Tề gia…
Cách đây hơn 10 năm, bầu Đức và bầu Thắng là những người tiên phong trong phong trào gắn kết doanh nghiệp với bóng đá để cho ra đời những CLB theo mô hình chuyên nghiệp như HAGL hay ĐTLA.
4 năm trước, bầu Đức và bầu Thắng lại cùng với một số ông bầu có cùng chí hướng khác chung sức lập nên VPF, doanh nghiệp cổ phần chịu trách nhiệm quản lý các giải đấu của bóng đá Việt Nam, tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Nói một cách khác, bầu Đức và bầu Thắng được coi là 2 trong số những ông bầu điển hình của bóng đá Việt Nam, và cách làm bóng đá của họ được cho là có hơi hướng của bóng đá chuyên nghiệp thực thụ, có rất nhiều sự khác biệt so với bóng đá thời kỳ bao cấp.
Nhưng trên thực tế thì cả bầu Đức lẫn bầu Thắng đều không tránh khỏi việc phải giẫm vào cái gọi là “vết xe đổ” của bóng đá Việt Nam. Chẳng hạn mới đây bầu Đức đã cách chức HLV trưởng HAGL của ông Graechen Guillaume vì thành tích bết bát của đội bóng, cho dù tất cả đều biết rằng một mình ông Graechen thì không thể tạo nên thảm cảnh như vậy mà có phần đóng góp rất lớn của chính… bầu Đức.
Bầu Đức và bầu Thắng
Hay như CLB ĐTLA của bầu Thắng sau khi cầu thủ bị nợ tiền thưởng thì thua liên miên, và đỉnh cao là thất bại 3-7 trước SHB Đà Nẵng ở vòng 21 V-League 2015, buộc lãnh đạo CLB này phải gấp rút thanh toán trước 2-3 tháng tiền thưởng còn nợ cầu thủ để họ thi đấu nghiêm túc trở lại trong chặng đường còn lại của mùa giải.
Đây là những chuyện thường ngày ở V-League song với những ông bầu như bầu Đức hay bầu Thắng, không mấy người nghĩ rằng họ sẽ để điều đó xảy ra ở CLB của mình, nhưng cuối cùng thực tế mới là câu trả lời chính xác nhất, khi bầu Đức hay bầu Thắng cũng vẫn phải tuân theo quy luật của V-League.
Chỉ quản lý đội bóng của mình mà các ông bầu này còn vất vả thế, chẳng trách vì sao VPF dưới sự điều hành của họ suốt 4 năm qua vẫn chẳng có bao nhiêu khởi sắc so với thời kỳ VFF còn quản lý các giải bóng đá chuyên nghiệp. Phải chăng khi chưa “tề gia” thì không thể nói tới chuyện “trị quốc bình thiên hạ”?