Thư hùng phố núi và dấu hỏi cho bầu Đức, SLNA
Vòng 22, HAGL vừa thay "tướng" sẽ tiếp SLNA. Dư luận râm ran chuyện thầy trò HLV Ngô Quang Trường đã an toàn và không có nhiều tham vọng sẽ vừa đá vừa nhìn, nhưng đấy chỉ là cách nói như từng chứng kiến Hải Phòng, FLC Thanh Hóa thua Cần Thơ và Đồng Nai.
Trước trận lượt về, ai cũng nhớ cuộc chạm trán giữa hai đội bóng trẻ nhất giải chơi một thứ bóng đá cống hiến và giàu nghệ thuật. Một trận đấu mà sân Vinh được nêm chặt kín người, còn HLV Ngô Quang Trường đã chơi đẹp tung ra sân đội hình toàn nội để đấu với đội hình nội của HAGL.
Phải thừa nhận là lâu lắm rồi bóng đá nội mới có trận cầu trẻ nhưng giàu chất cống hiến như thế. Trong khi đó giới chuyên môn khẳng định rằng bóng đá Việt Nam sẽ không chết nếu các lò đào tạo cứ đầu tư cho bóng đá trẻ như hai lò trên.
Sắp tới sẽ là cuộc hội ngộ giữa hai lò bóng đá trẻ, nhưng bây giờ việc phân cực luôn làm giới chuyên môn nghĩ đến chuyện hậu trường nhiều hơn là chuyện đá cho tiếng tăm, cho thanh danh của mình như SLNA và HAGL ở lượt đi.
Hai đội cống hiến trận đấu hấp dẫn ở lượt đi
SLNA đã vào nhóm an toàn và việc ráng trèo cao cũng không làm thay đổi được nhiều, bởi họ đã mất khả năng tranh vô địch. HAGL càng thua sẽ càng lún nên bây giờ vẫn mong có được điểm nào hay điểm nấy để hy vọng tìm được chiếc phao cứu sinh sau khi thay "tướng Giôm".
Những điều chỉnh với HAGL chỉ là về mặt tinh thần, còn với SLNA, nói như ông Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh là “Chúng tôi đá vì thương hiệu của SLNA!”.
13 năm trước, khi bầu Đức mới tiếp quản đội bóng từ tỉnh Gia Lai, đơn vị đầu tiên ông bầu này muốn học là Nghệ An. Và ông đã không tiến tiền tiếc của khi mời toàn đội SLNA vừa vô địch V-League đến phố núi để đá giao hữu với đội hạng Nhất Gia Lai.
Hồi đấy sân Pleiku đông bất thường là nhờ những nhà vô địch V-League và dàn cầu thủ có nhiều người khoác áo tuyển quốc gia như Sỹ Hùng, Quang Trường, Hữu Thắng, Sỹ Thủy, Võ Văn Hạnh…
Sau trận đấu trên, ông Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh sẵn sàng giang tay giúp bầu Đức khi cho một số cầu thủ SLNA đầu quân về phố núi giúp ông bầu này.
Nhưng mối quan hệ đấy không bền lâu khi HAGL lên V-League, đoạt liền hai chức vô địch, sau đó trở thành điểm sáng của bóng đá Việt Nam. Thậm chí khi HAGL tổ chức đào tạo tìm nhân tài, Nghệ An không đồng tình cho “mượn đất” làm điểm tuyển sinh.
Không phải họ "ghét nhau tiếng gáy", nhưng rõ ràng trong cách làm bóng đá, giữa một ông chủ nhà giàu và một đơn vị có truyền thống lâu đời làm bóng đá theo kiểu "liệu cơm gắp mắm" thì cho những kết quả trái chiều.
Nhiều cầu thủ hai đội có mối quan hệ thân thiết
Bằng chứng là khi lò Nghệ An bị chí trích vì sao bỏ cầu thủ này nhưng họ lại thành danh ở HAGL, đã có ý kiến không ngần ngại nói rõ cả những lý do tế nhị là vì sao họ bỏ…
Ngoài ra còn một lý do quan trọng mà bầu Đức và Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh không cùng cạ với nhau. Đó là ông bầu phố Núi oang oang việc nuôi một đội bóng chỉ cần mười mấy tỉ cho một mùa trong khi ông Hồng Thanh đang cố chạy trên 30 tỉ đồng mỗi năm để gói ghém cho các tuyến của Đoàn bóng đá SLNA.
Quá khứ họ là bạn, nhưng hiện tại thì mỗi lò và mỗi nhà lãnh đạo CLB lại đi một hướng riêng. Ông Nguyễn Hồng Thanh là người có công với bóng đá trẻ Việt Nam từ rất lâu, nhưng cách làm của bầu Đức lại tạo nhiều tiếng vang hơn và kéo được dư luận đến (lẫn ngộ nhận) nhiều hơn. Chính vì thế mà ở lượt đi SLNA đã có tư tưởng cho lò trẻ đối đầu với lò trẻ để cả nước cùng thẩm định.
Bây giờ họ gặp lại nhau trên phố núi với cảnh chủ cần điểm, còn khách thì rủng rỉnh nhưng cũng nghĩ đôi ba hướng.
Cá nhân tôi cho rằng, với tính cách của ông trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh thì ông muốn đây sẽ là trận cầu sòng phẳng không thua gì trận lượt đi. Tất nhiên ông Thanh không là người trực tiếp đá và V-League trong giai đoạn cuối mùa giải “nhiễu loạn” như hiện nay, đồng thời ban tổ chức bất lực trong việc làm rõ những "nghi án" thì phần “loạn” còn lại cũng có nhiều đường, nhiều mối lo.
Với cái kiểu V-League thời "chợ chiều", SLNA đang lo về phía quân nhà mình nhiều hơn là lo thực lực quân nhà bầu Đức.