Than Quảng Ninh – Khi “sống bằng niềm tin” cũng là bi kịch
Than Quảng Ninh không thể giữ được ngôi đầu bảng sau khi vòng 8 V.League kết thúc, tuy nhiên những gì mà đội bóng này thể hiện suốt thời gian qua dù gặp khó khăn về mặt tài chính vẫn khiến người hâm mộ phải ngả mũ thán phục. Nhưng quãng thời gian “sống và chiến đấu bằng niềm tin” ấy cũng phải có giới hạn. Giọt nước đã tràn ly!
Không thể duy ý chí
Ngày 9/4, chỉ 1 ngày sau khi vòng 8 V.League khép lại, hàng loạt trụ cột của Than Quảng Ninh như Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú... đã gửi tâm thư cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh yêu cầu phải giải quyết chuyện lương thưởng cho các cầu thủ trong thời gian sớm nhất, nếu không họ sẽ từ chối ra sân ở trận đấu với Hà Nội FC tại vòng 9 V.League.
Trước khi vòng 7 V.League diễn ra, các trụ cột của Than Quảng Ninh đã “đình công” trong buổi tập vì tình trạng nợ lương thưởng đã kéo dài suốt 8 tháng. Các cầu thủ phải vay mượn nhiều nơi để đảm bảo sinh hoạt phí. Hành động quyết liệt đó giúp họ nhận được lời hứa “tuần sau sẽ có tiền”, nhưng đến tận thời điểm này, cầu thủ chờ mòn mỏi vẫn chưa thấy điện thoại “ting ting” báo lương, thưởng vào tài khoản.
Trong bối cảnh đó, điều đáng khen ngợi là sự chuyên nghiệp của Hải Huy, Hồng Quân, Xuân Tú và các đồng đội. Họ vẫn ra sân thi đấu với tinh thần cao nhất và giành 6 điểm tuyệt đối ở vòng 7 và vòng 8 trước các đối thủ Bình Dương và Sài Gòn FC. Than Quảng Ninh thậm chí đã vươn lên ngôi đầu bảng sau khi trận đấu của họ ở vòng 8 kết thúc, tuy nhiên việc Hoàng Anh Gia Lai cũng đánh bại Đà Nẵng tại Hòa Xuân 1 ngày sau đó đã khiến đội bóng đất Mỏ không thể trụ lại ngôi đầu bảng.
Đội bóng đất Mỏ đang chơi rất tốt tại V.League.
Nhiều người nói vui rằng thật may vì Hoàng Anh Gia Lai giữ ngôi đầu bảng, bởi nếu Than Quảng Ninh có vị trí đó, sẽ thật trớ trêu nếu như đội bóng đang đứng vị trí số 1 BXH lại không ra sân ở vòng đấu sau đó vì các cầu thủ bị nợ lương!
Khi bức tâm thư được công bố, không ai trách được các cầu thủ Quảng Ninh, bởi sức chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó. Họ không chỉ là các cầu thủ mà còn là người con, người chồng, người cha. Ngoài sân bóng, họ còn là những người đàn ông đóng vai trò trụ cột, phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền” cho gia đình. Khi cái đầu lấn cấn chuyện kinh tế, thật khó để họ có thể tiếp tục thi đấu với tất cả tinh thần. Chẳng ai “sống bằng niềm tin” mãi được. Cực chẳng đã, các cầu thủ Than Quảng Ninh mới phải làm như vậy, vì thế tất cả các CĐV đều dành sự thông cảm cho họ ngay cả khi bỏ thi đấu là một hành động được cho là thiếu chuyên nghiệp.
Đâu là lối ra?
Sau trận đấu với Sài Gòn FC, HLV Hoàng Thọ cho biết: “Chiến thắng hôm nay là kết quả của sự đoàn kết. Các em đã cởi bỏ áp lực từ những khó khăn bên ngoài trước mỗi trận đấu. Sau trận các em mới quan tâm đến chuyện lương, thưởng. Chuyện đó chúng tôi vẫn đang chờ lãnh đạo tỉnh”.
Các cầu thủ đã được thưởng nóng 200 triệu đồng sau trận. Nhưng chừng đó chẳng thấm tháp gì so với khoản nợ lương thưởng suốt thời gian qua. Trong tâm thư của các cầu thủ có đoạn: “Thời điểm hiện tại, CLB Than Quảng Ninh nợ chúng tôi các khoản tiền: Tiền lương từ tháng 9/2020 đến 4/2021; Tiền thưởng các trận thắng từ cuối năm 2019 đến nay và khoản phí chuyển nhượng".
Các CĐV cũng rất đồng cảm với các cầu thủ. Thế mới có chuyện hai CĐV trung thành của đội bóng đất Mỏ là ông Lê Văn Chương và bà Nguyễn Thị Lan đã chờ sau trận với Sài Gòn FC để gặp HLV Hoàng Thọ cùng các trợ lý, với mong muốn gửi tặng cho đội bóng số tiền bằng một tháng lương hưu của hai người. Đó là một hành động rất ý nghĩa, nhưng rõ ràng sự động viên về tinh thần không phải là điều cần thiết nhất ở thời điểm này.
Ban lãnh đạo của Than Quảng Ninh, mà cụ thể là chủ tịch Phạm Thanh Hùng, cần phải hiểu rằng sức chịu đựng của các cầu thủ đã đến giới hạn. Họ đã duy trì tinh thần chuyên nghiệp đến thời điểm này là quá đủ và cần một động thái cụ thể chứ không phải những lời hứa hẹn suông như trước.
Trong cuộc họp sau mùa 2020, ông Phạm Thanh Hùng khẳng định CLB Than Quảng Ninh là của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh và không thể nào để đội bóng tan rã được. Nhưng sự thật, đội bóng ấy đang có nguy cơ “biến mất” khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam chỉ sau có 8 vòng mùa 2021.
Ông Phạm Thanh Hùng từng tuyên bố sẵn sàng vay nóng ngân hàng để giúp đội bóng vượt qua tình trạng khó khăn. Đây chính là thời điểm mà ông biến những lời cam kết thành sự thật, bởi trong vai trò đầu tàu, không ai ngoài ông Hùng có thể đưa ra những quyết định mang tính then chốt trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”.
Ngân quỹ hoạt động mỗi năm của Than Quảng Ninh rơi vào khoảng 70 tỷ đến 80 tỷ đồng. Trong đó, 30 tỷ đến từ nhà tài trợ Than khoáng sản Việt Nam, số còn lại do doanh nghiệp của ông bầu Phạm Thanh Hùng chi rả. Mùa 2020, nhà tài trợ rút lui nên ông Hùng phải gánh hết tài chính, đẩy đội bóng vào tình trạng khó khăn. Chủ tịch Phạm Thanh Hùng từng có ý trả đội bóng cho tỉnh nếu không nhận được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa & Thể thao, UBND tỉnh Quảng Ninh.
Nếu như Quảng Ninh vẫn muốn giữ một đội bóng có truyền thống, là niềm tự hào của cả tỉnh, thì đây chính là lúc mọi quyết định phải được đưa ra nhanh chóng.
Đội bóng đang xếp ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng V-League 2021 đang nợ các cầu thủ số tiền lên đến gần 90 tỷ...
Nguồn: [Link nguồn]