Tản mạn: Sa lầy ở SEA Games
Bình luận viên Lý Quý Chánh từng “chiến đấu” rất năng nổ ở những kỳ SEA Games với tâm trạng hào hứng.
Bây giờ anh lại có một góc nhìn khác khi SEA Games đang đánh mất dần sức sống…
Bạn - những người thật sự thích xem bóng đá - có thể trả lời ngay được câu hỏi “Đội bóng nào vô địch nhiều nhất trong lịch sử Olympic” hay không? Gần như là không. Tôi cam đoan nếu tò mò một chút, bạn sẽ vào Google để tìm câu trả lời, như tôi cũng đang làm thế! Và nó có thể làm bạn bất ngờ: Hungary đứng đầu với ba lần nhận HCV, còn Brazil - năm lần vô địch World Cup - thì… chưa lần nào!
Ở cái tầm nhỏ hơn nhiều Olympic là SEA Games - là sân chơi của các cầu thủ Olympic được giới hạn từ 23 trở xuống.
Vậy mà cái chuyện ngược đời đó đang được ứng dụng cho bóng đá Việt Nam trong cả chục năm qua. Họ - tôi không muốn dùng chữ “chúng ta” ở đây - xem nhẹ đấu trường World Cup và châu lục để tập trung cho mặt trận SEA Games, nơi mà họ đánh hoài vẫn chưa thắng!
Đeo mãi một giấc mơ con ở SEA Games và đến giờ thì đeo cả các cầu thủ tuổi 21 của Singapore. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Cách đây hai năm, tôi đã tự hứa với lòng mình không xem nội dung bóng đá ở SEA Games nữa khi Văn Quyết ôm đầu (có vẻ thất vọng) và nhiều cầu thủ khác không ăn mừng bàn thắng ấn định chiến thắng 3-1 của Văn Thắng trong trận gặp Lào.
Vậy mà năm nay tôi cũng bị ghé mắt qua coi trận thắng Brunei 7-0 mà cầu thủ của mình ghi bàn cũng chẳng thèm ăn mừng. Lần này thì do đối phương quá tệ, do chất lượng bóng đá của khu vực quá kém. Tôi lại tự nhủ không xem nữa, trừ khi có thời gian ngồi trước tivi đúng vào cái giờ bóng lăn.
Chủ nhật rồi, tôi dẫn vợ con ra chợ Sài Gòn ăn… ốc, ngay cái giờ bóng lăn. Vậy mà ở đó cũng có cái tivi. Vài ba người khách cũng vừa đến, buột miệng nói với nhau: “Tính không coi mới ra đây đó chứ!”.
Thế là vừa khỉa ốc, húp hột vịt lộn, vừa bình luận bóng đá với mấy ly bia. Một anh mặc áo sơmi bỏ áo trong quần, nhìn như người Nhật, hỏi tôi mà như nói với chính bản thân mình: “Bình luận viên mà ngồi đây à!”, rồi tự nói tiếp: “Bây giờ cũng chán rồi hén anh”. Thế là hết người này đến người kia đưa ra những lý do vì sao nó chán thế, từ những hoài niệm xưa cho tới trình độ xuống dốc, từ tầm vóc bé tí của giải đến khát khao vĩ đại của LĐBĐ Việt Nam.
Tuy nhiên, thú vị nhất là khi mọi người so sánh chuyện bóng đá Việt Nam theo cái cách của riêng họ. Anh đeo mắt kiếng cho rằng bóng đá Việt Nam chẳng khác nào một tay được đầu tư mọi kiểu mà cuối cùng đã làm phiền lòng anh em, cha mẹ vì chỉ muốn đi tranh cái chức… tổ trưởng tổ dân phố!
Thật tình mà nói cái anh này (bóng đá Việt Nam) có lúc tưởng như đã thoát ra được cái mơ ước hạn hẹp của mình khi đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2007 rồi lọt vào đến tứ kết, sau đó là đoạt chức vô địch Đông Nam Á 2008. Phải nói đó là thời điểm lý tưởng nhất để vươn tới một mục tiêu đàng hoàng hơn là tấm HCV SEA Games.
Vậy mà họ đã không làm thế. Ngay từ trong tư tưởng cho đến lúc lên kế hoạch thì đội tuyển quốc gia đã không được xem là nơi phải được tập trung toàn lực thì làm sao cầu thủ toàn tâm, toàn ý? Thậm chí cầu thủ vào tuyển còn vin vào cái cớ đó để có tư tưởng làm chuyện này, chuyện nọ.
Theo bảng xếp hạng mới nhất của FIFA (11-2013), bóng đá Việt Nam tiếp tục rơi xuống hạng 158. Làm gì được đây khi những trận đấu chính thức để tính điểm trên bảng xếp hạng không được quan tâm? Vòng loại Asian Cup và World Cup không phải là những nơi duy nhất để kiếm điểm trên bảng xếp hạng mà còn ở những trận giao hữu chính thức theo lịch thi đấu FIFA. Tôi chưa tra lại nhưng nhớ loáng thoáng ít khi nào Việt Nam có tên trong loạt trận giao hữu quốc tế của FIFA trong khi các nước khác trong khu vực ít khi vắng bóng. Thiếu điểm, tụt hạng là lý do chúng ta không ngoi lên được khi phân nhóm bốc thăm vòng loại và kết quả tiếp tục là bi đát, các nhà làm bóng đá lại càng nản hơn và mục tiêu khả thi duy nhất để che giấu sự bất tài, bất tâm của “họ” là một danh hiệu vô địch ở SEA Games.
Đeo mãi một giấc mơ con thế mà cũng chẳng ra hồn…