Sốc với điều luật đặc biệt Kane định dùng để rời Tottenham, chỉ tốn 40 triệu bảng
Kane đủ điều kiện để sử dụng một điều luật đặc biệt cho phép anh tự chuộc mình khỏi Tottenham.
Trong lúc tương lai của Harry Kane đang gây ra nhiều xì xào trong dư luận London, mới đây giám đốc điều hành của Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) đã có một phát biểu rất đáng chú ý. PFA có vẻ sẵn sàng đứng ra can thiệp cho Kane trong việc quyết định tương lai của mình ở Tottenham.
Harry Kane vẫn đang tìm cách rời Tottenham dù đã trấn an dư luận
Đầu tuần này nội bộ Tottenham đã rối ren sau khi Kane có quyết định không xuất hiện ở buổi tập sáng thứ hai của CLB, cũng không đến để làm xét nghiệm Covid-19. Sau hơn một ngày phản ứng dư luận dữ dội, lại có thông tin rằng Kane do vừa từ quần đảo Bahama về nên sẽ phải cách ly ít nhất 5 ngày trước khi tập được, nhưng thông tin này bị đánh giá là chỉ nhằm xoa dịu dư luận và không làm thay đổi ý định của tiền đạo người Anh.
Mới đây giám đốc điều hành Maheta Molango đã đưa ra một phát ngôn đáng chú ý rằng PFA có thể sẽ giúp Kane nếu anh cần. “Chúng tôi chưa được hỏi ý kiến để hòa giải nhưng nếu Kane cần, chúng tôi sẽ sẵn sàng giúp vì đó là trách nhiệm của PFA đối với một thành viên của hiệp hội”, ông Molango nói.
Trong quá khứ thực tế PFA đã không ít lần can thiệp giúp các cầu thủ, tiêu biểu là với Florent Malouda ở Chelsea và Carlos Tevez ở Argentina. Tuy nhiên với 2 trường hợp vừa đề cập, vấn đề nằm ở kỷ luật nội bộ hơn là chuyện chuyển nhượng bởi Malouda bị đuổi khỏi đội 1 và bắt xuống đội U21 tập, trong khi Tevez tự ý bỏ về Argentina. Kane vẫn còn 3 năm hợp đồng và PFA không thể khuyên Kane tự ý phá hợp đồng.
Nhưng PFA thì có thể gợi ý cho Kane giải pháp để đào thoát và mới đây dư luận đã dấy lên một khả năng Kane sẽ áp dụng điều luật Webster để phá hợp đồng với Tottenham. Điều luật Webster có từ năm 2004, cho phép bất cứ cầu thủ nào ký một hợp đồng thi đấu trước năm 28 tuổi có quyền chuộc mình khỏi hợp đồng đó khi nó đã kéo dài được 3 năm. Đây là một điều luật bị FIFA cản trở quyết liệt liên quan đến vụ chuyển nhượng của hậu vệ Andy Webster, nhưng bị tòa án trọng tài thể thao quốc tế CAS thông qua.
Andy Webster, cựu cầu thủ người Scotland và là người mang tên của điều luật chuyển nhượng Webster
Các CLB có luật bất thành văn với nhau rằng họ sẽ tránh mọi trường hợp tận dụng luật Webster. Nói đơn giản là do Harry Kane không có đủ tiền để tự chuộc mình nên phải nhờ Man City bỏ số tiền đó ra. Nhưng nếu Man City chi tiền giúp Kane phá hợp đồng, các CLB lớn khác cũng sẽ tận dụng điều luật Webster và các CLB nhỏ hơn sẽ mất hàng tỷ euro vì ngôi sao của họ đào tẩu sang các CLB lớn hơn với giá rẻ mạt, dẫn đến sự biến dạng hay thậm chí sụp đổ hệ thống bóng đá hiện tại.
Hợp đồng còn 3 năm của Kane với Tottenham chỉ có trị giá 40 triệu bảng và Man City sẽ rất vui lòng trả số tiền đó, nhưng vấn đề là liệu họ có dám phá vỡ hệ thống chuyển nhượng hiện tại để có lợi ích tức thời, nhưng đổi lại là sự tẩy chay và từ chối làm ăn cùng của các CLB khác? Chưa kể Tottenham chắc chắn sẽ đưa sự việc ra tòa để kiện tụng nhằm đòi bồi thường thỏa đáng.
Trong lịch sử chỉ 2 cầu thủ từng tận dụng luật Webster để chuộc mình là Tony Sylva và Jonas Gutierrez, và chưa có vụ chuyển nhượng nào dành cho các siêu sao danh tiếng có tận dụng luật Webster. Kane đạt điều kiện để có thể dùng luật đó để rời Tottenham, nhưng anh sẽ phải cân nhắc hơn thiệt bởi hệ quả sẽ là cực kỳ lớn.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi Harry Kane "nổi loạn" đòi rời Tottenham, người đồng đội thân thiết của anh, Son Heung Min có hành động bất...