Tây Ban Nha: Bị hạ knock-out sớm có khi lại tốt
Bị loại sớm có khi lại tốt cho TBN, để họ biết mình đang ở "trong nồi nước sôi" và cần phải nhảy ra ngoài ngay tức khắc.
Cái giá của việc lười thay đổi
Cái cách mà ĐT Tây Ban Nha thất bại và rời World Cup 2014 quả thực quá sốc. Họ được đánh giá cao nhờ vị thế nhà ĐKVĐ, lại đón chào Diego Costa. Họ vượt lên dẫn trước ở trận ra quân, nhưng khi hai trận đấu kết thúc thì tỷ số lại nói rằng Hà Lan và Chile vừa tiêu diệt họ, thậm chí Chile làm còn tốt hơn Hà Lan dù tỷ số không đậm bằng.
Lỗi ở đâu? Lỗi của ai? Lỗi như thế nào? Người TBN sẽ giải đáp những câu hỏi ấy, nhưng ngay bây giờ nhiều người đã nhìn thấy rõ những sai lầm của họ. Và nguyên nhân chủ yếu là do TBN không chịu thay đổi.
TBN cần phải cải tổ sau thất bại này
TBN trước đây đã thi đấu dưới trình độ của mình trong một thời gian cho tới khi họ bắt đầu đi theo tiki-taka, lối chơi mà Barcelona đã vạch ra. Lối chơi ấy đã mang lại thành công trong 3 giải đấu liên tiếp, nhưng giá trị mới mẻ của nó càng lúc càng giảm đi.
Người TBN đã quên (hay cố tình lờ đi) rằng đối thủ cũng đang tìm công thức chiến thắng như họ, cũng có động lực đi tới thành công. Các đối thủ sẵn sàng thay đổi, hòa nhập để tìm tới thắng lợi, mà một trong những việc đầu tiên là vô hiệu hóa nhà vô địch TBN, vô hiệu hóa tiki-taka.
TBN đã hứng chịu hội chứng “Ếch trong nước sôi” (“Boiling frog syndrome”). Khi con ếch bị đặt vào nồi nước sôi, nó sẽ lập tức nhảy ra ngoài. Nhưng nếu đặt ếch trong nước lạnh và để nước nóng lên từ từ, con ếch sẽ không nhận ra mối nguy hiểm cho tới lúc bị luộc chín. Câu chuyện này luôn được dùng như một hàm ý về sự phản ứng không tốt của một vật thể với một sự thay đổi diễn ra chậm của môi trường.
Còn đau hơn Pháp 2002
Điều đáng nói là trong 2 năm sau EURO 2012, người ta đã thấy Barcelona suy yếu, bị Bayern Munich vùi dập ở Champions League và vừa rồi trắng tay, trong khi Bayern Munich sau đó đi theo tiki-taka và cũng tiếp bước khi bị Real Madrid "chôn vùi" ở Cúp châu Âu. Những biểu hiện ấy đã cho thấy tiki-taka đã đến giai đoạn tàn phai, chứng tỏ sự thay đổi môi trường ấy là rất rõ ràng và có thể ứng phó được.
Vậy thì sao Vicente Del Bosque không thay đổi? Đặt tiền đạo mới Diego Costa vào vị trí trung phong, nhưng ông lại không chỉ đạo cho các tiền vệ chơi bóng theo cách phù hợp với Costa là một trong những sự cẩu thả của ông ở World Cup lần này. Trước Chile, Costa chỉ chạm bóng có 21 lần và không sút trúng đích lần nào.
Del Bosque lười thay đổi
Nếu như Pháp ở World Cup 2002 không may mắn khi dứt điểm (liên tục bị khung gỗ từ chối), thì với TBN, không có lý do nào phù hợp để bào chữa cả vì cơ hội mà họ tạo ra hoàn toàn không rõ ràng. Dù chơi chiến thuật gì thì khi tấn công vẫn phải chọn cách tốt nhất để có cơ hội dứt điểm, còn ép sân nhiều mà không có cơ hội thì cũng vô ích. Điều này chúng ta đã được nghe đến nhàm tai trong 2 năm trở lại.
Nhưng không chỉ có vấn đề chiến thuật. Các cầu thủ TBN đã đoạt quá nhiều thứ trong quá khứ, và cả các cầu thủ Real lẫn Atletico Madrid đều vừa có một mùa giải thỏa mãn danh hiệu. Cơn đói biến con sói trở nên nguy hiểm, nhưng các tuyển thủ “La Roja” bây giờ không có khát vọng rõ rệt sau khi thừa mứa vinh quang.
"Vòng vây cô đơn"
Những nhân tố cũ vẫn được tin dùng chỉ vì họ đã từng thành công trong quá khứ, nhưng Xavi đã xuống dốc thật sự, Iniesta mất đi tốc độ, ngay cả Iker Casillas cũng mắc sai lầm ngớ ngẩn. Mà vì sao đến bây giờ Gerard Pique vẫn khoác áo đội tuyển? Pique là một trong những trung vệ bị đánh giá quá cao so với tài năng thực sự. Báo chí ở TBN đang thi nhau đổ lỗi, người đổ cho Barca, người đổ cho Real, nhưng kỳ thực lỗi chẳng thuộc về bên cụ thể nào.
Nếu TBN vào đến vòng knock-out, có thể họ sẽ còn "ngựa quen đường cũ" trong nhiều năm nữa. Bị loại sớm có khi lại tốt hơn, để còn biết là mình đang ở trong nồi nước sôi và cần phải nhảy ra ngoài ngay tức khắc.