Tân binh Nam Định: Đội bóng nhà nghèo và những nguy cơ hiện hữu
Sau 5 vòng đấu, CLB Nam Định chỉ có được 1 điểm duy nhất khi hòa trận đầu và để thua 4 trận tiếp theo. Tuy nhiên, cho đến trận đấu cách đây ít ngày, người ta vẫn chứng kiến cảnh “phe vé” hoạt động tại sân vận động Thiên Trường.
“Phe vé” vẫn có “đất sống”, điều đó chứng tỏ sự quan tâm của cổ động viên mảnh đất Thành Nam vẫn còn vẹn nguyên với các cầu thủ của mình. Nhưng liệu điều đó sẽ còn duy trì được bao lâu nếu như HLV Văn Sỹ và các học trò của mình cứ mãi chưa biết đến “mùi” chiến thắng?
Nếu không giải được bài toán chiến thắng, CLB Nam Định sẽ khó lòng giữ được đông đảo khán giả đến sân trong giai đoạn còn lại của V-League 2018.
Từ V-League 2017 trở về trước, hiện tượng “phe vé” là một khái niệm khá “xa xỉ” với giải bóng đá hàng đầu của Việt Nam. V-League phát triển theo hướng “giật lùi” khi lượng khán giả đến sân năm sau luôn… ít hơn năm trước. Cụ thể, theo thống kê của BTC, năm 2014, trung bình có 8.009 khán giả đến sân trong 1 vòng đấu thì đến năm 2015, con số này giảm xuống còn 7.873 khán giả.
Đến năm 2016, khán giả đến sân còn 7.490. Giật mình hơn nữa khi đến năm 2017, lượng cổ động viên đến sân chỉ vẻn vẹn 5.943 khán giả trong một vòng đấu, điều này đồng nghĩa với việc, 1 trận đấu ở V-League năm 2017 chưa có đến 1.000 khán giả đến xem!
Sau nhiều tiêu cực ở các mùa giải trước như vấn đề bán độ của các cầu thủ, vấn đề thiếu minh bạch của V-League… đã khiến khán giả dần mất niềm tin và không còn mặn mà với sân chơi hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Nhưng hiệu ứng từ việc U23 Việt Nam giành ngôi á quân tại Asian Cup vừa qua đã góp phần thay đổi V-League 2018 với sự “lột xác” về số lượng cổ động viên đến sân.
Theo thống kê mới nhất được BTC V-League 2018 công bố, sau 4 vòng đấu với tổng số 28 trận, đã có 281.000 lượt khán giả đến sân cổ vũ cho các đội bóng, trung bình đạt 10.036 người/trận, gấp hơn 10 lần so với V-League mùa giải 2017.
Trong đó, trận Hà Nội FC - Hoàng Anh Gia Lai thu hút 20.000 khán giả; trận Hải Phòng - Hoàng Anh Gia Lai (21.000 khán giả) và có lẽ trận đấu đông nhất của V-League 2018 sau 4 vòng đấu là trận giữa Nam Định - Xổ số kiến thiết Cần Thơ với hơn 22.000 khán giả.
Rất dễ hiểu khi các trận đấu của Hà Nội FC hay CLB Hoàng Anh Gia Lai thu hút đông sự quan tâm của khán giả. Đơn giản là bởi ngoài yếu tố chuyên môn và cổ động viên trung thành, 2 CLB này còn sở hữu nhiều cầu thủ xuất sắc, đặc biệt là họ có sự góp mặt của nhiều cầu thủ U23 Việt Nam vốn đang giành được sự yêu mến cuồng nhiệt của đông đảo khán giả Việt Nam như Quang Hải, Duy mạnh (Hà Nội FC), Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh (CLB Hoàng Anh Gia Lai)… Tuy nhiên, CLB Nam Định dù không có sự góp mặt của bất kỳ 1 cầu thủ U23 nào nhưng vẫn “kéo” được lượng khán giả đến sân thuộc loại Top đầu của V-League 2018.
Từ hàng chục năm trước, CLB Nam Định luôn là một “thế lực” đáng gờm của bóng đá Việt Nam. SVĐ Chùa Cuối luôn là “chảo lửa” nóng bỏng đón tiếp bất kỳ CLB nào đến làm khách tại mảnh đất Thành Nam. Tuy nhiên, sau khi bị xuống hạng, sau 8 năm mòn mỏi chờ đợi, người hâm mộ bóng đá Nam Định mới lại chứng kiến đội nhà được trở lại V-League. Một niềm vui khó mà đong đếm khi họ phải trải qua gần một thập kỷ “chờ mưa”.
Và tất cả đã bùng nổ ở SVĐ Thiên Trường tại V-League 2018 những vòng đấu vừa qua. Hàng vạn khán giả trong đồng phục áo vàng với những chiếc chiêng, trống và lá cờ khổ lớn trên tay đã làm “bùng cháy” các khán đài của SVĐ Thiên Trường. Một thống kê đáng thú vị là ở vòng đấu thứ 5 vừa diễn ra trên sân của Nam Định, CLB TPHCM của HLV Miura chỉ có 2 khán giả đến cổ vũ cho mình, trong khi đó, hàng vạn người còn lại đứng về “phe” HLV Văn Sỹ và các học trò.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố quyết định để giữ được khán giả chính là thành tích thi đấu. Công bằng mà nói, tuy thua thiệt nhiều điều, nhưng CLB Nam Định ở mùa giải năm nay đã chơi đầy quật khởi. Họ đã có trận hòa đáng tiếc ở trận ra quân với XSKT Cần Thơ và chỉ chịu thua sát nút đội bóng mạnh Bình Dương với tỉ số 1-2 ở vòng thi đấu thứ 2.
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, Nam Định là một đội bóng “nhà nghèo”. HLV Nguyễn Văn Sỹ có quá ít thời gian để chuẩn bị cho V-League khi sát đến ngày khai màn, họ mới rốt ráo thành lập được Công ty cổ phần bóng đá Nam Định theo quy định bắt buộc của VPF.
Tiếp theo đó, họ cũng không có tiền để mua sắm những cầu thủ chất lượng, mà cơ bản sử dụng những cầu thủ “giá rẻ” và phần còn lại là do tự mình đào tạo ra. Vì thế mà mục tiêu rất khiêm tốn mà HLV Văn Sỹ đưa ra trước khi V-League 2018 khai màn, đó chính là việc trụ hạng thành công ở mùa giải năm nay.
V-League là một sân chơi rất khắc nghiệt. Ngay cả đội bóng lớn như Hải Phòng cũng đang gặp phải chật vật. Đội bóng với tiềm lực kinh tế hùng hậu như CLB TPHCM của quyền Chủ tịch Lê Công Vinh với những hợp đồng “bom tấn” mang về như HLV Miura (nguyên HLV trưởng Đội tuyển quốc gia Việt Nam) cũng đang bị dư luận chỉ trích nặng nề với lối đá được cho là bạo lực (CLB TPHCM bị nhận nhiều thẻ vàng nhất sau 5 vòng đấu V-League 2018) để giành giật từng điểm nhọc nhằn.
Và nếu Nam Định không giải được bài toán “chiến thắng” ở những vòng đấu tiếp theo (hiện Nam Định đang đứng cuối bảng xếp hạng), viễn cảnh xuống hạng của đội chủ SVĐ Thiên Trường là hiện hữu hơn bao giờ hết. Và quan trọng hơn, người hâm mộ có thể sẽ ngày càng rời xa với HLV Văn Sỹ và các học trò của mình.
Đối thủ tuyên bố khá bất ngờ về khả năng vô địch V-League 2018 của Thanh Hóa.