Theo quy luật, Anh hoặc Italia có thể vô địch Euro
Phải chăng chức vô địch Euro 2016 sẽ rơi vào tay đội tuyển có thành phần lực lượng cô đặc ở một vài CLB giống như các kỳ Euro trước?
Kể từ lúc Euro được mở rộng ra thành 16 đội vào năm 1996 khi tổ chức tại Anh và kỳ Euro 2016 là thành 24 đội, các nhà vô địch của mỗi kỳ Euro đều có một điểm chung là 1-2 CLB chiếm đa số thành phần các tuyển thủ, ảnh hưởng mạnh tới lối chơi của toàn đội.
ĐT Đức vô địch Euro 1996 với 14 cầu thủ Bayern Munich & Dortmund
Ngay từ kỳ Euro 1996, ĐT Đức khi đăng quang đã mang đến Anh một dàn cầu thủ với 8 cầu thủ Bayern Munich và 6 cầu thủ Dortmund, bao gồm hai trụ cột là đội trưởng Jurgen Klinsmann và tiền vệ Matthias Sammer. Đội Á quân năm đó, Cộng hòa Czech, có sự góp mặt của 9 cầu thủ đến từ hai CLB Sparta Prague và Slavia Prague, trong đó có Karel Poborsky (sau này khoác áo MU), Vladimir Smicer (cựu cầu thủ của Liverpool) và Pavel Nedved.
ĐT Italia có một chính sách chỉ triệu tập cầu thủ đang thi đấu trong nước trong suốt thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, chính sách giúp Italia có một đội hình bản địa ở Euro 2000 mà trong đó có 7 cầu thủ Juventus, 4 cầu thủ AC Milan và 4 tuyển thủ từ AS Roma. Tuy nhiên họ thua ở chung kết trước ĐT Pháp, một ngoại lệ khi chỉ có Bordeaux (4) cung cấp nhiều hơn 3 cầu thủ.
Sang năm 2004, ĐT Hy Lạp gây sốc với chức vô địch và đội tuyển của HLV Otto Rehhagel có tới 15 tuyển thủ đến từ “tam đại” của bóng đá Hy Lạp là AEK Athens, Olympiacos và Panathinaikos. Đội Á quân Bồ Đào Nha, dù có khá nhiều ngôi sao đã thành danh ở những giải đấu nước ngoài, vẫn có tới 15 cầu thủ đến từ 3 CLB lớn nhất trong nước là Porto, Benfica và Sporting.
Hai kỳ EURO 2008 và 2012 chứng kiến sự thống trị của ĐT Tây Ban Nha. Năm 2008 ảnh hưởng của hai đại gia Real Madrid & Barcelona vẫn còn chưa lớn (cả 2 đội có tổng cộng 5 cầu thủ) và Liverpool với Valencia mang về nhiều tuyển thủ hơn (cùng 4). Đến năm 2012, Barca có 7 tuyển thủ còn Real có 5 người, lúc này lối chơi tiki-taka nổi tiếng của Barca đã được áp dụng hoàn toàn.
Hai đội Á quân của hai kỳ Euro trên cũng phụ thuộc nhiều vào 1-2 CLB như TBN. ĐT Đức của HLV Joachim Low có 9 người đến từ Bayern Munich lẫn Werder Bremen và chỉ 4 cầu thủ đang đá ở ngoài Bundesliga. Còn ở Euro 2012, ĐT Italia có tới 7 cầu thủ từ Juventus góp mặt thì chỉ tiền vệ Emanuele Giaccherini là không đá chính.
Buffon cùng 6 cầu thủ Juventus góp mặt trong đội hình Italia đoạt ngôi Á quân Euro năm 2012
Euro 2016: Italia và Anh chạy theo quy luật
Ở kỳ EURO này có một số đội tuyển cũng mang lực lượng của mình tới Pháp với thành phần chịu ảnh hưởng từ một vài CLB lớn. Liverpool và Tottenham mỗi đội cung cấp cho ĐT Anh 5 tuyển thủ, trong khi ĐT Italia vẫn dựa vào các trụ cột Juventus, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Hungary cũng dựa theo các CLB mạnh trong nước.
ĐT Đức đang hy vọng sẽ tái hiện lại giai đoạn 1998 – 2000 của ĐT Pháp bằng việc chiếm lấy ngôi vương châu Âu sau khi vô địch World Cup. ĐT Pháp giai đoạn đó là một ví dụ điển hình của việc sở hữu một tập thể pha tạp thành phần nhiều CLB nhưng vẫn đạt thành công tuyệt đối, chủ yếu nhờ sự xuất sắc của Zinedine Zidane.
Có điểm khác là ĐT Đức của năm 2014 vẫn theo công thức cũ, với 11 cầu thủ đến từ Bayern Munich và Dortmund. Kỳ Euro này lực lượng của Đức hỗn hợp hơn, 5 cầu thủ Bayern Munich và các CLB còn lại không cung cấp quá 2 người mỗi đội, dù nhiều tuyển thủ trong số đó đã góp mặt lâu năm trên tuyển (Schweinsteiger, Kroos, Khedira, Podolski). Liệu 2 năm thay đổi có khiến ĐT Đức giữ nguyên sức mạnh?
ĐT Đức đã đa dạng hóa thành phần đội hình sau World Cup 2014
Trường hợp của nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha năm nay là khá phức tạp, Vicente Del Bosque vẫn ưu ái cầu thủ của Barca nhưng ông ngày càng rời xa lối chơi tiki-taka hơn và do đó thành phần TBN năm nay cũng đa dạng hơn, trong đó chỉ 2 cầu thủ Real Madrid (Ramos & Vasquez) lên tuyển.
Nếu như theo quy luật thì phải chăng TBN sẽ trở thành cựu vương, còn ĐT Anh hoặc Italia sẽ đăng quang? Không thể đoán trước, bởi ĐT Pháp đã từng tạo ra một ngoại lệ, dù số ngoại lệ là khá ít.