Thói quen “bồi dưỡng” làm hư trọng tài V-League
Theo một cựu trọng tài, sở dĩ trọng tài V-League bắt ẩu có nguyên nhân từ chính các CLB thường “bồi dưỡng” làm hư trọng tài.
Trọng tài V-League chỉ học vẹt
Dù mới đi được 5 vòng đấu nhưng V-League 2017 đã nổi cộm nhiều sự cố liên quan tới trọng tài. Ngay vòng đấu thứ nhất, trọng tài Nguyễn Đức Vũ đã gây tranh cãi khi không thổi penalty cho T.Quảng Ninh dù Jardel bị Văn Kiên kéo ngã trong vòng cấm.
Tại vòng 3, trọng tài Nguyễn Ngọc Châu bỏ qua tình huống cả Văn Kiên lẫn Hoàng Vũ Samson của Hà Nội FC vào bóng thô bạo với Ngọc Quang bên phía HAGL. Vụ việc này sau đó khiến dư luận một thời gian dài xôn xao và trước sức ép quá lớn, Ban Kỷ luật VFF đã buộc phải đưa ra án phạt nguội treo giò 2 trận với tiền đạo người Nigeria.
Trọng tài Nguyễn Trung Kiên B (giữa) mắc sai lầm nghiêm trọng trong trận SLNA - Quảng Nam.
Mới nhất, tại vòng 5, trọng tài Nguyễn Trung Kiên B gây “bão” với quyết định công nhận bàn thắng của Claudecir (Quảng Nam) dù thủ thành Nguyên Mạnh (SLNA) bị một cầu thủ Quảng Nam khác “vật” ngã trong vòng cấm.
Đánh giá về những sai số của đội ngũ trọng tài tại V-League 2017, cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng cho biết, ông không hề bất ngờ bởi đội ngũ trọng tài hiện nay rất ít người có đủ trình độ điều hành các trận đấu V-League. “Xét đơn thuần về mặt chuyên môn, tôi đảm bảo nhiều trọng tài làm nhiệm vụ ở V-League yếu kém. Lấy ví dụ trường hợp Kiên B (trọng tài Nguyễn Trung Kiên B – PV).
Ở một góc quan sát tốt như vậy, lại là tình huống diễn ra trong vòng 5m50 mà anh không tập trung, không chú ý thì thử hỏi làm sao điều khiển được trận đấu”.
Ông Hùng còn cho rằng, việc trọng tài Kiên B thừa nhận mắc lỗi là đáng khen nhưng không thể vin vào do nhận định sai. Nếu nhận định sai phải có lập luận chứng minh sai do cái gì. Còn nếu không lý giải được tại sao dẫn tới cái sai thì chưa thuyết phục. “Còn việc có hay không vấn đề tư tưởng thì chỉ Kiên B trả lời được”, ông Hùng nói.
Cũng xoay quanh các sai sót của trọng tài, chuyên gia Trịnh Minh Huế phân tích: Trọng tài cần thuộc luật và phải biết vận dụng trong từng tình huống cụ thể. Trọng tài tại V-League gần như chỉ học vẹt, không thể vận dụng luật, dẫn tới việc bỏ qua nhiều tình huống, trong đó có tình huống ảnh hưởng tới kết quả trận đấu như trận SLNA gặp Quảng Nam và bị phản ứng là điều dễ hiểu.
Khi Báo Giao thông đặt câu hỏi liên quan tới những tồn tại của công tác trọng tài, Trưởng Ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi cho biết, Ban này không thông tin những vấn đề chuyên môn của đội ngũ trọng tài cho báo giới. Mọi việc đúng hay sai sẽ được tổng hợp gửi lên VFF để tổ chức điều hành bóng đá Việt Nam xử lý.
Vì sao trọng tài mãi yếu kém?
Xuất phát từ thực tế công tác trọng tài những năm trở lại đây rất nhiều người hâm mộ, các chuyên gia có chung câu hỏi: Tại sao trọng tài Việt Nam mãi không tiến bộ?. Để tìm câu trả lời, cần xem xét lại quy trình tuyển chọn và đào tạo trọng tài.
Theo ông Dương Mạnh Hùng, quy trình, quy định của VFF trong việc tuyển chọn nhân sự vào đội ngũ trọng tài làm việc ở V-League rất khắt khe, trải qua nhiều bước khác nhau. Nhưng bản thân người đứng ra tuyển chọn lại không làm hết trách nhiệm, làm vì mục đích cá nhân, dẫn tới nhiều trọng tài yếu kém về mặt chuyên môn vẫn đứng trong hàng ngũ cầm còi.
Ông Trịnh Minh Huế cũng cho rằng, VFF và Ban Trọng tài không chọn được những người đủ năng lực để đào tạo làm trọng tài. Hẫng ở khâu này thì rất khó để cải thiện chất lượng trọng tài.
Bên cạnh đó, cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng nói, nếu muốn công tác trọng tài ở V-League thực sự có chuyển biến thì các CLB cần phải chung tay. “Tôi biết nhiều đội có thói quen “bồi dưỡng” trọng tài, như vậy chỉ làm hư trọng tài và dẫn tới nhiều hệ lụy xấu. Ngoài ra, các CLB bức xúc với trọng tài nhưng tại sao lại không nhất trí bãi miễn ông Mùi?
Mùa giải năm ngoái, trong Hội nghị BCH VFF, 16/21 Ủy viên đồng ý giữ lại ông Mùi, mà những ủy viên đó đều là lãnh đạo đội bóng. Không loại trừ khả năng có yếu tố lợi ích ở đây. Nếu các CLB chỉ giữ lợi ích riêng, không đấu tranh cho cái chung thì trọng tài sẽ vẫn là vấn đề nhức nhối”, ông Hùng nhấn mạnh.