Than Quảng Ninh “lên đỉnh”
Khi Than Quảng Ninh ghìm cương được nhà vô địch B. Bình Dương đang bứt đi mạnh mẽ thì ai cũng nói đấy là hiện tượng.
Đã có kinh nghiệm dự V-League, nhưng Than Quảng Ninh vẫn bị xếp vào những hàng ngũ tân binh ít kinh nghiệm. Nếu mùa trước còn thấy đội bóng này “nhập nhằng” chuyện lương thưởng chậm trễ khiến cả đội “nhao nhao” đòi lương lãnh đạo lẫn đòi đi thì mùa này họ lại vào “phom” từ khi bóng lăn.
Quảng Ninh là vùng đất nhiều nhân tài bóng đá và cũng là nơi giàu truyền thống từ cái thời nổi lên như Tòng, Uy rồi Hùng A, Hùng B và tiếp theo là lứa của những Đinh Cao Nghĩa, Bùi Hữu Thắng, Hữu Lợi…
Bẵng đi một thời gian dài, bóng đá vùng mỏ chỉ còn được nhắc đến với đội nữ Than KS Việt Nam nổi đình nổi đám, thì đội Than Quảng Ninh ra đời một cách khó khăn. Họ chật vật tìm suất lên hạng, rồi khó khăn để trụ hạng và khó cả trong việc làm sao để đội bóng giàu truyền thống này tồn tại.
Có những lúc Than Quảng Ninh đứng trước bờ vực của sự tan rã
Bây giờ đấy lại là đội bóng đang có tiềm lực bởi họ không sống theo kiểu dựa hết vào ngân sách của tỉnh nữa, mà là sự đùm bọc của các doanh nhân thành đạt mê bóng đá góp phần vào việc nuôi và gìn giữ đội bóng. Những cái tên thành danh của Quảng Ninh từng có ý định ra đi giờ không còn nuôi tư tưởng đấy nữa. Ngược lại họ còn kéo được những cầu thủ có hạng về đầu quân dưới màu áo Than Quảng Ninh góp thêm sức mạnh cho đội bóng tỉnh nhà.
Thêm sức mạnh tinh thần, thêm kinh phí và thêm hậu phương vững chắc nhưng Than Quảng Ninh vẫn vào giải với tư tưởng của đội bóng “cửa dưới” khi biết người, biết ta qua từng trận đấu. Rõ nhất là đến Bình Dương làm khách trước đối thủ được đánh giá là “kẻ hủy diệt” mà chỉ những ngôi sao ngồi ghế dự bị đã là nỗi “thèm khát” của nhiều đội bóng, trong đó có Than Quảng Ninh. Đó là chưa kể về tay nghề ở khu kỹ thuật thì HLV Đinh Cao Nghĩa lúc nào cũng chịu “lép vế” trước “đàn anh” Lê Thụy Hải - HLV lão làng và nhiều chiêu trò trong từng giải pháp ứng xử trên sân.
Những ngày qua truyền thông đề cập nhiều đến “hiện tượng” Than Quảng Ninh, nhưng cũng “quên” đi một phần việc tự mãn và xem thường đối thủ của B. Bình Dương. Đội bóng đang ở trên đỉnh lại không sợ “gió” và cũng được xem là không có đối thủ.
Theo cá nhân tôi, đối thủ lớn nhất của B. Bình Dương không phải là Than Quảng Ninh hay Hải Phòng – đội vừa chiếm ngôi đầu, mà chính là B. Bình Dương. Và cái thua của B. Bình Dương hôm đó là tin vào chính mình quá mà không có những phản ứng kịp thời trước một Than Quảng Ninh biết chắt chiu cơ hội hơn và thận trọng với từng khu vực khi thực hiện kỹ đấu pháp đã đề ra để ngăn chặn B. Bình Dương lấy trọn 3 điểm. Và họ đã tính 1 (điểm), nhưng có 3 nhờ vào sự chểnh mảng của đối thủ lẫn sự xuất thần của chính cầu thủ Than Quảng Ninh
Nhưng khi họ trở lại thuyết phục: Niềm tin đất Mỏ trỗi dậy
Vòng đấu tới Than Quảng Ninh sẽ có một thước đo chính xác hơn và cân sức hơn với hiện tượng HA Gia Lai. Một hiện tượng trẻ với sức hút lớn nơi người hâm mộ và cả truyền thông xen lẫn với lối chơi đẹp.
Thực chất HA Gia Lai sau ba trận thua liền đã biết đến bóng đá thực dụng, biết cả dùng miếng và dùng chiêu để kiếm bàn thắng, rồi bảo vệ bàn thắng khi cần. Nói gần hơn là các cầu thủ trẻ khi ra đấu trường V-League đã rũ bỏ dần nét hào hoa lẫn hồn nhiên để sống với đời thực của bóng đá thực dụng.
HA Gia Lai trong trận thắng SHB Đà Nẵng đã có cả sự khôn ngoan, láu lỉnh lẫn yếu tố may mắn. Trong khi đó Than Quảng Ninh lại có sức mạnh tinh thần của một đội bóng chấp nhận đi từ dưới lên với nỗ lực chung của cả một tập thể.
Dư luận vừa qua cũng đã đưa Than Quảng Ninh “lên đỉnh” sau một chiến thắng thuyết phục trước ứng viên vô địch. Vấn đề là chính Than Quảng Ninh nhìn nhận về chiến thắng của mình như thế nào để họ nhập cuộc với HA Gia Lai trong một trận quan trọng để “biết đá biết vàng”. Tương tự là HA Gia Lai sau chiến thắng mong manh trước SHB Đà Nẵng có tiếp tục lên mây với những lời tán tụng?
Biết mình, biết ta để đá và để chọn cách ứng xử sẽ tốt hơn là sống với hào quang khi 1-2 trận thắng là được ấn cho danh hiệu này nọ, hoặc là hiện tượng.