Tại sao Ronaldo, Ibra là “cây trường sinh” của bóng đá?
Ibrahimovic ở tuổi 34 vẫn ghi 50 bàn thắng trong 51 trận đấu. Ronaldo vừa trải qua mùa bóng đẹp nhất ở tuổi 31 với 2 Cúp vô địch châu Âu và có mùa thứ 6 liên tiếp ghi hơn 50 bàn. Họ giống như là siêu nhân vậy, siêu nhân thì không có tuổi.
Ronaldo và Ibra. Có cảm giác càng già về tuổi đời thì càng hoàn thiện hơn, ghi nhiều bàn thắng hơn. Họ không có dấu hiệu nào của tuổi tác. Ronaldo vừa đăng lên Facebook bức ảnh cởi trần với hình thể đẹp như một nam thần trong thần thoại Hy Lạp.
Ronaldo (giữa) khoe cơ thể tráng kiện
Trong khi ấy, Ibrahimovic với chiều cao 1m95, vòng ngực đồ sộ luôn ưỡn về phía trước và râu tóc như samurai. Gã cao bồi Thụy Điển khiến HLV Mourinho phải trầm trồ khen “body chuẩn”.
Trường tồn bất chấp thời gian
Các siêu sao bóng đá đương đại có thể không sánh bằng thế hệ Pele, Maradona hay Cruyff về kỹ thuật hay tài năng chơi bóng nhưng họ chắc chắn ăn đứt các bậc tiền bối về sức mạnh, hình thể và sự ổn định. Có cảm giác rằng Ronaldo hay Ibra có thể chơi bóng đỉnh cao đến năm 40 tuổi dù bóng đá hiện đại có cường độ cao hơn và áp lực lớn hơn gấp bội.
Đó là hệ quả của lối sống lành mạnh và khoa học. Huyền thoại Ferenc Puskas của thập niên 1950 béo phì. George Best, huyền thoại những năm 1960 nghiện rượu. Johan Cruyff, ngôi sao sáng nhất thập niên 1970 nghiện thuốc lá. Diego Maradona, siêu sao của thập niên 1980 và của mọi thời đại, nghiện cocaine. Ronaldo Nazario, huyền thoại những năm 1990 lúc nào cũng phục phịch. Stanley Matthews, QBV châu Âu đầu tiên (1956) thậm chí còn đi quảng cáo thuốc lá...
Puskas béo phì, Cruyff nghiện thuốc, Maradona dùng cocaine
Họ từng sống phóng túng như những ngôi sao nhạc rock. George Best tỏa sáng từ năm 17 tuổi, đoạt QBV khi mới 22 nhưng bị tống khỏi MU khi mới 28, lang thang qua hàng chục CLB gồm cả Hong Kong và không bao giờ chơi đỉnh cao nữa. Sự nghiệp của Maradona bị vấy bẩn bởi những lần dương tính với chất cấm. Cruyff từng phải mổ tim...
Pele hay Maradona đều đi vào lịch sử với những khoảnh khắc vinh quang nhưng lại chẳng thể có được độ ổn định của những cỗ máy như thế hệ Ronaldo, Messi hay Ibra. Pele có một sự nghiệp cấp CLB tầm thường, đi khắp thế giới chơi những trận đấu biểu diễn như gánh xiếc rong. Maradona có thời gian đáng quên với Napoli khi thường xuyên phải nhận bóng ở thế quay lưng cầu môn. Và người ta thống kê được rằng Argentina chỉ thắng 35% số trận trong thập niên 1980. Maradona xen giữa các kỳ World Cup là một Maradona xoàng xĩnh.
Pele ở World Cup 1966 từng bị hành hạ bởi chấn thương, khiến Brazil bị loại sớm. Maradona vỡ mắt cá vì “tên đồ tể” Goikoetxea. Van Basten giải nghệ năm 28 tuổi vì chấn thương đầu gối... Ronaldo, Messi hay Ibra không như thế. Nhờ tập luyện bền bỉ và ăn kiêng nghiêm ngặt mà họ có thể lực mạnh mẽ hơn, sức chịu đựng vượt trội hơn.
Sức bật của kim tiền
Rõ ràng là các siêu sao bóng đá đương đại có lối sống lành mạnh hơn thuở trước nhưng bản thân sự lành mạnh ấy đến từ một động cơ khác hết sức rõ ràng: tiền bạc.
Trước thập niên 1990, bóng đá ít khi được chiếu trên truyền hình và rất ít CĐV ở châu Âu được xem Pele chơi bóng 10 lần cả trên tivi lẫn trên sân cỏ. Cuộc cách mạng về công nghệ truyền hình trong những năm 1990 với Rupert Murdoch đi tiên phong đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của bóng đá. Các trận đấu bóng đột nhiên trở thành chương trình giải trí ăn khách trên tivi và cầu thủ thì giống như là diễn viên vậy.
Ronaldo tập luyện để có hình thể như nam thần Hy Lạp
Khi bóng đá trở thành con gà đẻ trứng vàng, các nhà quản lý lập tức nghĩ đến chuyện bảo vệ cầu thủ dưới sức ép từ các hãng truyền hình và nhà tài trợ. Tắc bóng thô bạo bị nghiêm cấm. Vào bóng từ phía sau đồng nghĩa với thẻ đỏ. Và những ngôi sao như Ronaldo, Messi... gần như sẽ được hưởng đá phạt ngay khi bị chạm vào. Khi Payet vào bóng hơi rắn với Ronaldo, anh bị cả triệu người nguyền rủa.