Thay ông Miura thì giải quyết được gì?
Vấn đề của bóng đá Việt Nam là những nhà điều hành muốn ông Miura làm gì thay cho thành tích tức thời.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng rất kiên định với HLV Miura. Sau trận thắng đậm Malaysia, ông phát biểu: “Trước sau gì HLV này cũng mang về cho bóng đá Việt Nam HCV SEA Games không lần này thì lần khác…”. Ông Dũng cũng thỉnh thoảng nhắn tin cho báo chí có ý trách móc những người hay chê hoặc hay phê bình ông Miura.
Thực chất thì ông Miura không phải là HLV dở nhưng quan trọng là định hướng gì và lộ trình nào để ông đi. Ông cần thể lực cầu thủ Việt Nam được nâng cao, Hội đồng HLV nói “Good!”; ông muốn những đấu sĩ để tăng sức đề kháng và sức mạnh cho bóng đá Việt Nam, Hội đồng HLV cũng gật; ông đẩy vào khối lượng chưa thích hợp so với thể trạng và điều kiện cầu thủ khi tập trung, Hội đồng HLV cũng cho là đúng hướng và cầu thủ chấn thương là do yếu, do CLB… Nói chung là ông muốn thì Hội đồng HLV và VFF theo nhiều hơn là VFF muốn và ông phải thực hiện lộ trình của mình.
Chủ tịch VFF luôn ủng hộ và bảo vệ HLV Miura. Ảnh: XUÂN HUY
VFF tại nhiệm kỳ V, VI và VII thì phòng các đội tuyển và Hội đồng HLV chỉ là những cái tên đứng tụ chứ trọng trách trong việc hỗ trợ VFF nêu ra các định hướng gần như là số 0. Bởi ở VFF đặc biệt tại nhiệm kỳ VII có những vấn đề được ông chủ tịch và phó chủ tịch đưa ra và quyết tất chứ không dân chủ và tôn trọng các ban bệ giúp việc như các nhiệm kỳ tôn trọng ý kiến chuyên môn.
Nếu những nhiệm kỳ II, III hay IV, bóng đá Việt Nam còn có những nhà chuyên môn từng là cựu danh thủ, từng được đi tu nghiệp và đi giảng dạy nên đủ lý luận thực tiễn để tranh luận với ông Weigang, Dido, Tavares, Riedl… thì bây giờ đặt ông chủ tịch Hội đồng HLV ngồi sai vị trí làm nhiều người chẳng thiết tham gia hội đồng đấy nữa. Và nghiễm nhiên nhiệm vụ trợ giúp chuyên môn cho VFF giờ thành hưởng ứng theo khẩu quyết của ông chủ tịch VFF.
Đã có thời bóng đá Việt Nam phát hiện ra cặp bài trùng Đoàn Nguyên Đức - Lê Hùng Dũng đặc biệt ở những giải đấu rình rang có đội U-19 thi đấu. Đã có thời nhiều người cũng lầm tưởng đội U-19 là của riêng bầu Đức mà quên đi có sự đóng góp của nhiều địa phương. Và cũng có thời cặp bài trùng đấy gắn kết với nhau trong nhiều việc, nhiều sự kiện.
Tuy nhiên, đến nay thì cặp đấy mỗi người mỗi việc. Ông Dũng ở xa mặt trời nên tự phong cho ông Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn thêm chức phó chủ tịch thường trực và giao thật nhiều quyền. Hơn nữa giai đoạn này ông Dũng cũng lo chữa bệnh nan y nên việc hầu hết vào tay ông Tuấn.
Ông Đức thì có buổi họp thường trực đã không thèm dự và nhắn lại những câu rất sốc cho thấy ông không phục cách làm việc nhưng đã lỡ phóng lao (nhận lời làm phó chủ tịch VFF) nên phải theo lao. Ông yêu cái đội U-19 là sản phẩm đầu tay khi kết hợp với Arsenal nhưng có lúc lại thấy rất cô đơn vì cái phần bay bổng từng lên kế hoạch, lên lộ trình với ông bạn Lê Hùng Dũng nay lại bị ngó lơ.
Vì vậy mà thay ông Miura nhưng thượng tầng vẫn làm với cách cũ thì việc thuê người, thuê chuyên gia cuối cùng cũng chỉ giải quyết được phần ngọn.
VPF bị “chặn” tài trợ ở Toyota Cup như thế nào? Giới bóng đá ai cũng biết Toyota Cup là công đầu của ông Giám đốc Công ty VPF Phạm Ngọc Viễn đưa nhà tài trợ này về làm thí điểm ở Bình Dương và đấy là tiền đề cho nhà tài trợ này nhảy vào V-League. Mọi việc đang thuận buồm xuôi gió thì giờ chót VFF “chặn” lại với lý do VPF chỉ cần lo điều hành những giải lớn quốc gia, còn giải quốc tế thì để VFF “làm”. Kết quả là ông Viễn và VPF bị gạt ra và phần bánh Toyota chạy hết về đại diện VFF. Ngoài Toyota còn có nhiều nhà tài trợ Nhật cũng đến và phần bánh đấy liên quan đến vòng tròn khép kín giữa LĐBĐ Nhật, HLV Miura và các nhà tài trợ Nhật. |