Thất bại của U22 Việt Nam: Có cần khắc nghiệt đến thế?
Bóng đá nam Việt Nam lại thêm một lần lâm vào cảnh trắng tay khi bị loại khỏi đại hội khu vực ngay từ vòng đấu bảng. Trong bối cảnh trên, chiếc HCV của đội tuyển bóng đá nữ vô tình lại càng khiến thất bại của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng thêm cay đắng.
Với chiếc HCV SEA Games 29, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam một lần nữa vượt qua kình địch Thái Lan để đăng quang. Khỏi phải mô tả cảm giác lâng lâng sung sướng của những người làm bóng đá nữ, khi trở về trong vòng tay nồng nhiệt của người hâm mộ.
Thầy trò HLV Mai Đức Chung được thưởng khoảng 4 tỷ đồng, một con số thực sự lớn từ trước tới nay. Nó gồm 3 tỷ đồng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, 600 triệu của Tập đoàn Tuần Châu, một số nhà tài trợ khác chưa kể 100 triệu quà trước đó của VPMilk, đơn vị tài trợ sữa cho các ĐTQG. Nhà tài trợ này cũng khẳng định, sẽ tiếp tục đồng hành cùng bóng đá nữ Việt Nam.
Tuyển nữ Việt Nam về nước trong vòng tay nồng nhiệt của người hâm mộ.
Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nữ vô tình càng khoét thêm nỗi đau thất bại của đội tuyển nam. Một bộ phận đông đảo công chúng được dịp bỉ bôi đội tuyển U22 Việt Nam. Người ta chỉ trích Công Phượng sút trượt quả phạt penalty, làm tan cơ hội lật ngược tình thế của đội bóng. Thủ thành Phí Minh Long bị xem như “tội đồ” với 2 lỗi cá nhân nghiêm trọng. HLV Hữu Thắng dù từ chức, vẫn bị chỉ trích nặng nề, từ sai lầm chiến thuật đến yếu kém trong lựa chọn nhân sự.
Bóng đá, kẻ thắng được tất cả và người thua, lúc nào cũng có nguy cơ bị xuống bùn đen. Chuyện HLV Hữu Thắng phải ra đi cũng là quy luật tất yếu, phổ biến ở môn thể thao vua. Thế giới từng chứng kiến lắm HLV tài danh lừng lẫy, nhưng cũng có lúc phải cuốn gói ra đi trong cay đắng.
Tài năng, cá tính như Jose Mourinho, nhiều công lao với đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha cỡ Vicente Del Bosque, hay đưa Hy Lạp lên đỉnh châu Âu như Otto Rehhagel cũng chấp nhận mất việc chỉ sau vài thất bại của đội bóng. Otto Rehhagel trước khi bị sa thải đã được người Hy Lạp phong thánh. HLV Hữu Thắng không thể là ngoại lệ.
Tuy nhiên, cách chúng ta đang quay lưng lại với đội tuyển U22 Việt Nam và các thành viên của nó lại có quá nhiều điều phải suy nghĩ. Các chỉ trích nhằm vào cá nhân HLV Hữu Thắng vượt quá phạm vi về chuyên môn. Những người gần gũi cựu trung vệ xứ Nghệ biết rằng, trước khi nhận lời bầu Đức lên nắm đội tuyển Việt Nam, ông Thắng đã phải cân nhắc rất nhiều, gồm cả việc chấp nhận nguy cơ hứng chịu búa rìu dư luận.
Nhưng cái kết khắc nghiệt hiện tại có lẽ vượt quá cả những mường tượng của ông Thắng. Chỉ qua 17 tháng nắm tuyển, một người nổi tiếng mạnh mẽ như ông Thắng, mái tóc điểm thêm quá nhiều sợi bạc. Có phần cay đắng không khi chỉ trước đó ít hôm, họ còn là những người hùng, được ca tụng tới tận mây xanh, không ít từ chính những người đang chỉ trích họ hiện nay.
Trở lại với thành công của tuyển nữ, có cảm giác như nhiều người trong chúng ta đang ca ngợi chiến tích của các cô gái, chỉ để thỏa lòng xả giận các đồng đội nam. Bằng chứng ư, liệu bao nhiêu trong chúng ta từng theo dõi một trận đấu của giải vô địch quốc gia nữ? Trận đấu đầu tiên của các cô gái ở SEA Games 29, số CĐV Việt Nam tới sân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ai có thể biết rõ mặt các cô gái đá bóng, như việc đếm vanh vách từng cái tên ở đội tuyển nam? Truyền thông ắt cũng có phần trách nhiệm.
Có lẽ chỉ Việt Nam, người ta có thể ca ngợi Thái Lan chịu trắng tay trong một thời gian dài để tạo nên một thế hệ vàng mới, nhưng lại khó chấp nhận một thất bại trong ngắn hạn của chính đội nhà, cho dù rằng đang có những tín hiệu tích cực từ việc “xây nhà từ móng”. Mẹ thủ thành Phí Minh Long mới đây đã phải lên tiếng xin lỗi vì sai sót của con trai. Bóng đá, cuối cùng có cần khắc nghiệt đến thế?