Tại sao Ngoại hạng Anh lũng đoạn sàn chuyển nhượng?
Xin nhấn mạnh là giải Anh chứ không phải người Anh bởi các CLB lớn nhất của nước Anh đều đã sang tay chủ ngoại. Họ thống trị thị trường chuyển nhượng bởi một lẽ đơn giản: họ giàu có và quá đỗi hấp dẫn với các ngôi sao.
Cuộc cách mạng của Abramovich
Năm 2002, tỷ phủ Roman Abramovich ao ước mua một CLB bóng đá. Ban đầu Abramovich nhắm tới Serie A và La Liga, hai giải đấu “đỉnh” nhất lúc bấy giờ. Nhưng nhà tài phiệt người Nga gặp phải trở ngại lớn bởi mỗi CLB lớn ở Serie A đều thuộc sở hữu của một gia đình với nhiều thế hệ, trong khi Real Madrid, Barcelona... ở La Liga thuộc sở hữu của hàng trăm nghìn hội viên (socio).
Abramovich mở đầu trào lưu ông chủ giàu có sở hữu 1 CLB bóng đá
Abramovich sau đó đáp trực thăng xuống London. Ông trùm dầu mỏ có một căn nhà ở mạn Tây thành phố nhưng ít khi ghé thăm. Lần này ông trông thấy một sân bóng. “Cái gì thế nhỉ?”, Abramovich thắc mắc và nhận được câu trả lời: đó là sân vận động Stamford Bridge của CLB Chelsea. Abramovich quyết định mua Chelsea.
Abramovich không phải là tỷ phú đầu tiên đầu tư vào môn thể thao vua nhưng là người giàu nhất làm điều đó và mở ra một trào lưu mới, trào lưu của những “sugar daddy” (từ lóng chỉ những ông bố nuôi giàu có) trong bóng đá. Đi theo Abramovich là những “sugar daddy” đầu tư vào Manchester City, Paris Saint-Germain, Monaco và một số đội bóng Nga.
Cùng thời gian này có một loạt tỷ phú Mỹ đầu tư vào các CLB giàu truyền thống Manchester United (nhà Glazer), Arsenal (Stan Kroenke) và Liverpool (ban đầu là cặp đôi Tom Hicks, George Gillett; sau đó bán cho John Henry).
Ở thời điểm Roman Abramovich mới tiếp quản Chelsea, giải Ngoại hạng Anh vẫn chưa thể cạnh tranh với La Liga và Serie A về mức độ hấp dẫn. Dù Manchester United đã vô địch Champions League 1999 nhưng nhìn chung các đội bóng Anh chưa phải ứng cử viên trên đấu trường châu lục.
Serie A khi đó đang sở hữu hàng loạt ngôi sao lớn như Shevchenko, Crespo, Batistuta, Vieri, Nedved, Del Piero, Buffon... La Liga có Figo, Zidane, Ronaldinho, Raul... và vừa đón thêm Beckham từ Premier League. Thời điểm Abramovich tiếp quản Chelsea, trận chung kết Champions League là câu chuyện nội bộ của Serie A và trong 3 mùa bóng trước đó thì Real vô địch 2 lần.
Nhưng so với các đối thủ Serie A, La Liga hay Bundesliga thì Premier League có một cơ chế hết sức thông thoáng với các ông chủ ngoại quốc. Người Anh nhìn chung không quá bận tâm đến chuyện những thương hiệu lớn, những niềm tự hào quốc gia bị sang tên cho người nước ngoài khi mà ngay cả hãng xe hơi Rolls Royce danh tiếng cũng đã bị bán.
Chỉ có một ngoại lệ là làn sóng phản đối nhà Glazer của CĐV Man United nhưng nó thực ra không quá dữ dội bởi sân Old Trafford vẫn kín chỗ cả trước và sau khi người Mỹ tiếp quản MU.
Sức hấp dẫn của sự công bằng
Abramovich không tiếc tiền đầu tư. Trong 8 năm đầu tiên, tỷ phú người Nga lỗ tới 1 tỷ USD. Làn sóng được tiếp nối bởi Sheikh Mansour ở Man City. Từ năm 2008 đến 2013, chi phí chuyển nhượng ròng của Man City (tiền chi ra trừ tiền thu về) lên đến 800 triệu USD. Đổi lại, cả hai đều giành chức VĐQG sau 40-50 năm dài chờ đợi.
NHA thống trị thị trường chuyển nhượng
Abramovich và Sheikh Mansour là vận may lớn cho Chelsea, cho Man City và cho cả giải Ngoại hạng. Tiền của họ giúp chấm dứt tình trạng lưỡng độc quyền (duopoly) khi MU và Arsenal thay nhau thống trị. Nếu không có những “sugar daddy” ấy, Chelsea và Man City sẽ không bao giờ có chuyện cạnh tranh nổi với hai gã khổng lồ kia.
Sự lớn mạnh của Chelsea đã tạo ra một cuộc đua “Big Four” đầy kịch tính trong nhiều năm liền. Sự tham gia của Man City càng khiến giải đấu thêm hấp dẫn và từ mùa giải này sẽ là cuộc chạy đua gay gắt giữa 6-7 đội bóng. Premier League bây giờ hấp dẫn chẳng kém Serie A của “7 chị em” thuở nào. Nó đáng xem hơn một giải đấu chỉ có song mã MU - Arsenal rất, rất nhiều.
Bây giờ thì La Liga đang ở thế song mã, trong khi Bundesliga, Serie A và Ligue 1 đều là độc mã. Dễ hiểu làm sao khi mùa giải này bản quyền truyền hình của Premier League có giá lên tới 3,04 tỷ euro, vượt xa La Liga (1,45 tỷ), Champions League (1,40 tỷ), Serie A (1,24 tỷ) và Bundesliga (1,16 tỷ).
Kiếm được nhiều tiền là quan trọng, chia sẻ nó thế nào còn quan trọng hơn. Nếu ở các giải đấu kia phần lớn lợi nhuận từ truyền hình chảy vào túi các ông lớn thì các CLB Anh lại chia sẻ nó rất đều. Bây giờ thì ngay cả Crystal Palace, Everton hay Leicester cũng mua được những ngôi sao có giá trên dưới 30 triệu bảng.
20 thành viên Premier League Hè này chi đến 1.400 triệu euro cho chuyển nhượng, so với 20 đại diện La Liga chỉ chi 492 triệu euro. Mùa Hè này cũng chứng kiến lần đầu tiên Premier League sở hữu cầu thủ đắt nhất hành tinh sau 16 năm “danh hiệu” này thuộc về Real Madrid.
Premier League không thể lũng đoạn sàn chuyển nhượng nếu chỉ 2-3 đội có tiền. Đó phải là cuộc đi săn tập thể của 20 tay súng!
Video Ngoại hạng Anh phá kỷ lục phí chuyển nhượng (nguồn VTV):