Sự tồn tại của bóng đá VN theo "mô hình thiếu nữ”
Mùa giải mới của bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn khởi động, nhưng sự rút lui, hoặc xin dừng không tham dự của một vài đội đã tạo ra hiệu ứng không tốt.
Khi Đồng Tháp không gánh nổi nợ
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương là người gắn bó rất chặt với bóng đá Đồng Tháp, đặc biệt trong thời hoàng kim của CLB này, đã chia sẻ về nỗi đau mà bóng đá Đồng Tháp phải đối diện. Đó là cận kề mùa giải V-League 2015 mà tiền vẫn chưa có khiến nguy cơ rút lui khỏi V-League gần như là hiện thực.
Ông Xương đau vì bóng đá Đồng Tháp trước đây được đầu tư rất tốt và từng được tỉnh chăm sóc kỹ đến độ có thời gian các địa phương phải học Đồng Tháp cách làm bóng đá, đặc biệt là công tác đào tạo trẻ lẫn cơ chế và cách giải ngân cho một đội bóng tồn tại và phát triển.
Đồng Tháp trước nguy cơ rút lui khỏi giải
Bây giờ, bóng đá Đồng Tháp lên hạng trong niềm vui của người hâm mộ, nhưng đến lúc cần đủ 35 tỉ đồng để thi đấu một mùa đầu thì tỉnh thông báo không thể sử dụng ngân sách cho đội bóng, còn các đơn vị kinh tế trong tỉnh thì đang tính đến chuyện lời lỗ của công ty nên không thể bao thầu cho đội bóng mỗi năm hàng chục tỉ.
Tiền chưa về, nhưng CLB Đồng Tháp giờ đã là “con nợ” khi số tiền nợ cầu thủ ở mùa hạng Nhất vừa qua đã lên đến phần cần tối thiểu cho nửa mùa bóng chuyên nghiệp.
Với kiểu nợ chồng nợ đấy, bóng đá Việt Nam rất nhiều mà bằng chứng là những mùa qua, nhiều CLB đã rơi rụng, dù cái cách bỏ đội bóng, hay xóa tên một CLB, hoặc xin tạm dừng không tham gia V-League có khác nhau, nhưng chung quy vẫn thuộc về một nguyên nhân: CLB không gánh nổi nợ.
Và “mô hình” độc nhất của làng bóng nội
Cũng ông Đoàn Minh Xương chia sẻ với tư cách là một giảng viên Đại học, một cựu HLV, một chuyên gia bóng đá và hơn hết là một người đã và đang đầu tư rất nhiều cho công tác phát triển bóng đá trẻ, ông Xương đặt câu hỏi: “Nếu ở các nước, mặt bằng bóng đá được xây dựng theo mô hình của hình chóp với phần đáy là bóng đá trẻ, bóng đá phong trào… thì bóng đá Việt Nam lại chọn mô hình “thiếu nữ”.
Đó là phần đỉnh V-League phình ra như vòng 1 cô thiếu nữ với 14 đội, trong khi hạng Nhất tóp lại chỉ 8 đội và được xem là vòng 2. Đến giải hạng Nhì, hạng Ba thì lại phình ra với hàng chục đội và có khác gì với vòng 3 của cô thiếu nữ”.
Ông Xương cho rằng đấy là mô hình độc nhất trong làng bóng nội của ta và nghiệt ngã là những nhà làm bóng đá vẫn cứ để phát triển như thế mà chẳng có những điều chỉnh cần thiết. Họa chăng việc điều chỉnh đấy chỉ là vì ít đội nên hạng Nhất cho đá 3 lượt đi, về và… thêm để các đội được đá nhiều hơn thì ít mà để nuôi bộ máy làm nhiệm vụ có thêm việc làm, thêm tiền thì nhiều (?!).
"Bóng đá Việt Nam đang đi theo mô hình “thiếu nữ”", theo chuyên gia Đoàn Minh Xương
Bóng đá Việt Nam hầu hết các CLB đều lệ thuộc vào đồng tiền của doanh nghiệp, nhưng nguy hiểm là đồng tiền đấy được làm ra từ chỗ khác và đổ vào nuôi hoặc cho bóng đá theo kiểu “Tôi nuôi đội bóng thì tỉnh cho tôi cơ chế thoáng để làm ăn chuyện khác, hay cho đất vàng để kinh doanh”. Cũng có đội bóng, công ty “mẹ” làm ăn nhiều tiền quá và dư dả quá nên nhận nuôi đội bóng với mục đích làm sao xài càng nhiều tiền càng tốt để hợp thức hóa khoản chi lẫn khoản “rơi rụng” vào nhiều ngả.
Một khi mà đội bóng hay CLB sống bằng tiền không phải của mình, hay chính công ty cổ phần bóng đá của các CLB mà không tự kiếm được tiền mà chỉ xài tiền và chia tiền thì đời sống của họ sẽ rất khó thọ mà hoàn toàn lệ thuộc vào mục đích của ông chủ ở trên.
Sự mất cân đối ở V-League lệ thuộc vào đồng tiền của doanh nghiệp. Như B. Bình Dương dư dả và rủng rỉnh nên mua hết hàng quý hiếm của bóng đá Việt Nam bởi ông chủ làm ăn được và chịu rót tiền nên khoảng 35 tỉ đồng đăng ký mỗi mùa có khi chỉ là số lẻ của họ. Trong khi đó, những đội như HV An Giang mùa trước vừa đá vừa lo giải ngân đến lúc nợ chồng chất không giải ngân được thì “bùng” để lại một đống nợ và đẩy nhiều cầu thủ vào cảnh bơ vơ. Hay K. Kiên Giang trước đây cũng thế.
Thậm chí là những đội từng được ví là đại gia như Navibank Sài Gòn, V. Ninh Bình hay XM Xuân Thành SG, họ không tồn tại là vì tính mục đích của ông chủ với những dự án làm ăn với địa phương bất thành và thế là buông đội bóng mà không thương tiếc.
Bóng đá Việt trong hình hài người thiếu nữ không phải là bóng đá chuyên nghiệp mà đúng như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh từng thừa nhận đấy chỉ là nghiệp dư lĩnh lương cao.
Làm sao để bóng đá Việt thoát khỏi hình hài người thiếu nữ nằm ở chỗ những bộ máy điều hành có chịu cải tổ và làm mới nền bóng đá, hay cứ để phát triển một cách tự nhiên và tùy thuộc “vòng eo” người thiếu nữ, hay độ nở ngoài “quy hoạch” của “vòng 1, vòng 3”…