So tài Ronaldo-Messi: M10 so với Maradona, còn CR7? (P4)
Messi đã, đang và sẽ luôn được đặt lên so sánh với các bậc tiền nhân vĩ đại, trong khi Ronaldo thì không. Vì sao, và liệu Messi có xứng đáng được như thế?
Cuộc đối đầu Ronaldo-Messi đã nóng trở lại gần đây. Ronaldo ghi bàn trong 3 trận liên tiếp và tổng cộng 13 bàn trong 9 trận gần nhất, trong khi Lionel Messi đã ghi bàn liền 4 trận và 15 bàn trong 10 trận gần đây. Messi (21 bàn) gần bắt kịp Ronaldo (27 bàn) về số bàn thắng ở La Liga, còn Ronaldo (13 bàn mùa này, 90 bàn cả sự nghiệp) đã bỏ xa Messi (5 và 82) về bàn thắng ở Champions League. Nhưng những con số đó có thực cho thấy một sự ngang ngửa về đẳng cấp giữa hai ngôi sao? Và họ có thể giành được gì khi kết thúc mùa giải? Hãy cùng đi sâu phân tích vào những con số và ảnh hưởng của Ronaldo và Messi. |
Một ngày nào đó khi Cristiano Ronaldo và Lionel Messi giải nghệ, họ sẽ cùng được đánh giá là những danh thủ vĩ đại nhất của thời đại mà họ thi đấu. Nhưng Messi đã, đang và sẽ luôn được đặt lên so sánh với các bậc tiền nhân vĩ đại, trong khi Ronaldo thì không. Vì sao, và liệu Messi có xứng đáng được như thế?
Pele, Maradona, Messi và Ronaldo đã gây ảnh hưởng tới bóng đá theo những cách khác nhau
Bất lợi của Ronaldo
Lý do Ronaldo không được mấy ai đem ra so sánh với những danh thủ vĩ đại như Pele hay Diego Maradona, đơn giản là bởi vì hai điều: Thứ nhất, anh và Real Madrid bị Barcelona của Messi áp đảo trong thời của mình (Ronaldo thống trị thời của mình thì câu chuyện chắc chắn khác hẳn); Thứ hai, Ronaldo không có dấu ấn đặc trưng ở các giải đấu quốc tế.
Lý do thứ nhất là vì nếu Ronaldo không thể che mờ được Messi trong thời của mình thì sao người ta có động lực để mang anh ra so sánh với thế hệ xưa cũ. Nhưng còn lý do thứ hai? ĐT Bồ Đào Nha của Ronaldo thực ra đã vào tới chung kết EURO 2004, đứng hạng tư tại World Cup 2006 và vào bán kết EURO 2012, nhưng riêng cá nhân Ronaldo thì không có dấu ấn nổi bật nào.
Những gì đáng nhớ nhất về Ronaldo ở các giải đấu quốc tế lớn là bỏ lỡ cơ hội gỡ hòa ở chung kết EURO 2004 trước Hy Lạp, gây hấn với Rooney ở tứ kết World Cup 2006 và Bồ Đào Nha bị loại trên chấm luân lưu ở bán kết EURO 2012 mà CR7 chưa kịp sút.
Những Pele, Diego Maradona đều có khoảnh khắc đặc trưng của riêng họ ở các kỳ World Cup và họ sẽ luôn được nhớ đến nhất vì điều đó, không phải vì sự nghiệp CLB.
EURO 2004 là lần hụt chân đáng tiếc nhất trong sự nghiệp quốc tế của Ronaldo
Bóng đá BĐN đã xa “Thế hệ Vàng” được 10 năm rồi và Ronaldo đã làm hết sức có thể để gánh vác ĐTQG, nhưng cũng vì là ngôi sao nên anh luôn bị đổ lỗi (nhiều lúc hơi bất công) khi đội tuyển nhà thất bại. World Cup 2014 là một ví dụ khi Ronaldo bị “quy tội” để BĐN bị loại từ vòng bảng, dù anh đã đánh liều với chấn thương đầu gối để tới Brazil.
Cho đến khi Ronaldo có một khoảnh khắc anh hùng thực sự ở một sân khấu lớn như World Cup hay EURO khiến dư luận khâm phục, bây giờ khó để so sánh anh với những người hùng World Cup như Pele và Diego Maradona.
Messi vĩ đại tầm cỡ nào?
Đánh giá xem Messi với Pele và Maradona ai kỹ thuật giỏi hơn, ghi bàn tốt hơn thì quả thực là không thỏa đáng bởi họ chơi ở những kỷ nguyên khác nhau. Chúng ta sẽ chỉ nói xem Messi đã có ảnh hưởng lớn thế nào cho bóng đá khi so sánh với Pele và Maradona.
Messi, Maradona và Pele
Pele là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử. Màn trình diễn của ông năm 1958 biến World Cup thành giải đấu đại chúng nhất thế giới và màu áo Vàng – Xanh của ĐT Brazil nổi tiếng toàn cầu. Sức hút của Pele thậm chí có thể khiến nội chiến Nigeria ngưng lại 48 giờ để tất cả xem Pele chơi bóng.
Ngoài ra Pele trải qua phần lớn sự nghiệp bị “chặt chém” bởi hậu vệ đối thủ. World Cup 1970 đánh dấu lần đầu giải đấu này có thẻ đỏ lẫn quyền thay người, một phần ảnh hưởng bởi chấn thương của Pele ở World Cup 1966 khi ông bị gãy chân nhưng vẫn phải ở trên sân còn hậu vệ Bồ Đào Nha không bị đuổi.
Pele mang tới những bàn thắng để đời cho bất cứ ai có vinh dự theo dõi ông
Thế còn Maradona và Messi? World Cup 1986 sẽ luôn là cao trào trong sự nghiệp của ông, nhưng cũng không thể không nhắc đến Napoli. CLB này suýt xuống hạng năm 1984 và Maradona đặt chân tới đây để đưa họ tới 2 Scudetto. Serie A luôn là sân chơi của những đội bóng giàu có của những thành phố công nghiệp miền Bắc Italia, và Napoli của Maradona là đội bóng miền Nam hiếm hoi từng vô địch.
Một điều luôn khiến Maradona được yêu mến là ông đã luôn vào vai người hùng của những tầng lớp nghèo khổ cơ cực và những người yếu thế bị bắt nạt. Ông trưởng thành trong một gia đình nghèo và lớn lên nhờ bóng đá, và đưa Argentina vượt qua ĐT Anh năm 1986 khi dư âm chiến tranh Falkland giữa hai nước chưa nguôi.
Tại Napoli ông tiếp tục là ngôi sao của một CLB ở miền Nam Italia, vùng nghèo đói và bị kì thị nhất nước. Sân San Paolo là SVĐ duy nhất không la ó quốc ca Argentina ở World Cup 1990.
Maradona - người hùng của những người yếu thế
Maradona và Messi mang lại những giá trị khác nhau cho bóng đá. Ở Maradona chúng ta luôn có thể trông chờ những giây phút thiên tài không thể tin được, cũng như những khoảnh khắc thể hiện sự xảo quyệt, nhưng cũng có lúc cảm xúc không kìm nén được (thẻ đỏ ở World Cup 1982, ẩu đả chung kết Cúp nhà Vua 1984, bật khóc sau chung kết World Cup 1990). Maradona là một nhân cách phức tạp mà bất cứ ai cũng muốn theo dõi và có thể khơi gợi mọi cảm xúc cho người xem.
Còn giá trị tuyệt vời nhất của Lionel Messi nằm ở chỗ, anh vừa có thể mang tới những giây phút người hùng giống như Maradona, và cùng lúc đó giúp tập thể của mình tốt hơn để đội bóng có được sự thống trị tuyệt đối trên sân cỏ. Messi có thể rê qua 4 hậu vệ Bilbao để ghi bàn ngày hôm nay và sau đó nhường penalty cho Neymar sút ngày hôm sau, miễn sao đoạt những chức vô địch.
Vậy nên Messi được so sánh với Pele và Maradona và các huyền thoại khác cũng là dễ hiểu. Cái Messi cần chỉ là một danh hiệu danh giá cùng ĐTQG nữa mà thôi!
Messi không chỉ là nhà giải trí, mà còn là kẻ thống trị của bóng đá