Sự vô cảm giết chết bóng đá
"Bóng đá chỉ là trò chơi thôi nhưng sao họ lại can thiệp vào dã man quá!"
Trao đổi về tai nạn của học trò mình và sự dửng dưng của những người điều hành bóng đá, cựu tuyển thủ Nhan Thiện Nhân, hiện là HLV đội Hùng Vương An Giang, buồn bã chia sẻ.
+ Anh biết tính tôi từ hồi còn là cầu thủ An Giang và lên đội tuyển. Cả đời đá bóng chưa bao giờ tôi chỉ trích trọng tài bởi hiểu những khó khăn của nghề này. Thế mà bây giờ tôi buộc phải lên tiếng với mong muốn bóng đá nước nhà phát triển tốt hơn và để những người đầu tư cho bóng đá hoặc hết lòng với bóng đá còn có chút niềm tin…
. Ý anh muốn nói đến trận thua trên sân Vinh?
+ Trận đấy chỉ là giọt nước làm tràn ly. Chúng tôi thấp cổ bé miệng, bước lên chuyên nghiệp mong có sự công bằng nhưng phải gồng mình đá không chỉ với 11 cầu thủ đối phương. Trận thua SL Nghệ An cả nước đều thấy. Đối thủ không thắng được chúng tôi nhưng trọng tài lại muốn họ phải thắng. Cầu thủ của tôi bị đá gãy ống chân, ngất xỉu ngay trên sân nhưng kẻ thủ ác chỉ nhận thẻ vàng trong khi xót đồng đội bị đau đến phàn nàn trọng tài lại bị mắng và cho ăn thẻ. Ai cũng thấy bàn thắng duy nhất của chủ nhà ghi ở trong thế việt vị nhưng chỉ có trọng tài là không thấy. Trên sân các cầu thủ của tôi chạy đến than thầy ơi họ khiêu khích chúng em, đá láo, đá đau chúng em. Và tôi đã phải gào lên cấm các em trả đũa vì họ đá thì không bị phạt nhưng các em đá lại là bị trọng tài “giết” đấy!
Bóng đá chỉ là trò chơi thôi nhưng sao họ lại can thiệp vào dã man quá!
HLV Nhan Thiện Nhân (trái) và những hình ảnh đáng báo động của bóng đá Việt Nam. Ảnh: XUÂN HUY - QUANG THẮNG
. Điều gì khiến anh lo lắng khi đội vừa thua oan lại vừa có cầu thủ bị gãy chân nghỉ đến hết giải và có khả năng phải giải nghệ?
+ Câu hỏi ấy đã nói lên tất cả rồi. Ngoài ra, điều tôi lo hơn là chất lượng chung của bóng đá nước nhà bởi nếu cứ buông thả thiếu kỷ cương như thế thì ai còn kiên nhẫn làm bóng đá tử tế nữa. Tôi sợ nhà tài trợ sẽ rút lui không phải vì đội bóng tôi ở đáy bảng mà vì họ có suy nghĩ giống bầu Long của Hòa Phát Hà Nội rất yêu bóng đá nhưng cắn môi bỏ bóng đá vì bất công, vì không có kỷ cương.
. Có ai chia sẻ với nỗi đau và nỗi lo này của anh?
+ Lãnh đạo tỉnh An Giang! Các chú sau khi xem trận đấu đấy qua tivi đã gọi điện thoại động viên tôi với lời dặn dò: “Nhân dân tỉnh An Giang xem trận đấu đó và tất cả đều có chung một cảm giác rất buồn, rất bất mãn với cách điều hành của trọng tài và sự vô cảm của những người có trách nhiệm".
. Anh có thấy nhẹ lòng hơn với chia sẻ đó?
+ Nhẹ lòng vì cấp trên, vì lãnh đạo tỉnh an ủi, cảm thông với nỗi đau của mình nhưng lại thấy lo vì nhân dân An Giang thấy được điều đó, lãnh đạo tỉnh cũng thấy điều đó thì có thể việc không chơi với bóng đá nữa trong hoàn cảnh nhiễu nhương như thế sẽ xảy ra. Lúc đó thì không phải bóng đá An Giang mất mà là bóng đá Việt Nam sẽ mất nhiều cái hơn nữa…
. Xin cảm ơn anh về những chia sẻ trên.
Lời bình HLV Nhan Thiện Nhân từng là đội trưởng đội An Giang trong những năm 1990 và đã lên đội tuyển thời HLV K.H Weigang.
Lời tâm sự của Nhân rất chín chắn, không cay cú bởi anh luôn đặt cái chung, đặt sự phát triển của bóng đá Việt Nam lên trên đội An Giang mà anh đang dẫn dắt. Đáng tiếc là trong khi một HLV đầy tâm huyết như thế lên tiếng cảnh báo với nỗi lo của một nền bóng đá đang trốc gốc thì những người có trách nhiệm lại vô cảm trước những tai nạn của cầu thủ, của đội bóng. Nó không chỉ là sự mất niềm tin của nhân dân một tỉnh như lãnh đạo tỉnh An Giang đã chia sẻ mà là niềm tin của nhiều người yêu bóng đá của cả nước. Nguy hiểm hơn là những người điều hành, những người có trách nhiệm đã không chịu nhìn thấy mặt trái đang kéo lùi sự phát triển của một nền bóng đá qua những lời lẽ bao biện. Nên nhớ giới truyền thông không xem đấy là scandal nhưng vì sự nguy hại cho một giải đấu ảnh hưởng đến một nền bóng đá mà họ gióng lên hồi chuông báo động. Tiếc là thay vì cùng nhau hợp lực tìm ra biện pháp để giải quyết những tồn đọng thì nhiều người làm công tác điều hành lại cứ lái nó sang chuyện bình thường trong bóng đá và còn quay ngược lại chỉ trích giới truyền thông. Trọng tài có thể sai yếu kém nhưng sai kiểu hợp tác với đội này mà giết đội nọ hoặc sai theo kiểu để bạo lực lên ngôi hủy hoại những tài năng thì rõ ràng là trọng tài có vấn đề. Từ đó có thể lần lên rằng tại sao những cái sai đấy cứ được nhân lên trong khi bóng đá tử tế thì ngày càng hiếm hoi. |