Thăng trầm lương V-League
Nghề “quần đùi áo số” trong bóng đá Việt thường ngắn ngủi nhưng lương bổng lại đủ cung bậc thăng trầm, có thể đem đến vinh quang và tiền bạc nhưng đôi khi cũng tước đi cả sự nghiệp của cầu thủ
Bóng đá Việt Nam - từ thế hệ vàng năm 1998 như Huỳnh Đức, Hồng Sơn... đến lứa vô địch Đông Nam Á 2008 như Công Vinh, Việt Thắng, Thành Lương rồi sau này là Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... - mỗi giai đoạn đều có những câu chuyện thú vị về lương bổng. Hàng chục năm bóng đá bao cấp, hơn 15 năm tiến lên chuyên nghiệp, câu chuyện tiền lương luôn mang tính thời sự trong bóng đá Việt.
Từ lương tháng đến phí lót tay
Mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên của bóng đá Việt Nam bắt đầu từ năm 2000, với tên gọi Strata V-League. Dù đã gắn mác “chuyên nghiệp” nhưng thực tế, trong giai đoạn sơ khai, do chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá nên các đội bóng ở Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, mức lương trung bình của một cầu thủ thuộc diện “sao số” ở V-League khi đó đã khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.
Cựu tiền đạo Việt Thắng giao lưu với người hâm mộ tại Nhà Thi đấu Quân khu 7 nhân VCK Euro 2016. Lúc thi đấu, anh từng tạo kỷ lục về phí chuyển nhượng và lót tay nhờ kinh qua 6 CLB Ảnh: QUANG LIÊM
Đó là số tiền khá cao nếu so với thời điểm trước khi bóng đá lên chuyên nghiệp. Khi ấy, một cầu thủ có đẳng cấp, trình độ chuyên môn tốt như Huỳnh Đức (Công an TP HCM) cũng chỉ nhận lương 2 triệu đồng/tháng. Để hình dung dễ hơn, có thể tham chiếu với giá vàng khoảng 4,7 triệu đồng/lượng thời điểm năm 2000.
Chính vì vậy mà làng bóng đá Việt không thiếu những giai thoại về giới cầu thủ lúc ấy. Cứ đến ngày lãnh lương, cầu thủ có “số má” thường thể hiện bằng việc dắt cả đội bóng đến bao trọn vũ trường có tiếng nào đó, ăn chơi đến tận sáng trong ánh mắt “ngưỡng mộ” của bao người.
Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng 2 năm, bắt đầu từ mùa giải 2002 trở đi, khi các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn HAGL, Gạch Đồng Tâm hay Becamex Bình Dương với các ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng... đứng đằng sau quyết định đầu tư vào bóng đá, V-League đã có những bước thăng tiến rõ rệt về các khoản chế độ. Lúc đó, lương thưởng đã phải nhường chỗ cho khái niệm mới: tiền lót tay.
Năm 2003, bóng đá nội bắt đầu chứng kiến những “quả bom” chuyển nhượng đầu tiên được kích hoạt. Điển hình là bản hợp đồng 400 triệu đồng đưa Minh Phương từ Cảng Sài Gòn về ĐTLA, rồi số tiền 1 tỉ đồng được B.Bình Dương chi ra để sở hữu Trần Trường Giang từ Tiền Giang.
Nước lên thuyền lên, mức lương và thu nhập của cầu thủ cũng tăng theo. Sau khi thị trường chuyển nhượng được kích cầu, nó đã tạo ra một làn sóng dùng tiền lót tay cao khủng khiếp để lôi kéo cầu thủ giỏi từ các địa phương.
15 năm, lương tăng 10 lần
Sau 15 năm chuyển đổi lên sân chơi chuyên nghiệp, mức thu nhập hằng tháng của các cầu thủ đang đá ở V-League tăng gấp 10 lần so với năm 2000. Từ vài trăm triệu đồng, số tiền lót tay đã nhảy lên cả tỉ, thậm chí chục tỉ đồng. Lương bổng vì thế cũng không thể nằm yên.
Cựu tiền đạo Việt Thắng có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều với những phi vụ chuyển nhượng đình đám bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Mười lăm năm chơi chuyên nghiệp, khoác áo 6 CLB khác nhau và cứ mỗi lần thay đổi màu áo, tiền đạo sinh năm 1981 này lại tạo nên một cột mốc ấn tượng. Năm 2002, Việt Thắng chuyển từ Công an TP HCM sang HAGL với phí lót tay 50 triệu đồng cùng mức lương 10 triệu/tháng.
Cần phải tham chiếu lần nữa: Giá vàng lúc bấy giờ chỉ ở mức hơn 7 triệu đồng/lượng. Tám năm sau, vào đầu mùa giải 2010, Thắng “bế” tự mình thiết lập một kỷ lục mới khi nhận lời đầu quân cho đội bóng “đại gia” V.Ninh Bình với bản hợp đồng “bom tấn” 8 tỉ đồng cùng mức lương trên 50 triệu/tháng.
Trước đó, Công Vinh, Hồng Sơn, Như Thành và sau này là Tấn Trường, Quang Hải, Tiến Thành, Trọng Hoàng... cũng từng được nhận thu nhập cứng khoảng 40-70 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng. Trong 10 năm, từ năm 2000 đến 2010, mức lương trung bình của các cầu thủ Việt tăng khoảng 10 lần, từ 5-6 triệu lên 50-60 triệu đồng/tháng.
Kỳ tới: Đá bóng, lãnh lương công an, quân đội
Cú sốc từ bầu Kiên Sau khoảng thời gian lạm phát với “đồng tiền nhảy múa” của các ông bầu, bóng đá Việt có dấu hiệu thoái trào, đối diện rất nhiều khó khăn khi hàng loạt doanh nghiệp không tiếp tục đầu tư vào bóng đá, dẫn đến các CLB liên tục bị giải thể. Từ năm 2012 đến nay, thị trường chuyển nhượng Việt Nam không còn các thương vụ đình đám, với mức lót tay, lương thưởng cao chót vót như trước nữa. Sau sự kiện ông bầu Nguyễn Đức Kiên của CLB Hà Nội gây bão trong cuộc họp tổng kết bóng đá Việt Nam năm 2011, giá trị của cầu thủ Việt dần dần được đưa về với thực tế, không còn những con số “ảo” như các năm 2008-2010. Bầu Kiên đã có nhiều phát biểu về giá trị thực mà giới cầu thủ Việt chỉ đáng được nhận so với con số hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng. Hiện nay, lương trung bình, không kể thưởng, của một cầu thủ nội hàng đầu ở V-League như Công Vinh, Trọng Hoàng, Anh Đức, Tiến Thành... chỉ 30-40 triệu/tháng. Thậm chí, những ngôi sao của tuyển Việt Nam hiện tại như Thành Lương, Văn Quyết, Văn Toàn, Hoàng Thịnh, Vũ Minh Tuấn, Quế Ngọc Hải... chỉ có mức thu nhập trung bình 20-30 triệu/tháng. Sau 15 năm, mức thu nhập của cầu thủ Việt rõ ràng đã tăng đáng kể. Đó cũng là quy luật chung của thị trường khi giá vàng, hay gần gũi hơn là giá một bát phở, cũng tăng so với thời điểm bóng đá chuyên nghiệp ở giai đoạn “sơ khai”. |