Trận đấu nổi bật

Xem thêm

Wolverhampton Wanderers vs Nottingham Forest
Logo Wolverhampton Wanderers - WOL Wolverhampton Wanderers
-
Logo Nottingham Forest - NFO Nottingham Forest
-

Than Quảng Ninh đi lại vết xe đổ: Tiếng than trong nước mắt

Đây không phải lần đầu tiên Than Quảng Ninh gặp vấn đề về tài chính, lạnh nhạt với cầu thủ đội nhà bất chấp thành tích tốt. Câu chuyện cách đây 7 năm ở đội bóng đất mỏ vẫn còn nguyên tính thời sự và có lẽ Than Quảng Ninh sẽ cần một cơ chế khác để tránh phải nghe tiếng than trong nước mắt.

  

Lịch sử lặp lại

Vào ngày cuối cùng của tháng 3 vừa qua, thời tiết miền Bắc dở dở ương ương. Giữa tiết trời khó chịu đó, phải cần đến đam mê hoặc sự quyết tâm rất lớn để một người ra ngoài tập luyện thể thao. Các cầu thủ Than Quảng Ninh không phải ngoại lệ và họ quyết định lên khán đài ngồi chơi thay vì tập luyện theo kế hoạch.

Họ không chỉ phải chịu đựng thời tiết, họ còn phải chịu đựng “cái bụng đói” suốt 8 tháng. Đó là khoảng thời gian mà Mạc Hồng Quân cùng các đồng đội đá bóng vì đam mê đúng nghĩa và cũng vì lời hứa của ban lãnh đạo về những khoản lương thưởng vẫn bặt vô âm tín đến thời điểm này.

Ông bầu Phạm Thanh Hùng không còn mặn mà với Than Quảng Ninh.

Ông bầu Phạm Thanh Hùng không còn mặn mà với Than Quảng Ninh.

“Cầu thủ Than Quảng Ninh đình công” không còn là cụm từ xa lạ. Có thể trong giai đoạn bóng đá Việt Nam đang thăng hoa, V-League bắt đầu thu hút người hâm mộ trở lại, những khán giả trẻ tuổi sẽ bị sốc vì thông tin này. Nhưng, nếu bạn tìm kiếm trên Google cụm từ nói trên, sẽ có gần 39 triệu kết quả trả về trong vòng chưa đầy 1 giây - một con số khó tin.

Và thông tin về việc đình công ở CLB Than Quảng Ninh không chỉ gói gọn trong ngày 31-3-2021. Chuyện tương tự đã từng diễn ra cách đây 7 năm. Đó không phải thông tin giả mạo tràn lan trên mạng xã hội ngày nay. Nó là sự thật. Và sau 7 năm, Than Quảng Ninh đang đi vào vết xe đổ của chính họ.

Cuối tháng 4-2014, ngay trước trận đấu đầu tiên của giai đoạn lượt về V-League 2014, các cầu thủ Than Quảng Ninh quyết định đình công, không tập luyện để phản đối cơ quan chủ quản. Đáng chú ý, đó là mùa giải đầu tiên trong lịch sử Than Quảng Ninh được góp mặt ở giải đấu cao nhất Việt Nam. Đội bóng dưới sự dẫn dắt của HLV Đinh Cao Nghĩa đã tạo ra lịch sử cho Than Quảng Ninh và tiếp tục thi đấu ấn tượng sau khi thăng hạng.

Tính hết lượt đi mùa giải 2014, Than Quảng Ninh giành được 14 điểm sau 11 trận, xếp thứ 7/12 đội tham dự. Có thời điểm, họ thậm chí leo lên nhì bảng. Đó là thành tích quá đỗi ấn tượng với một đội bóng bao gồm phần lớn cầu thủ trẻ lần đầu lên V-League.

Nguyễn Hải Huy (đội trưởng) đã trải qua tất cả các cuộc bể dâu ở sân Cẩm Phả.

Nguyễn Hải Huy (đội trưởng) đã trải qua tất cả các cuộc bể dâu ở sân Cẩm Phả.

Thế nhưng, trái ngược với các CLB khác, ban lãnh đạo Than Quảng Ninh không mặn mà với thành tích của đội nhà. Ít ai ngờ, các cầu thủ đội bóng đất mỏ được thưởng... 15kg gạo nhân dịp tết Nguyên đán 2014. Tệ hơn, họ đã liên tục thi đấu mà không nhận được đồng tiền thưởng nào, trong khi mức lương thuộc diện thấp nhất Việt Nam. Ở thời điểm đó, các cầu thủ của Than Quảng Ninh thậm chí bị ép cắt hợp đồng tứ 2 năm xuống 1 năm, phí lót tay cũng bị “quỵt” nhưng không biết kêu ai.

HLV Đinh Cao Nghĩa không dưới một lần lên báo kêu khổ. Sau khi các học trò đình công, ông cũng chỉ biết tặc lưỡi, bởi khi đó đội bóng bị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và nhà tài trợ đùn đẩy cho nhau. Ngân sách trên giấy tờ của CLB lên đến 51 tỷ đồng, tiền thưởng các trận thắng là 300 triệu đồng, hòa là 150 triệu đồng nhưng tất cả chỉ là “tiền hơi”. Tệ hơn, Than Quảng Ninh không chỉ cắt thưởng, mà còn trừ lương các cầu thủ với các lý do trời ơi đất hỡi.

Bi kịch với Than Quảng Ninh nằm ở chỗ họ nhận được sự mến mộ đặc biệt từ khán giả nhà. Trong giai đoạn V-League tranh tối tranh sáng, người hâm mộ mất niềm tin vào bóng đá thì sân Cẩm Phả vẫn chật kín người mỗi khi Than Quảng Ninh ra sân. Nhiều người thậm chí sẵn sàng trả gấp nhiều lần để mua vé chợ đen, cho thấy sức hút của đội bóng này.

Nói không quá lời, Than Quảng Ninh khi đó là hiện tượng lớn không khác gì Hoàng Anh Gia Lai những năm gần đây. Tuy nhiên, hàng vạn cổ động viên đó cũng không đủ tạo ra ảnh hưởng khiến các lãnh đạo CLB suy nghĩ khác đi.

Tiếng than trong nước mắt

Sau 7 năm, chuyện cũ lặp lại và sân Cẩm Phả có những chứng nhân lịch sử. Có thể kể đến như Nguyễn Hải Huy, Nguyễn Tiến Duy, Dương Văn Khoa - những người vẫn gắn bó với Than Quảng Ninh cho đến thời điểm này. Cách đây ít ngày, chính Nguyễn Hải Huy là một trong những cầu thủ đầu tiên đăng đàn viết “tâm thư” kêu cứu gửi đến lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo CLB và cả nhà tài trợ (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) để trình bày sự việc, đồng thời tuyên bố dừng thi đấu ngay lập tức nếu không nhận được tiền.

Hải Huy cũng được xem là một trong những trụ cột của Than Quảng Ninh chủ trương bỏ tập, đình công vào ngày 31-3 vừa qua để gây sức ép. Đó vốn là chuyện chẳng đặng đừng với Hải Huy, người đã gắn bó với Than Quảng Ninh suốt 18 năm qua, từ năm 11 tuổi đến nay. Hơn ai hết, Hải Huy hiểu rõ ân tình của đội bóng, của bầu Hùng cũng như ban lãnh đạo CLB. Nhưng, chuyện gì cũng có giới hạn.

Số phận của Than Quảng Ninh vẫn là dấu hỏi lớn.

Số phận của Than Quảng Ninh vẫn là dấu hỏi lớn.

Câu chuyện hiện tại không còn dừng ở mức cắt lương, thưởng, mà tệ hơn, nợ lương, thưởng cả năm trời. Theo chia sẻ của các cầu thủ Than Quảng Ninh, CLB đã nợ họ tiền lương từ tháng 9-2020 đến nay, nợ thưởng từ cuối năm 2019 cũng như nợ tiền lót tay đã thỏa thuận từ trước. Tổng số nợ lên đến hơn 90 tỷ đồng - một con số khổng lồ.

Các ngôi sao như Hải Huy, Hồng Quân... và các cựu binh khác ít nhiều vẫn có tiếng nói, vẫn có tích lũy từ trước để không lâm vào cảnh khốn khổ. Trong trường hợp xấu nhất, họ cũng được nhiều CLB khác ở V-League trải thảm đỏ mời về. Tuy nhiên, đa số các cầu thủ của đội bóng đất mỏ không may mắn như vậy. Họ chỉ biết than trong nước mắt.

Cho dù lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và một số “Mạnh Thường Quân” đã kịp thưởng nóng cho các cầu thủ tiếp tục thi đấu nhưng các biện pháp mang tính tạm thời đó chắc chắn không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Hiện tại, Than Quảng Ninh sẽ phải chờ một “phép màu” để tìm được nhà tài trợ sẵn sàng giải ngân con số nói trên, trả hết nợ cho các cầu thủ yên tâm thi đấu. Tỉnh Quảng Ninh không thể giúp họ, bởi lẽ ngân sách nhà nước không được dùng trả lương và các khoản phí khác cho các cầu thủ. Mọi chuyện với Than Quảng Ninh càng tù mù hơn khi họ thua đậm Hà Nội trong ngày các cầu thủ nhận được tiền “trợ cấp”. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra sau thất bại chóng vánh của đội bóng này tại sân Hàng Đẫy.

Trước vòng 9 V-League 2021, Than Quảng Ninh đang đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng với 18 điểm, chỉ kém Hoàng Anh Gia Lai 1 điểm. Họ sở hữu hàng thủ chắc chắn nhất giải nhưng để cho Hà Nội - vốn sứt mẻ lực lượng nghiêm trọng - ghi liền 4 bàn chỉ trong vòng 45 phút cuối cùng. Hình ảnh Chủ tịch Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng cười tươi hết cỡ khi chứng kiến đội nhà thua thảm ở Hàng Đẫy cũng khiến người ta phải ngỡ ngàng. Liệu lãnh đạo Than Quảng Ninh mâu thuẫn với cầu thủ và hả hê khi họ thể hiện hình ảnh thảm hại trên sân, hay đơn giản đó chỉ là khoảnh khắc ông nghe được một câu chuyện vui?

Chỉ có một điều ngày càng rõ ràng: số phận Than Quảng Ninh không rõ sẽ đi về đâu. Sau trận thua Hà Nội, Chủ tịch Phạm Thanh Hùng cho biết tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương giúp CLB mời thêm một số nhà tài trợ chia sẻ khoản nợ hiện tại, hướng đến việc tiếp tục xây dựng đội bóng. Chỉ là, bầu Hùng cũng thừa nhận khả năng Than Quảng Ninh tan đàn xẻ nghé nếu không có nhà tài trợ nào sẵn sàng đồng hành cùng ông. Khi đó, nỗi lo Than Quảng Ninh xuống hạng hoặc tệ hơn là giải thể đều có thể xảy ra.

Mỏi mắt tìm nhà tài trợ, lệ thuộc vào ông bầu

Cuối mùa giải 2014, sau sự cố các cầu thủ đòi bỏ giải, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) quyết định bàn giao CLB cho Công ty Cp Khai thác khoáng sản Hà Giang của bầu Hùng.

Cái tên Than Quảng Ninh được giữ nguyên với điều kiện Vinacomin vẫn tài trợ đội 35 tỷ đồng mỗi năm (sau này giảm xuống còn 30 tỷ). Trong những năm đầu tiên, bầu Hùng rót tiền giúp Than Quảng Ninh gặt hái thành công, bao gồm việc liên tiếp nằm trong top 4 đội mạnh nhất V-League và vô địch Cúp Quốc gia 2016.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Vinacomin xin dừng tài trợ vì tình hình tài chính khó khăn nên không thể đầu tư cho bóng đá. Ngoài Vinacomin, các nhà tài trợ nhỏ lẻ khác cũng đến và đi như cơn gió vì không nhìn thấy lợi ích.

Trong thực tế, đây không phải chuyện riêng của Than Quảng Ninh. Ở V-League cũng như giải Hạng nhất, nhiều CLB phải chật vật tìm kế sinh tồn. Ngay ở mùa giải năm ngoái, CLB Thanh Hóa từng xin... bỏ giải giữa chừng vì thiếu kinh phí.

Cho dù bóng đá Việt Nam đã lên chuyên hơn 20 năm nhưng hầu hết các CLB không thể tự nuôi sống bản thân. Để sống khỏe, họ cần một ông bầu chống lưng. Nhưng, mô hình này cũng giống như con dao hai lưỡi. Khi các ông bầu gặp khó khăn hoặc chán bóng đá, các CLB lập tức rơi vào cảnh dở khóc dở cười.

Điển hình nhất trong quá khứ là trường hợp của Sài Gòn Xuân Thành và CLB Vissai Ninh Bình. Năm 2012, bầu Thụy mua lại Navibank Sài Gòn từ tay bầu Thọ với giá 21 tỷ đồng nhưng giải thể CLB chỉ sau 1 năm.

Vissai Ninh Bình thậm chí từng làm mưa làm gió vài năm ở V-League với hàng loạt hợp đồng “bom tấn” nhưng rồi họ cũng chịu chung số phận với Sài Gòn Xuân Thành khi bầu Trường bỏ bóng đá.

V-League 2021
Theo bạn đội bóng nào sẽ vô địch ở V-League 2021?

Tin mới nhất vụ cầu thủ Quảng Ninh bị nợ lương 8 tháng: Chờ giải quyết hết ở tuần này

Do hôm 12/4 rơi đúng vào ngày mùng 1 âm lịch, nên cầu thủ Than Quảng Ninh chưa được nhận tiền lương như đã hứa của lãnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
CLB Quảng Ninh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN