Tản mạn chuyện SEA Games, chuyện ao làng
Hôm nay (4/12), đội U23 Việt Nam lên đường tham dự SEA Games nhưng không khí bây giờ không còn háo hức như ngày nào. Trước đó, đoàn thể thao Việt Nam làm lễ xuất quân với chỉ tiêu thứ ba Đông Nam Á, nhưng cũng không nhiều người nô nức chờ đón như cái thời mới hội nhập…
SEA Games là đại hội thể thao Đông Nam Á, cứ hai năm một lần tổ chức và cứ hay được gọi là sân chơi “ao làng”. Chỉ hai từ đấy đã nói lên được nhiều vấn đề và bây giờ nó vẫn còn nguyên giá trị.
Cá nhân tôi không thể quên được cái ngày lần đầu thể thao Việt Nam hội nhập với sân chơi SEA Games cùng sự rạo rực của một người hâm mộ mong tin từ nước bạn: SEA Games 15 – 1989. Tương tự là hình ảnh Trần Quang Hạ, Cao Ngọc Phương Trinh đăng quang ở đấu trường Đông Nam Á với những chiếc huy chương đầy nước mắt ở các kỳ SEA Games tiếp theo. Rồi đến chiếc HCB đầu tiên của bóng đá Việt Nam kể từ ngày hội nhập tại SEA Games 18 – 1995 ở Chiang Mai – Thái Lan…
Ngày mới mon men vào nghề báo khi đọc những bài viết của cố nhà báo Chánh Trinh nói về cảm xúc của một người Việt Nam đứng ở nhà thi đấu nước bạn nghe tiếng quốc ca nước mình cất lên mà hạnh phúc dâng trào đến chảy nước mắt, tôi thầm ao ước có được một kỳ SEA Games để chứng kiến cái cảnh đấy… Và quả thật là chẳng bao lâu, khi được tham dự kỳ SEA Games đầu tiên trong đời làm báo là Chiang Mai – Thái Lan 1995 tôi mới cảm nhận đầy đủ.
Vui và hạnh phúc nhất là được hòa mình vào cái cảnh lao vào sân chia sẻ với hạnh phúc của bóng đá Việt Nam khi thắng Myanmar ở bán kết bằng bàn thắng vàng của Trần Minh Chiến. Sau đó thì cả đám phóng viên lẫn cầu thủ và các thành viên của đoàn thể thao Việt Nam từ trưởng đoàn trở xuống ôm nhau nhảy loi choi giữa mặt sân mà hò hét…
Bây giờ thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng không còn được cái cảnh sung sướng và hạnh phúc với những cảm xúc mạnh mẽ như thế. Nguyên do là sân chơi SEA Games đang trở nên nhàm chán bởi căn bệnh chung của Đông Nam Á và thứ hạng nhiều khi bây giờ không còn nhiều ý nghĩa bởi những nhà điều hành đã can thiệp vào nhiều hơn là nỗ lực của các VĐV từng đổ mồ hôi và cả máu ở đấu trường này.
ĐT U23 VN lên đường nhưng không khí không còn háo hức
Tôi còn nhớ sau lễ bế mạc SEA Games 21 – 2001 tại Malaysia, trong một nhà hàng ở China Town, khi ấy ông Phó đoàn Thể thao Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang (mới nhận cờ tổ chức SEA Games 22 – 2003 từ Ủy ban Olympic Đông Nam Á) vẫn còn diện nguyên bộ vest trắng, ngồi ăn tối với tôi và cố nhà báo Đỗ Hóa (khi đấy là Thư ký Tòa soạn báo Thể thao Ngày nay trực thuộc Sở TDTT Hà Nội mà ông Giang là giám đốc Sở).
Ông Giang vừa ăn vội đĩa cơm vừa kể câu chuyện vui là kể từ khi ông thay mặt nhận cờ SEA Games thì lập tức đại diện các đoàn nhìn ông với cặp mắt khác ngay. Những cặp mắt đầy thiện cảm như muốn thể hiện “mình là bạn nhé”!. Rồi ông Giang kể rất nhiều chuyện tại các kỳ SEA Games mà cứ mỗi lần tổ chức ở quốc gia nào là phải biết “yêu” đơn vị đăng cai, phải biết hợp tác từ vòng ngoài đến vòng trong…
Đúng là sân chơi SEA Games ở Đông Nam Á đang ngày càng đi xa với tinh thần Olympic. Tức là những nhà làm thể thao ở các quốc gia phải “đi đường vòng”, song song với việc dạy cho các VĐV, các cầu thủ mình đi đường thẳng. Căn bệnh thành tích và những điều luật “hở” lẫn “mở” ở SEA Games đã biến sân chơi này thành “lãnh thổ” riêng của chủ nhà.
Đã có lần tôi hỏi những nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam rằng khi nhận đăng cai SEA Games 22 – 2003 tại Việt Nam, có nhiều quan chức quyết lập lại trật tự ở SEA Games bằng việc không ăn gian, không tác động trọng tài… nhưng đến lúc triển khai thì ta lại bỏ vào đến vài chục bộ huy chương lặn cùng nhiều môn chỉ có ta với hai quốc gia cùng tham dự và kết quả là ta nhất toàn đoàn là thế nào? Hóa ra là chính ta thừa nhận là mình không gian lận, nhưng cái cách vẽ để kiếm nhiều huy chương và nhất toàn đoàn như thế của ta là không Fair Play và không đi đúng với tinh thần Olympic.
Câu hỏi đấy của tôi đến nay nhiều quan chức vẫn không trả lời bởi tôi hiểu có những cái mà ngành thể thao HỨA để CÓ và đã làm đủ mọi cách để CÓ.
Đến SEA Games 27 này cũng thế. Myanmar đang làm đủ mọi cách để thu hoạch huy chương và ảnh hưởng đến rất nhiều môn thế mạnh của nhiều quốc gia trong đó có nhiều môn trong hệ thống thi đấu Olympic bị lột bỏ.
Mặt trái của SEA Games khiến nhiều người bây giờ không còn hứng thú với sân chơi này như trước nữa bởi đầu tư rất tốn kém nhưng có khi dự xong SEA Games lại bỏ.
SEA Games là một sân chơi ở ao làng nhưng rất lãng phí bởi căn bệnh thành tích và việc chủ nhà có rất nhiều quyền hạn kể cả quyền hạn “chống” lại tinh thần Olympic.
Bóng đá Việt Nam cùng sự thờ ơ của người hâm mộ Chưa SEA Games nào mà bóng đá ít đón nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ như lúc này. Một phần vì sân chơi SEA Games đã giảm sút tính hấp dẫn, phần còn lại là sự chuẩn bị lần này không được chu đáo, xen lẫn cách ứng xử của nhiều đội tuyển đang làm người hâm mộ mất niềm tin. Điển hình ở đội tuyển thì một đội trưởng bỏ bóng đạp thẳng gối đối thủ trong trận đấu trên sân nhà. Tiếp đến U22 đấu với Thái Lan thì nhận hai thẻ đỏ do lỗi vào bóng thô bạo. Ở giải U21, cầu thủ ta tắc đồng nghiệp Úc tưởng chừng như hủy diệt luôn sự nghiệp bóng đá của cầu thủ trẻ đội bạn. Thế nên với cá nhân tôi, điều mong ước với các cầu thủ U23 lần này thi đấu thật tử tế với cách ứng xử tốt thay vì để lại những hình ảnh xấu làm người hâm mộ mất niềm tin. Mong thắng hay thua cũng tử tế và đá đẹp. |