá nam được VFF trao thưởng vài trăm triệu đồng. Chuyện thường! Thậm chí, ở cấp độ đội tuyển trẻ hoặc câu lạc bộ, VFF cũng có những lần trao thưởng gọi là động viên. Thế nhưng, trước một vinh dự lớn thế này, lần đầu tiên bóng đá nữ Việt Nam có người được vinh danh cao nhất trong khu vực, người ta vẫn không nghe thấy sự vinh danh hay động viên nào từ những người quản lý ở VFF. Đến mức này thì không cần xin lỗi vẫn phải nói chịu hết nổi!
Chỉ khổ thân các cầu thủ nữ. Và người hâm mộ, có xót xa quá cũng đành muối mặt – việc lý ra là của VFF – để nói một câu lãng nhách gọi là động viên “thôi ráng đi em” chăng?