Thầy ngoại khó thành công vì lệch “tông” văn hóa bóng đá Việt?
Sau nhiều năm, V-League vẫn là mảnh đất dữ với các HLV ngoại quốc, vì sao lại như vậy?
HLV Chung Hae-seong (CLB TP HCM)
Tại V-League 2020, CLB TP.HCM đang chơi không xứng với kỳ vọng và được dự đoán khó cạnh tranh ngôi vô địch. Trong trường hợp TP HCM không thể lọt ít nhất vào top 3, có khả năng HLV Chung Hae-seong sẽ ra đi.
Thời gian qua, ai cũng thấy dấu ấn của ông thày Hàn Quốc khá mờ nhạt. Nếu kịch bản này xảy ra, V-League sẽ sạch bóng HLV ngoại. Trước đó, HLV Lee Tae-hoon của HAGL cũng phải rời ghế nóng để nhường chỗ cho trợ lý Nguyễn Văn Đàn.
Thực ra, việc HLV ngoại khó thành công ở giải đấu số 1 Việt Nam không mới và đã được mổ xẻ. Một trong những nguyên nhân chính là sự lệch “tông” văn hóa. Văn hóa trong bóng đá bao gồm những yếu tố như thế nào? Không dễ để lý giải cặn kẽ nhưng về cơ bản có thể hiểu văn hóa ở đây chính là cách làm bóng đá.
Vậy tại sao cách làm bóng đá lại khác biệt lớn tới mức bóng đá Việt Nam lại không thể dung nạp được tư tưởng mới, hiện đại? Ở đây cần rạch ròi, không phải tất cả các ông thày ngoại đều giỏi nhưng chí ít họ có tư tưởng hiện đại hơn, chuyên nghiệp.
Quay ngược trở lại với bóng đá Việt Nam, dù tiếng là đã lên chuyên nghiệp nhưng cái lõi lại chưa chuyên nghiệp. Từ việc tập luyện của cầu thủ, cơ sở vật chất tới phân quyền, phân cấp trong chỉ đạo và chuyên môn, mọi thứ đều thiếu rạch ròi và theo chuẩn nhất định.
CLB Hà Nội, đội bóng vốn được đánh giá cao nhất ở sự chuyên nghiệp cũng từng phải chia tay vị Giám đốc kỹ thuật người Uruguay hồi đầu mùa do… trái văn hóa. Vị này sau đó phát biểu đại ý rằng, đội bóng Thủ đô không muốn tập luyện thêm vì đang là nhà vô địch.
Chỉ riêng thông tin này cũng phần nào giúp chúng ta hình dung được xung đột văn hóa giữa thày ngoại và bóng đá nội. Báo Giao thông đã từng có bài viết đề cập tới việc tiếp nhận yếu tố bên ngoài, chắt lọc và vận dụng phù hợp ở bóng đá Việt Nam. Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc.
Ngay cả những nền bóng đá hàng đầu thế giới vẫn có chỗ cho HLV ngoại quốc. Sự góp mặt của họ giúp đa dạng chiến thuật, tạo động lực thúc đẩy tại chính quốc gia đó. Bóng đá Việt Nam nếu nhìn cặn kẽ vẫn đang ở tầm thấp, rất cần những tư tưởng mới, cách làm hiện đại.
Đáng tiếc, chúng ta lâu nay vẫn chọn cách thu mình, từ chối mọi sự thay đổi. Làm như vậy chỉ thỏa mãn được cái tôi còn về lâu về dài hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển. Muốn thay đổi thực trạng này, đội ngũ lãnh đạo các đội bóng cần có cái nhìn mới mẻ về các chuyên gia ngoại. Cần coi họ như những tài sản đặc biệt chứ không phải người làm thuê đơn thuần.
HLV Park Hang-seo sở dĩ thành công cùng các đội tuyển Việt Nam phần nhiều là do ông được tạo điều kiện tối đa, được toàn quyền xử lý vấn đề chuyên môn. Tới khi nào ở CLB, HLV ngoại nhận sự đãi ngộ tương tự, may ra V-League mới có dấu ấn thày ngoại.
Nguồn: [Link nguồn]
HLV trưởng ĐT Việt Nam vừa tiến cử với VFF một HLV thủ môn người Hàn Quốc cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam.