Super League bị "xóa sổ": Siêu giải đấu tỷ đô và 72h náo loạn châu Âu
72 tiếng đồng hồ qua, làng bóng đá châu Âu và thế giới đã chao đảo ra sao khi siêu giải đấu tỷ đô European Super League được tuyên bố thành lập rồi "chết yểu"?
Super League: Siêu ý tưởng rung chuyển bóng đá châu Âu
Sáng 19/4 (giờ Việt Nam) đã chứng kiến sự kiện làm rung chuyển làng bóng đá châu Âu lẫn thế giới. 12 CLB lớn đến từ Tây Ban Nha, Anh và Italia tuyên bố thành lập giải đấu mang tên European Super League nhằm cạnh tranh trực tiếp với UEFA Champions League, giải đấu danh giá nhất châu Âu cấp CLB.
Danh sách 12 đội ủng hộ thành lập European Super League, được gọi là nhóm "Các câu lạc bộ sáng lập" gồm Big 6 Ngoại hạng Anh (MU, Liverpool, Man City, Arsenal, Chelsea, Tottenham), Barcelona, Real Madrid, Atletico Madrid (Tây Ban Nha), Inter Milan, AC Milan, Juventus (Italia).
European Super League - sáng kiến làm chao đảo làng bóng đá thế giới chính thức ra đời vào sáng 19/4 (giờ Việt Nam)
Về cơ cấu tổ chức và thể thức, Super League có 20 CLB, 12 đội sáng lập sẽ kết nạp thêm 3 thành viên thường trực cùng 5 đội được thay đổi luân phiên hàng năm. Giải đấu chia làm 2 bảng, mỗi bảng 10 đội, thi đấu theo thể thức sân nhà và sân khách vòng tròn mỗi năm.
Sau vòng bảng, 8 đội đủ điều kiện tham dự vòng loại trực tiếp, thi đấu 2 lượt trên sân nhà và sân khách để tìm ra nhà vô địch. Các trận đấu diễn ra vào giữa tuần và các đội vẫn vẫn chơi ở các giải quốc nội.
Theo số liệu từ Bloomberg News, Super League có giá trị lên tới 6 tỷ USD, mỗi đội dự giải đút túi 400 triệu USD/năm. Không chỉ vậy, các đội còn nhận khoản tài trợ 3,5 tỷ euro (4,2 tỷ USD) để nâng cấp cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho giải đấu. Dự kiến khoản này chia ra làm 4 cấp độ tùy thuộc vào vị thế của từng CLB, trong đó 6 đội thuộc nhóm 1 nhận 350 triệu euro (420 triệu USD).
Mặt khác, giải đấu còn cam kết doanh thu không giới hạn cho các CLB tham dự bởi họ sẽ được hưởng theo doanh thu của giải đấu. Dự kiến, doanh thu mùa đầu tiên của Super League có thể vượt ngưỡng 10 tỷ euro (12 tỷ USD).
Bộ máy lãnh đạo Super League gồm Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez được bầu làm Chủ tịch Super League, Andrea Agnelli (Chủ tịch Juventus) và Joel Glazer (đồng Chủ tịch MU) giữ ghế phó Chủ tịch.
Ban đầu, Super League được thành lập trong bối cảnh các đội muốn kiếm nhiều tiền hơn sau khi chịu thiệt hại kinh tế nặng nề từ đại dịch Covid-19. Ngoài ra, xung đột với UEFA trong việc thay đổi thể thức Champions League, từ 32 đội lên 40 đội với thể thức mới, thi đấu nhiều trận hơn nhưng "miếng bánh" lợi nhuận bị chia chác quá nhiều nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của các đội bóng nhỏ khiến 12 CLB muốn "ly khai" sớm.
Để thể hiện quyết tâm, các đội bóng đồng loạt tuyên bố rời khỏi Hiệp hội các CLB châu ÂU (ECA), còn Agnelli từ chức Chủ tịch ECA.
Sức ép kinh hoàng từ dư luận
Ngay sau khi tuyên bố ra đời, Super League đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA. Trong cuộc họp khẩn cấp tối 19/4 (giờ Việt Nam), chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin thẳng thừng lên tiếng chống lại ý tưởng thành lập giải đấu và cảnh báo về hậu quả có thể xảy ra.
Cụ thể, các đội bóng dự Super League bị cấm dự giải đấu thuộc UEFA như Champions League, Europa League, còn các cầu thủ chơi ở Super League bị cấm thi đấu ở World Cup và Euro. Quan điểm này nhận được hưởng ứng từ Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, Liên đoàn bóng đá các quốc gia có thành viên trong Super League lẫn nhiều đội bóng lớn như PSG, Bayern Munich, Dortmund.
Super League trên bờ vực bị "xóa sổ" sau khi Big 6 Ngoại hạng Anh rút lui
Cùng ngày 20/4, 20 câu lạc bộ Serie A tổ chức họp mặt để thảo luận về Super League, bao gồm cả Juventus, Inter Milan và AC Milan (những đội dự Super League). Đáng nói hơn, 3 đội này bày tỏ ý định tiếp tục thi đấu tại Serie A nhưng vẫn dự Super League.
Nóng bỏng nhất là làng bóng đá Anh. Sau cuộc họp với 14 CLB ngoài Big 6 tối 20/4, ban tổ chức Ngoại hạng Anh tuyên bố sẽ cấm nhóm "đại gia" dự giải đấu hàng đầu "xứ sở sương mù" nếu tiếp tục có ý định ly khai. Cổ động viên MU, Liverpool, Arsenal tổ chức các cuộc biểu tình đòi giới chủ đội bóng từ chức, còn giới cầu thủ, HLV thậm chí công khai thể hiện sự bức xúc trên mạng xã hội.
Đỉnh điểm cao trào, Chính phủ các quốc gia cũng vào cuộc để ngăn chặn Super League. Thủ tướng Anh, Boris Johnson tuyên bố có thể dùng các biện pháp cứng rắn như rút giấy phép lao động của cầu thủ nước ngoài chơi cho Big 6.
Trong khi đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Italia Mario Draghi, bộ trưởng văn hóa và thể thao Tây Ban Nha José Manuel Rodríguez Uribes đều không có cái nhìn tích cực về giải đấu tỷ đô.
Super League chính thức bị "xóa sổ": Kết cục được dự báo trước
Trước sức ép khủng khiếp từ dư luận, các thành viên Super League đặc biệt là nhóm Big 6 Ngoại hạng Anh đã dao động. Rạng sáng 21/4, truyền thông Anh quốc đưa tin Man City trở thành đội đầu tiên nộp đơn rút lui khỏi giải, Man City thậm chí đăng tải thông báo chính thức trên trang chủ. Ngay sau đó, lần lượt MU, Liverpool, Arsenal, Tottenham, Chelsea thông báo từ bỏ ý định "ly khai".
Super League sụp đổ vì sức ép khủng khiếp từ dư luận
Nghiêm trọng hơn, MU còn đón nhận cú sốc nơi thượng tầng khi phó Chủ tịch điều hành Ed Woodward tuyên bố từ chức (tại vị đến hết năm 2021).
Sự rút lui của nhóm Big 6 Ngoại hạng Anh tạo nên hiệu ứng domino như hệ quả tất yếu. Inter Milan, Atletico Madrid, AC Milan rút lui và hiện tại, "liên minh" Super League chỉ còn lại 3 đội: Barca, Real và Juventus.
Về phía Real, Chủ tịch Florentino Perez (kiêm chủ tịch Super League) quyết định hủy buổi phỏng vấn với một đài phát thanh Tây Ban Nha vào phút chót để tổ chức họp khẩn. Sáng 21/4, ban tổ chức Super League đã ra thông báo tạm hoãn giải để "định hình lại dự án".
Đến chiều cùng ngày, Andrea Agnelli, Chủ tịch Juventus kiêm phó Chủ tịch Super League thừa nhận trên Reuters rằng Super League không thể diễn ra sau khi Big 6 Ngoại hạng Anh đồng loạt rút lui. Động thái này chẳng khác nào "án tử" dành cho dự án thành lập siêu giải đấu tỷ đô chỉ sau 3 ngày ngắn ngủi.
Nguồn: [Link nguồn]
Manchester United đang trải qua giai đoạn đầy biến động sau sự xuất hiện của giải đấu tỷ đô Super League. Việc rút lui...