“Tham gia bóng đá để tìm tiền là hỏng!”
Trò chuyện với chúng tôi, một thành viên sáng lập ra một giải trẻ có tuổi đời rất lâu khẳng định: “Làm lãnh đạo bóng đá mà mục tiêu hàng đầu của anh là để kiếm tiền cho mình thì hỏng".
"Hỏng ở đây là hỏng cả một nền bóng đá vì anh sẽ chẳng nghĩ ra được cái gì lâu dài cho bóng đá cả, mà cốt làm sao kiếm được tiền thật nhiều…”.
Thực tế thì cách suy nghĩ này đối với dân làm bóng đá thì ai cũng biết nhưng thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Và quan trọng là các nước đều vậy hết, những người đứng đầu nền bóng đá đều là những con người giàu có.
Không cần nói đâu xa, Myanmar đây thôi, vị chủ tịch của họ là ông U Zaw Zaw là một tỉ phú, ông Worawi của Thái Lan là tỉ phú, ông Hussein Arafin của Indonesia cũng là tỉ phú…Có tiền nhiều họ chỉ còn mỗi cái công việc chăm chút vào bằng con tim và khối óc chứ không còn lo lươn lẹo để kiếm tiền tư túi…
U19 Việt Nam là thành quả của lối bóng đá thuần khiết
Nhìn lại thì bóng đá Việt Nam được bao nhiêu con người bỏ tiền cho bóng đá? Bóng đá Việt Nam 14 mùa bóng đá đang bước qua một thời kỳ đen tối. Chẳng có một chính sách nào nhất quán, các CLB có được truyền thống đào tạo trẻ tốt là tự mày mò, tự đi lên.
Còn lại rất nhiều doanh nghiệp nhảy vào bóng đá, để… làm ăn, để kiếm huê hồng, để được lại quả… Rồi khi không đoạt được mục tiêu thì họ buông, họ phá mà chẳng có một sự trăn trở nào.
Nhiều CLB có bầu sữa lớn từ ngân sách địa phương thì cũng tìm mọi cách không đào tạo trẻ mà đi mua quân về để tìm được nhiều cơ hội phết phẩy. Họ cố tình làm ngơ đào tạo trẻ để có nhiều cơ hội mua cầu thủ thật nhiều và tất nhiên tiền lót tay cho các hợp đồng đấy cũng nhiều…
… Đến khi sự thành công của U-19 của một học viện và sự đóng góp cầu thủ của một số lò đào tạo khác có được những tiếng vang ban đầu thì những người điều hành bóng đá thay vì phát động lẫn tạo điều kiện để các CLB học hỏi đóng góp nhiều hơn trên diện rộng thì đằng này lại “gói” đội U-19 đấy lại mà phủ nhận hết những nỗ lực của các đội Olympic, đội tuyển rồi còn ví von nhà có ba đứa con mà đứa út đậu ĐH Harvard thì phải đầu tư nhiều cho con út…
Cách nghĩ và hành động này rõ ràng không phải là những con người của chiến lược phát triển bóng đá lâu dài.
Khi học viện của bầu Đức thành công bước đầu về kích thích tình yêu người hâm mộ khi tạo ra một lứa cầu thủ chơi nhiệt huyết, thay vì vỗ tay theo, có những động thái ăn theo thì hãy tìm đến những CLB còn loay hoay với đào tạo trẻ, hoặc tìm hướng đi cho họ thì đó mới là những con người của chiến lược.
Nên kích thích các CLB xem HA Gia Lai như lá cờ đầu hơn là vỗ tay ăn theo rồi đưa ra hàng loạt kế hoạch tương lai này nọ từ lứa cầu thủ của một ông bầu.
Mừng với lứa U-19 nhưng lo cho một nền bóng đá là ở chỗ đó.