Thể lực là vấn đề sống còn của Đội tuyển Việt Nam
Ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018, chúng ta đã bị đội bạn gỡ hòa lại 2 bàn rất đáng tiếc. Trong 2 tình huống ấy, tất nhiên, phần lỗi quan trọng thuộc về Đoàn Văn Hậu. Nhưng nhìn tổng thể, các sai lầm của Văn Hậu thể hiện sự xuống sức nghiêm trọng trong giai đoạn cuối trận. Và đây không chỉ là câu chuyện của riêng anh.
Thực ra, chưa nói về mặt chiến thuật, cách sử dụng con người của HLV Park Hang Seo đã mang lại lợi thế rất lớn về việc giữ gìn thể lực cho các cầu thủ Việt Nam. Ở cả 7 trận đấu đã qua, ông Park luôn thay đổi đội hình xuất phát. Sự bất ngờ ấy khiến cho đối thủ không thể đoán định được đội hình ra sân để có thể bố trí con người phù hợp đối phó. Mặt khác, các cầu thủ được luân phiên nghỉ ngơi, có thời gian hồi phục thể lực trước mật độ và cường độ thi đấu rất cao.
ĐT Việt Nam cần gấp rút hồi phục thể lực trước trận chung kết lượt về
Ở trận chung kết lượt đi rất quan trọng, tiền đạo chủ chốt của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2018 lần này là Anh Đức đã bất ngờ được cất trên băng ghế dự bị. Thay vào đó, ông Park lựa chọn 1 tiền đạo chưa từng được ra sân chính thức ở giải đấu năm nay là Hà Đức Chinh. Ông Park lý giải rằng, ông cần cho Anh Đức nghỉ ngơi một trận để hồi phục thể lực và chắc chắn ông sẽ sử dụng tiền đạo của CLB Bình Dương ở trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình.
Đó là một quyết định khá mạo hiểm của ông Park. Bởi nếu không may chúng ta không ghi được bàn thắng và thua đậm ở Malaysia, rất có thể trận chung kết lượt về chỉ mang tính chất thủ tục. Nhưng ông Park dám để dành Anh Đức, chứng tỏ ông đã có cơ sở khá vững chắc trong những toan tính của mình về đối phương. Và sự thật, ngoài thiếu may mắn và một chút tinh tế trong những pha dứt điểm cuối cùng, Đức Chinh cũng đã mang đến nhiều nguy hiểm và xáo trộn cho hàng phòng ngự của đối phương.
Đó là câu chuyện của Đức Chinh và hàng tiền đạo. Còn nói về hàng phòng ngự, và cụ thể là vấn đề thể lực, ở trận chung kết lượt đi, chúng ta đã thấy, dường như lần đầu tiên từ đầu giải AFF Cup 2018 đến nay, ĐT Việt Nam mới có một trận đấu xuống sức như vậy. Và sự xuống sức khá đồng bộ ấy cơ bản đến từ danh sách hàng phòng ngự với những cầu thủ có thể nói là có thể lực tốt nhất của ĐT Việt Nam. Không có gì khó hiểu khi chính họ là những người liên tục phải chống đỡ các tình huống tấn công dồn dập của đối phương.
Ở trận chung kết lượt đi, ĐT Malaysia đã có thời gian kiểm soát bóng vượt trội so với ĐT Việt Nam khi họ sở hữu tỉ lệ lên đến khoảng 68%. Ngay trước khi ĐT của chúng ta có bàn thắng mở tỉ số của trận đấu, tỉ lệ kiểm soát bóng đã chênh lệch với cùng một con số như vậy. Và khi họ không còn gì để mất ngoài việc phải bung hết sức ra kiếm tìm 2 bàn gỡ trên chính sân nhà của mình, hàng phòng ngự của ĐT Việt Nam thực sự đã gặp những áp lực rất lớn.
ĐT Việt Nam đang rất gần với chiếc cup vô địch AFF Cup 2018.
Thực ra, ở trận đấu này, Đoàn Văn Hậu, một cầu thủ mới chưa tròn 19 tuổi và sở hữu chiều cao lên tới 1m85 lại là cầu thủ xuống sức nhanh nhất. Không phải thể lực của Hậu kém hơn các đàn anh, nhưng nhiệm vụ mà Hậu phải thực hiện đã “ngốn” của anh rất nhiều năng lượng. Đầu tiên, là một hậu vệ cánh có thiên hướng tấn công, Hậu luôn phải lên công về thủ. Chính sự đa năng này của Hậu đã khiến anh đã chiếm được vị trí đáng lẽ ra phải thuộc về trung vệ Bùi Tiến Dũng.
Vấn đề thứ 2, ở vị trí tiền vệ cánh đối diện của Malaysia, nơi Đoàn Văn Hậu phải đối mặt là sự xuất hiện của cầu thủ Sumareh (người gốc Gambia) rất tài năng. Khi có Sumareh trên sân, trong các đợt phát động tấn công, bóng luôn ưu tiên được dồn về phía cánh phải của Malaysia. Sumareh có thể hình, thể lực cùng kĩ thuật rất tốt. Vì vậy, để ngăn chặn các đợt lên bóng của cầu thủ này, Văn Hậu ngoài sự tỉnh táo, anh cũng buộc phải dùng rất nhiều sức lực.
Bằng chứng là trong bàn thua thứ 2 của ĐT Việt Nam, từ tình huống đi bóng lắt léo bên phía cánh phải, Sumareh đã vượt lên trên Đoàn Văn Hậu. Và trong tình huống thể lực đã xuống, sức rướn không còn tốt, Văn Hậu chỉ còn cách bám đuổi và chuồi bóng phạm lỗi dẫn đến quả phạt ghi bàn của đội bạn. Nếu còn thể lực tốt, Đoàn Văn Hậu hoàn toàn có thể chạy gây áp lực khiến cho Sumareh buộc phải chuyền bóng. Đương nhiên, pha phạm lỗi của Đoàn Văn Hậu ở tình huống này còn phần nào thể hiện sự non nớt về kinh nghiệm thi đấu quốc tế của anh.
Không chỉ có Đoàn Văn Hậu, ở trận này, chúng ta còn thấy sự xuống sức khá rõ rệt của trung vệ Đình Trọng. Cũng giống như Đoàn Văn Hậu, Đình trọng có thể lực rất sung mãn. Nhưng ở trận đấu này, Đình Trọng đã phải di chuyển quá nhiều để bọc lót cho các đồng đội. Gần như trong tất cả các điểm nóng, chúng ta đều thấy sự xuất hiện của trung vệ CLB Hà Nội với những pha cản phá rất quyết liệt và hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian cuối trận, chính Trọng cũng không còn giữ được thể lực theo yêu cầu.
Cụ thể, ở những phút cuối cùng của hiệp 2, trong một pha phối hợp tấn công, tiền đạo của Malaysia đã có cơ hội mười mươi để thoát xuống và đối diện với thủ thành Đặng Văn Lâm. Khi ấy, Đình Trọng là người gần đối thủ nhất. Dù đã rất cố gắng rướn người, nhưng trong tình thế xuống sức, Đình Trọng đã không thể theo kịp cầu thủ này. Và phương án cuối cùng, Đình Trọng đã buộc phải làm là phạm lỗi để ngăn chặn cầu thủ này, giúp cho Việt Nam tránh được bàn thua trông thấy.
Ngoài Đoàn Văn Hậu, Đình Trọng, những Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh hay Trọng Hoàng về những phút cuối trận đều có biểu hiện xuống sức rõ rệt. Điểm mạnh nhất của ĐT Malaysia là thể lực và trận chung kết lượt về chắc chắn cũng sẽ như vậy. Vì thế, bài toán ngay lập tức của HLV Park Hang Seo và các cầu thủ ĐT Việt Nam là hồi phục thể lực. Chỉ cần giữ được cơ bản thể lực và sự tập trung đến những phút cuối trận, hàng thủ của chúng ta có thể tránh được những sai lầm đáng tiếc như ở trận chung kết lượt đi vừa qua.
AFF Cup chỉ còn 1 trận chung kết và có cầu thủ ĐT Việt Nam chưa một lần được ra sân.