Thầy Park và nỗi lo dự bị lên tuyển
Hơn nửa lực lượng của tuyển U-23 Việt Nam không có chỗ chơi ở V-League hoặc quen ngồi ghế dự bị sẽ phải nặng gánh săn vàng SEA Games cùng thầy Park Hang-seo vào cuối năm nay.
Đã hơn một lần ông thầy người Hàn Quốc bày tỏ mối lo ngại các học trò trẻ của mình quá thiếu kinh nghiệm thi đấu. Nhớ lần tập trung đội tuyển U-23 Việt Nam (VN) cho vòng loại U-23 châu Á hồi tháng trước có đến 37 cầu thủ trẻ với hầu hết do các HLV tiến cử, không do ông Park xem và chọn lựa. Vì thế, ông không khó rút gọn đội hình với thành phần quen thuộc với ông từ các giải đấu trước, dù chỉ lên tuyển dự bị nhưng có lợi thế quen biết với cách chơi của ông.
Thầy Park đứng trước nỗi lo đội tuyển phải chiêu mộ các dự bị tại V-League. Ảnh: NGỌC DUNG
Tuy nhiên, ở cuộc chơi SEA Games 30 vào cuối năm nay, ông Park sẽ gặp nhiều khó khăn hơn với lứa U-22 cùng với chỉ hai cầu thủ quá tuổi. Bởi rất nhiều cầu thủ trẻ trong độ tuổi dưới 22 thường ngồi ghế dự bị hoặc không có chỗ chơi ở V-League khiến nguy cơ sa sút phong độ tăng cao.
Ông Park từng lo lắng học trò thiếu cọ xát đến mức sẵn sàng kiến nghị VFF cần nghiên cứu giảm bớt ngoại binh và bắt buộc mỗi đội bóng phải cho ít nhất 2-3 cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi ra sân. Ý kiến của ông Park không mới, vì cách đây nhiều mùa giải, V-League chỉ cho hai ngoại binh thi đấu cùng lúc trên sân. Vậy mà không hiểu sao mùa này lại cho phép ba cầu thủ ngoại ra sân.
Tương tự, việc ông Park muốn mỗi CLB có vài cầu thủ dưới 23 tuổi có mặt trong đội hình xuất phát đã từng được Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đề xuất không lâu. Thế nhưng hầu hết CLB phản ứng vì không thể bảo đảm thành tích và không phải đội bóng nào cũng có cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi đủ sức thay thế cho các đàn anh.
Chính vì thế, chỉ tính riêng đội U-23 VN vừa dự vòng loại U-23 châu Á, có khoảng 10/23 cầu thủ thường có suất chơi, còn lại ra sân từ ghế dự bị hoặc không có cả tên đăng ký thi đấu. Sự hạn chế của các học trò sẽ làm HLV Park Hang-seo nhọc nhằn hơn trong việc kiểm tra phong độ của họ, nói gì đến khả năng phát hiện những nhân tố mới, do thói quen và sự thận trọng của các CLB.
Hai lần vượt qua đội trẻ Thái Lan ở giải giao hữu M-150 Cup và vòng loại U-23 châu Á, ông thầy người Hàn vẫn khẳng khái nhìn nhận bóng đá trẻ VN kém hơn. Ông Park chỉ ra những yếu tố nhỉnh hơn của người Thái gồm giải vô địch quốc gia của họ tốt hơn V-League, có khâu đào tạo trẻ rất bài bản và rộng khắp, nhiều cầu thủ Thái ra nước ngoài thi đấu,… Điều quan trọng nhất là các tuyển thủ Thái Lan hầu hết đá chính ở CLB chứ không ngồi ghế dự bị như hơn một nửa thành phần hiện tại của U-23 VN.
Một khi VFF chưa thể giải tỏa những mối lo lắng của HLV Park Hang-seo như kể trên thì việc ông giúp học trò qua mặt người Thái chỉ đơn thuần là trong một trận đấu, không phải hơn về nền tảng
Người Thái mong tái ngộ bóng đá Việt Đội tuyển U-23 của ông Park hai lần vượt qua Thái Lan và ngay cả đội trẻ U-19 vừa đá giao hữu cũng thắng đã tạo ra một tâm lý thoải mái hơn cho các tuyển thủ VN. Nó phần nào xóa đi trạng thái tự ti qua các thời kỳ hay mắc phải, đến nỗi thầy Park phải trấn an: “Đừng sợ người Thái nữa”. Nhờ sự vươn lên trở thành đối trọng lớn trong thời gian gần đây ở khu vực Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan có vẻ dè chừng và rút ra nhiều bài học hơn mỗi lần đụng độ. Người Thái cũng thiết tha mời cho bằng được đội tuyển VN đá giải King’s Cup truyền thống để lần đầu tiên sau hơn ba năm thắng 3-0 ở vòng sơ loại World Cup dưới thời Kiatisak, bóng đá Thái nóng lòng gặp gỡ thầy trò ông Park để phân tài cao thấp. |
Ký ức chiếc giường nhỏ trong căn nhà tồi tàn thôi thúc Xuân Tạo tiến về phía trước.