SỔ TAY: VFF thích đứng... ngoài cuộc
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, có 2 vụ tranh chấp giữa cầu thủ và CLB xảy ra, liên quan đến vấn đề tiền bạc. Điều đáng chú ý là trong cả 2 vụ tranh chấp ấy, VFF với tư cách là cơ quan điều hành bóng đá nội dường như chọn cách đứng ngoài cuộc...
Đầu tiên là vụ cầu thủ K.Kiên Giang gửi đơn “kêu cứu khẩn cấp” đến VFF, phản ánh tình trạng K.Kiên Giang không thanh toán tiền lót tay, tiền lương cho họ. Thế nhưng, hơn 1 tháng qua đi, lá đơn kêu cứu này vẫn chìm vào thinh không.
Mới vài ngày trước, đến lượt 2 cầu thủ Chí Công và Đình Đức của B.Bình Dương đòi kiện đội bóng chủ quản, vì bị ngưng hợp đồng trước thời hạn, và bị đòi lại một phần tiền tạm ứng cho phí lót tay.
Điều đáng nói là trong cả 2 vụ nổi cộm này, VFF với tư cách là cơ quan điều hành cao nhất của bóng đá nội lại dường như đứng ngoài cuộc. Chính thái độ đấy của VFF khiến cho cầu thủ khi đụng đến vấn đề liên quan đến quyền lợi chẳng biết kêu ai.
Vụ cầu thủ Chí Công kiện B.BD vẫn đang lùm xùm
Ở đây thấy rõ là bóng đá nội đang tồn tại khoảng trống về mặt pháp lý không hề nhỏ, khiến cho chuyện tố nhau xảy ra mỗi lúc một nhiều. Cũng thấy rằng bóng đá Việt Nam hiện nay đang thiếu một hội nghề nghiệp, kiểu như Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp mà các nước vẫn có.
Cầu thủ nội đa số có trình độ văn hóa không cao. Thế nên, có khả năng là trước khi đặt bút ký vào các bản hợp đồng với đội bóng chủ quản, họ không lường hết những lắt léo trong các bản hợp đồng này. Để đến khi có tranh chấp, CLB chủ quản của các cầu thủ luôn tự tin nắm chắc phần thắng.
Nếu có Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp, đấy sẽ là nơi để giới cầu thủ Việt Nam tham khảo trước khi đặt bút ký các bản hợp đồng. Đồng thời đấy cũng là nơi để giới quần đùi áo số kêu cứu, trong trường hợp xảy ra tranh chấp với CLB.
Và nếu có Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp, chưa chắc VFF thờ ơ đến thế khi quyền lợi của cầu thủ bị đe dọa, bởi Hiệp hội này sẽ thay mặt cầu thủ để đấu tranh với chính VFF nhằm đòi hỏi quyền lợi nghề nghiệp chính đáng cho những người cần được bảo vệ.