Thầy ngoại thất sủng ở V-League, trừ mỗi Kiatisak
Sau gần nửa đường V-League, các nhà cầm quân nước ngoài đều không mang lại niềm tin cho CLB như kỳ vọng, ngoại trừ người cũ Kiatisak đang bay cao với HA Gia Lai.
Thật ngẫu nhiên ba thầy ngoại Polking (TP.HCM), Petrovic (Thanh Hóa) và Shimoda (Sài Gòn FC) sau sáu vòng đấu V-League đều chìm nghỉm ở dưới đáy bảng, dù đầu giải đội nào cũng có tham vọng đua tranh vô địch. Mới nhất, thầy Nhật Shimoda phải miễn cưỡng chia tay Sài Gòn FC sau ba trận toàn thua cùng lối xây dựng cách chơi không phù hợp.
HLV Petrovic thì sau cú ngã ngựa 1-3 của Thanh Hóa trên sân nhà trước SHB Đà Nẵng đã buồn bã chia sẻ: “Tôi không biết nói gì về thành tích yếu kém của học trò”. Còn ông Polking của đội TP.HCM sau cái thua đậm 0-3 trên sân Pleiku trước HA Gia Lai đã tâm sự: “Tôi chưa bao giờ gặp hoàn cảnh bi đát như bây giờ”.
HLV Polking mang hai quốc tịch Brazil và Đức, từng nhiều năm lăn lộn ở Thai-League, nghĩa là rất dày dạn trận mạc nhưng về với V-League đã sớm gặp phải hoàn cảnh trái ngang. Thời gian chưa đủ dài cho HLV Polking hiểu về môi trường mới là một lẽ, đằng khác là ông không phải người chọn quân cho CLB theo ý tưởng chơi bóng của mình.
Trong khi Kiatisak thành công cùng sự hồi sinh của HA Gia Lai thì ba thầy ngoại còn lại thất bại ê chề. Ảnh: CTV
Va vấp của HLV Polking còn là việc loại trung vệ Diakite và chọn cách đá tấn công làm phòng ngự với ba ngoại binh Brazil Dario, Barros, Joao nhưng nghiệt nỗi bốn trận qua họ không ghi nổi một bàn. Polking sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn khi lối chơi quá lệ thuộc vào Lee Nguyễn 35 tuổi, lại không may tiền vệ này vừa gặp phải chấn thương. Có lẽ tương lai của ông Polking ở đội TP.HCM còn tính từng ngày, vì giải đang ngắn lại mà sức chịu đựng của lãnh đạo CLB lẫn giới hâm mộ đều có hạn.
Thầy ngoại Petrovic ở xứ Thanh cũng có hoàn cảnh không khá hơn khi đã gặp ba trận thua liên tiếp. Dĩ vãng từng giúp Thanh Hóa về nhì V-League 2017 đã nhạt nhòa, cách chơi của họ mùa này tệ hơn, nhiều đối thủ lại mạnh lên. Ông thầy người Serbia 74 tuổi “không biết nói gì” cho thấy sự bất lực và đau khổ ông chưa lường hết. Cũng có trận Thanh Hóa kém may mắn với nhiều lần xà ngang, cột dọc từ chối bàn thắng. Nhưng ông Petrovic vẫn khó lòng tồn tại ở V-League khi cứ thua mãi và “không biết nói gì”.
Tương tự, HLV Shimoda là thầy ngoại đầu tiên ở mùa này mất ghế, chỉ sau hơn một tháng với ba trận cầm quân thua trắng và không có lấy nổi một bàn thắng. Sai số của lãnh đạo Sài Gòn FC là phai nhạt mục tiêu xây dựng bản sắc bóng đá Sài Gòn khi chuyển công tác HLV Vũ Tiến Thành và theo hướng Nhật hóa với những ngoại binh Nhật thiếu chất lượng. Ông Shimoda rất thành công với bóng đá Nhật tại các kỳ World Cup chứng tỏ ông không dở nhưng để bắt nhịp V-League theo cách hiểu mình, hiểu người thì chưa.
Gần nửa đường V-League, ba đội bóng đặt mục tiêu tốp 6 đội mạnh sau giai đoạn 1 với thầy ngoại thì trớ trêu Thanh Hóa cuối bảng với 4 điểm, còn Sài Gòn FC và TP.HCM chia nhau vị trí 11-12 chỉ với 6 điểm.
HLV nước ngoài không dễ thành công ở V-League khác biệt và khắc nghiệt khi họ chưa kịp biết nhiều về cuộc chơi.•
Kiatisak đang thành công hơn đồng nghiệp ngoại HA Gia Lai sau sáu trận V-League có 13 điểm, tạm dẫn đầu bảng xếp hạng hai vòng đấu liên tiếp. Rõ ràng HLV Kiatisak đang gặt hái thành công nhờ lực lượng tốt và hiểu mình, hiểu người. Zico Thái đã giải kỹ những bài toán hóc búa mà các đời tiền nhiệm ở đội bóng phố núi bó tay, như tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho hàng công và tạo sự vững chắc cho hàng thủ. HA Gia Lai không còn sợ sệt trên chưa làm dưới đã phá với con số sau 540 phút ghi 10 bàn, chỉ để lọt lưới ba lần, nhiều và ít nhất V-League. Đường còn dài và Zico Thái còn nhiều việc để làm nếu muốn trở thành nhà vô địch mới như kỳ vọng nhưng người cũ của HA Gia Lai đang cho thấy sự thành công ngoài mong đợi khi giúp học trò sau năm mùa lo trụ hạng đã trở thành một ứng cử viên nặng ký. TT |
Nguồn: [Link nguồn]
CLB Thanh Hoá vừa có văn bản gửi cơ quan chức năng yêu cầu vào cuộc điều tra những dấu hiệu thi đấu thiếu tích cực...