Thầy ngoại và trợ lý nội
Từ thời HLV Weigang cho đến Colin Murphy, Alfred Riedl, Calisto, Goetz… và hiện nay là HLV Miura đa phần các trợ lý thể hiện không khác hơn người giúp việc cho HLV ngoại.
Khác biệt là trường hợp HLV Tam Lang khi làm trợ lý cho HLV Colin Murphy và Alfred Riedl thì ông thể hiện đúng nghĩa của một trợ lý, là cánh tay phải đắc lực của những HLV ngoại.
Cũng có lần HLV Lê Thụy Hải làm trợ lý cho ông Riedl tại SEA Games 2005 thì ông Hải nói thẳng: “Các trợ lý Việt Nam chẳng khác nào thằng giúp việc lo những vụ vặt vãnh nên tôi thề không làm trợ lý cho HLV ngoại nữa”.
Các trợ lý HLV nội chẳng khác gì người giúp việc
Mục đích của các trợ lý người Việt khi gắn bó với HLV ngoại là mang kiến thức thực tiễn của mình lẫn sự hiểu biết về cầu thủ Việt Nam, về thói quen và đặc thù bóng đá Đông Nam Á… để góp ý và tư vấn ngược cho thầy ngoại hiểu đồng thời giúp thầy ngoại có những phương pháp hiệu quả và tích cực hơn. Điều này từng được HLV Tam Lang ứng dụng ở Tiger Cup 1998 khi ông Riedl buộc các tuyển thủ Việt Nam đá với bốn hậu vệ giăng ngang ngay trong trận khai mạc và HLV Tam Lang đã khuyên ông Riedl là từ từ ứng dụng lối đá đấy vào để cầu thủ còn kịp thích nghi và không bị trả giá ở Tiger Cup. Kết quả là ông Riedl đã nghe và thay đổi ngay ở trận kế tiếp.
Bây giờ thì đa phần các trợ lý đều có suy nghĩ lên tuyển là ân huệ và cứ có thói quen làm thật ngoan, qua việc nghe lời HLV ngoại tất tần tật chứ không dám góp ý cho cái chung.
Trách HLV Miura nhiều thì cũng phải trách những người bên cạnh ông làm cầu nối cho ông nhưng cũng chẳng giúp được gì cho ông trong việc “mở mang” và hiểu biết thêm về đặc thù của cầu thủ Việt.