Thói quen ngược dòng của MU: Gợi nhớ thời Sir Alex nhưng làm Ten Hag... nhăn mặt
MU mùa này đã tái hiện khả năng ngược dòng thời Sir Alex nhưng về mặt con số không phải điều gì cũng khiến Ten Hag hài lòng.
MU ngược dòng thắng Man City tháng 1/2023 (K+)
Trong những năm trước đây đã không ít lần fan MU sung sướng mỗi lần MU bị dẫn bàn để rồi ngược dòng giành chiến thắng, coi đó là một truyền thống vẫn được gìn giữ từ thời Sir Alex Ferguson. Nhưng những gì xảy ra dưới thời Ole Gunnar Solskjaer hay Jose Mourinho đều chỉ là những “bình minh giả”, rằng MU phải ngược dòng vì họ đã sai lầm từ đầu.
Ten Hag đang thể hiện khả năng giúp MU ngược dòng mùa này
Erik Ten Hag sẽ hy vọng ông không phải cùng các học trò ngược dòng quá nhiều, như mới đây MU đánh bại Barcelona 2-1 ở lượt về vòng playoff Europa League để đi tiếp với tổng tỷ số 4-3. Lượt đi họ cũng ngược dòng trước khi bị Raphinha gỡ hòa 2-2, và trong tháng này MU cũng đã giải cứu 1 điểm sau khi bị Leeds United ghi 2 bàn hôm 8/2.
MU hiệp 1 và MU hiệp 2 mùa này rất khác nhau, trong hiệp 1 họ có thể đá chệch choạc và bị đối thủ uy hiếp, nhưng sang hiệp 2 là vùng lên và giành chiến thắng hoặc ít nhất kết quả hòa. Chúng ta có hẳn bảng xếp hạng hiệp 1 và hiệp 2 ở Premier League: Hiệp 1 của MU mang lại 15 bàn thắng/15 bàn thua, vẫn đủ để đứng thứ 3 (41 điểm) sau Man City (44) và Arsenal (42).
Nhưng khi sang đá hiệp 2 MU lại khác hẳn: ghi 26 bàn, lọt lưới chỉ 13 bàn, số điểm 45 ngang bằng Man City và hai đội Manchester chia sẻ vị trí dẫn đầu. Thực tế họ ghi bàn nhiều chỉ thứ 4 trên BXH hiệp 2 nhưng lọt lưới ít thứ 3 (cùng với Liverpool) chỉ sau Newcastle (9 bàn thua) và Chelsea (12 bàn thua).
Hơn 63% số bàn thắng của MU mùa này được ghi trong hiệp 2
Nếu chia ra cả sân nhà lẫn sân khách thì vấn đề sân khách xem ra nghiêm trọng hơn. MU ghi 8 bàn thủng 3 bàn ở hiệp 1 trên sân nhà (xếp thứ 3 sau Man City và Brentford) nhưng sang hiệp 2 là đứng đầu cả giải với 16 bàn thắng/5 bàn thua. Đá sân khách thì bất ổn hơn: Họ ghi 7 bàn thắng/thủng 12 bàn thua trong hiệp 1 (đứng thứ 7), và sang hiệp 2 ghi 10 bàn/lọt 8 bàn, đủ để đứng thứ 3 Premier League nhưng vẫn hòa (5) nhiều hơn thắng (4) trong khi Man City và Arsenal đều làm tốt hơn nhiều.
Có một điều cần phải nhấn mạnh ở đây là tính riêng ở Premier League, MU thực ra chưa trận nào thắng ngược sau khi nghỉ hết hiệp 1 trong thế bị dẫn bàn. Họ có thể có bàn thắng để gỡ hòa ngay trong hiệp 1 và sau đó vượt lên thắng ở hiệp 2, nhưng 5 lần bị dẫn trước sau hiệp 1 của MU mang lại chỉ 1 trận hòa và 4 thất bại, cho nên đừng có nghĩ ngược dòng lúc nào cũng được.
Cái may cho Ten Hag là MU nếu có lọt lưới ở hiệp 1 thì cách biệt cũng không nhiều nên còn có cửa lật ngược tình thế ở 45 phút sau. Ngoại trừ 2 thảm họa trước Brentford và Man City hồi đầu mùa, MU chỉ 2 lần bị thủng lưới 2 bàn ở giờ giải lao, và 3 lần bị thủng lưới 1 bàn.
Ten Hag đã liên tục chính xác với các quyết định thay người
Tới 63,4% số bàn thắng của MU mùa này được ghi trong hiệp 2, cho thấy Ten Hag không những có lựa chọn tốt để tung ra từ ghế dự bị mà còn biết tung ra đúng lúc, cũng như ông thấy cái gì không còn có tác dụng là phải điều chỉnh ngay. MU chưa đến mức phải thắng nhờ “Fergie Time” bởi từ đầu hiệp 2 họ đã bắt đầu vùng lên (15 bàn ghi từ phút 46 đến 75), nhưng số bàn thắng của MU từ phút 76 đến cuối trận vẫn là nhiều nhất với 11 bàn.
Ten Hag dù vậy chắc chắn sẽ không thích thú với việc MU thường xuyên phải rượt đuổi như thế, 15 phút đầu tiên đặc biệt là khoảng thời gian MU nhập cuộc tệ (3 bàn thắng/6 bàn thua). Ngược dòng thì nó có sự kịch tính cảm xúc, nhưng không đội bóng mạnh nào mãi thành công nếu phụ thuộc vào điều đó. Đó là chưa kể như đã đề cập ở trên, MU vẫn chưa thắng ngược lần nào sau khi bị dẫn trước sau hiệp 1.
Sau khi thắng Barcelona, MU vượt qua Arsenal để trở thành đội có tỉ lệ vô địch Europa League cao nhất ở thời điểm hiện tại.
Nguồn: [Link nguồn]