Sự im lặng đáng sợ của giám sát
VPF tiết lộ những trận đấu sắp tới sẽ nhờ lực lượng an ninh đến sân xem bóng đá nhằm phòng, chống tiêu cực.
Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc cho biết hai cơ quan an ninh C45 và A83 sẽ cử người theo dõi các trận đấu tại V-League thay vì chỉ hỗ trợ từ xa. Những trận đấu gần đây, dư luận và các cơ quan truyền thông lên tiếng nghi vấn có tiêu cực nên VPF thấy cần thiết phải có biện pháp phòng, chống mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, những vòng đấu cuối thường có nhiều biến động, từ việc ảnh hưởng đến khả năng đua vô địch và tranh trụ hạng. Vì vậy VPF phải hành động để khuyến cáo các đội bóng nói không với tiêu cực.
Động tác của VPF dẫu muộn còn hơn không, sau hàng loạt biểu hiện đáng ngờ từ cầu thủ đến trọng tài; khi VPF mất cả tỉ đồng cho công ty phân tích dữ liệu Sportradar mỗi mùa giải thế mà vẫn không phát hiện được kiểu đánh độ bằng “tiền tươi thóc thật” đang tồn tại ở Việt Nam.
Điều đáng nói hơn là bộ phận “an ninh trong nhà” mà điển hình là lực lượng giám sát trận đấu, giám sát trọng tài mà làng bóng hay gọi là cánh tay nối dài của ban tổ chức (BTC) chẳng bao giờ chỉ ra được gì cả. Cứ như là họ đến sân để xem rồi đặt bút phê và về, bất chấp việc mất niềm tin của khán giả và những trò mèo trên sân khi thì do cầu thủ, lúc lại là trọng tài.
Những người có chuyên môn không khó để ngửi ra mùi tiêu cực, nhưng họ lại không dám thể hiện chính kiến trên sân. Ảnh minh họa: XUÂN HUY
Các nhân vật này hầu hết đều xuất thân từ bóng đá, kinh nghiệm lão luyện, hiểu biết các ngóc ngách và có trình độ nghiệp vụ hơn hẳn những người không biết bóng đá được mời đến sân để “ngửi mùi tiêu cực” của bóng đá.
Bằng con mắt nhà nghề của mình, các giám sát trận đấu và giám sát trọng tài rất khó hoặc không thể bị đánh lừa, nếu họ chịu làm theo đúng chức năng và nhiệm vụ. Họ sống lâu trong làng bóng với đôi mắt nghiệp vụ tinh tường và khả năng phân tích trận đấu, tình huống sắc bén nên không dễ ai múa rìu qua mắt thợ.
Tiếc là một bộ phận không nhỏ lực lượng ấy làm việc theo kiểu công chức, sáng cắp ô đi chiều vác ô về, nên các giải chuyên nghiệp vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu. Trong khi dư luận và giới quan sát thông thường đặt ra nhiều vấn đề nguy cấp về nghi vấn ở một số trận đấu đến nỗi VFF, VPF phải lên tiếng răn đe, khuyến cáo thì những “nhà an ninh” đặc biệt của các nhà tổ chức vẫn lặng lẽ và thiếu chính kiến có phải là điều bất bình thường?
Những con mắt nhàn nhạt ấy giống như các camera được lắp ở khu phố mất trộm vẫn xảy ra mà không muốn, hoặc không tìm ra thủ phạm.
Ai cũng hiểu các giám sát luôn phải hiểu và biết ăn cây nào rào cây nấy để còn có mùa sau tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Nhưng luật im lặng trong sự bồn chồn của làng bóng khiến họ chẳng khác gì cái bóng.
Ai cũng hô hào công tác chống tiêu cực phải tiến hành đồng bộ từ nhiều cấp, đáng tiếc là có một đội ngũ lành nghề ngay trong nhà lại đánh mất tác dụng.
Đó là trường hợp trước đây của giám sát Nguyễn Văn Vinh. Trong một mùa giải, ông ngồi trên sân Bình Dương đặt bút phê trận Bình Dương - Khánh Hòa thi đấu bất thường, đồng thời đề nghị BTC có hình thức xử lý thích đáng vì cầu thủ thi đấu không đúng với khả năng chuyên môn của mình. Tiếc là số ít những bút phê trung thực và đầy trách nhiệm đấy lại bị xem là làm khó BTC. Ông Vinh hồi đấy còn được đề nghị sửa nhận xét để không làm khó cho BTC nhưng ông kiên quyết giữ nguyên chính kiến. Sau lần đấy, BTC ái ngại và nói bóng nói gió với ông Vinh. Ông Vinh là người có lòng tự trọng nên từ đó ông rút lui không làm giám sát nữa. |