Tại sao K.Kiên Giang tồn tại?
Một đội bóng không có tiền thi đấu, nợ lương cầu thủ không biết ngày nào trả nhưng vẫn cố gắng ở lại V.League. K.Kiên Giang là đội bóng đó, và người ta bắt đầu thắc mắc tại sao trong cảnh không tiền, không quân, K.Kiên Giang cứ quyết ở lại giải VĐQG?
Thông tin các cầu thủ K.Kiên Giang đòi nợ CLB chủ quản mấy ngày qua xuất hiện nhiều đến mức nó trở nên nhàm chán đối với người hâm mộ. Với ai hiểu nội tình của đội bóng miền Tây Nam bộ vào lúc này, nếu K.Kiên Giang thanh toán các khoản nợ cầu thủ, HLV thì mới là điều lạ, chứ đội này xin khất là chuyện... quá bình thường.
Cơ bản K.Kiên Giang không còn tiền, ngân quỹ của họ đã rỗng. Họ nghèo đến mức đi đá sân đối phương cũng phải vay tiền để di chuyển. Vậy K.Kiên Giang trong cảnh nghèo rớt mồng tơi ấy vẫn xin ở lại V.League để làm gì?
Có thông tin cho rằng sau khi hụt suất thăng hạng, một anh nhà giàu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã nhắm đến chuyện mua lại suất V.League của K.Kiên Giang, như cách V.Hải Phòng làm với K.Khánh Hòa cách nay 1 năm, hay Navibank Sài Gòn từng mua lại suất đá V.League của QK4...
Ngân quỹ của K.Kiên Giang đã rỗng
Đó có lẽ là lý do mà lãnh đạo K.Kiên Giang làm yêu sách với VFF, VPF và BTC V.League 2013 với quyết tâm ở lại giải VĐQG. Có giữ được suất V.League thì K.Kiên Giang mới mong kiếm được chút nào hay chút đó, nếu thương vụ chuyển nhượng suất V.League của họ cho anh nhà giàu miền Tây Nam bộ nói trên thành công.
Tuy nhiên, sau hàng loạt đội bóng bỏ cuộc và dọa bỏ cuộc trong mấy năm gần đây, VFF và VPF đang đối diện với bão dư luận về chuyện đã cho sang tên, đổi chủ các đội bóng quá dễ. VFF và VPF bị chỉ trích vì chuyện họ cho người ta mua suất đá V.League như mua mớ rau, con cá ngoài chợ, trước khi tự biến V.League thành cái chợ, vì thiếu kỷ cương.
Mua dễ thì bán cũng dễ, VFF cũng như VPF bây giờ quá thấm thía nỗi đau ấy, nên mới đây VPF đã đề xuất phương án siết chặt sự tồn tại của các đội bóng. Riêng một nhà đầu tư nếu muốn mua lại một đội bóng sẽ phải chấp nhận luôn chuyện phải mang tên cũ và không được “dời đô” trong vòng 1 mùa giải.
Quy định này làm nhà đầu tư (hay đầu cơ?) muốn nhảy vào K.Kiên Giang thấy khó “nhai” và vì thế mà nhiều khả năng thương vụ bất thành.
Chỉ buồn ở chỗ, không chỉ người mua mà đôi khi cả người muốn bán cũng chỉ xem sự hiện diện ở V.League của mình như một cơ hội để mua bán, đổi chác.