So sánh hàng công nhóm Big 7 Ngoại hạng Anh: MU có Hojlund vẫn đứng sau nhiều đội
Hàng công MU so thế nào với các đội Big 7 khác sau khi bổ sung Hojlund?
Mùa chuyển nhượng hè châu Âu đang đi vào tháng cuối cùng trước khi đóng cửa và lúc này các CLB đã tiến hành việc mua sắm tương đối đầy đủ so với nhu cầu. Các vị trí tấn công vẫn được chú ý nhất đơn giản vì ghi bàn là khâu quan trọng nhất của bóng đá, trong đó mới đây MU đã bổ sung Rasmus Hojlund từ Atalanta, vậy các đội Big 7 giờ đang có hàng công như thế nào?
Man City vẫn có hàng công mạnh nhất Premier League nhưng đội nào có thể thách thức họ?
1- Man City: Erling Haaland, Julian Alvarez, Jack Grealish, Phil Foden, Cole Palmer, Kevin De Bruyne, Bernardo Silva.
Mùa này sẽ là lúc Cole Palmer thể hiện xem mình có xứng đáng với vị trí trong đội 1, và nếu anh làm được sức mạnh tấn công của Man City sẽ không thay đổi nhiều dù Riyad Mahrez đã ra đi và một nguồn ghi bàn từ tuyến tiền vệ là Illkay Gundogan chuyển sang Barca. Ở vị trí cao nhất Haaland và Alvarez đều quá chất lượng, trong khi cánh trái Palmer sẽ học hỏi nhiều từ Grealish và ở giữa De Bruyne sẽ dần để Foden đá vị trí của mình nhiều hơn do đã có tuổi.
Chỉ có cánh phải là gây lo lắng bởi sau Mahrez, có thể cả Bernardo Silva sẽ ra đi do sự theo đuổi của Barcelona. Man City đang nhắm Michael Olise của Crystal Palace và nếu thành công họ sẽ lại an tâm bước vào mùa bóng với chất lượng và chiều sâu hàng công đảm bảo.
2 - Arsenal: Gabriel Jesus, Eddie Nketiah, Bukayo Saka, Reiss Nelson, Gabriel Martinelli, Leandro Trossard, Martin Odegaard, Emile Smith Rowe, Fabio Vieira, Kai Havertz. Có thể cả Folarin Balogun.
Không kém Man City, hàng công Arsenal rất có chiều sâu và năm nay họ còn có Declan Rice ở hàng tiền vệ để thay Granit Xhaka cung cấp bóng. Vị trí hộ công rất dày với Odegaard, Smith Rowe và Havertz đều đá "số 10” ổn còn Vieira dùng được ở các trận đá cúp gặp đối thủ yếu, nhiều khả năng một trong số họ sẽ được cho lùi xuống đá cùng Rice. Dự bị cho Saka và Martinelli ở 2 cánh đều rất khá, riêng Trossard cũng đá chính được.
Arsenal đang rất dày quân ở tuyến tiền đạo nhưng chính vị trí đá cắm lại không bảo đảm
Mối lo lại chính ở vị trí tiền đạo cắm: Gabriel Jesus chấn thương khá nhiều mùa trước và đầu mùa này anh lại nghỉ vài tuần nên không thể nói trước điều gì. Nketiah không đủ cơ động nên HLV Arteta đã phải đưa Trossard vào đá thay ở giai đoạn nửa cuối mùa, do đó giữ lại Balogun xem ra sẽ là một lựa chọn khôn ngoan hơn là bán tiền đạo này.
3 – Liverpool: Darwin Nunez, Mohamed Salah, Diogo Jota, Cody Gakpo, Luis Diaz, Harvey Elliott, Dominik Szoboszlai.
Trượt top 4 mùa trước nhưng hàng công Liverpool vẫn ghi bàn nhiều thứ 3 chỉ sau 2 đội tranh ngôi vô địch mặc dù tuyến giữa mùa trước đã xuống phong độ đáng kể. Mùa này họ vẫn giữ được bộ khung tấn công đó với sự bổ sung Szoboszlai, người về mặt vị trí là tiền vệ trung tâm nhưng hoạt động khá giống Kevin De Bruyne. Nunez và Gakpo đều đã làm quen với môi trường mới và riêng Gakpo cho thấy anh thừa sức thay được Roberto Firmino, trong khi Luis Diaz đã trở lại sau chấn thương dài hạn.
Vấn đề là sau Salah Liverpool không thực sự có một người thay tốt cho vị trí tiền đạo cánh phải, Elliott là một cầu thủ nửa nọ nửa kia – không đủ nhanh để đá tấn công và cũng không đủ cơ bắp để đá tiền vệ. Ngoài ra việc cả Diaz và Nunez có xu hướng dạt trái sẽ là một vấn đề Jurgen Klopp cần nghiên cứu, nhưng có lẽ ông sẽ mừng là mình có quân để dùng nếu “bão” chấn thương xuất hiện.
4 – Newcastle: Alexander Isak, Callum Wilson, Elliot Anderson, Anthony Gordon, Harvey Barnes, Ryan Fraser, Miguel Almiron, Jacob Murphy.
Eddie Howe đang định hình cách đá thiên về phối hợp ở Newcastle với các cầu thủ tấn công đều chơi dựa vào ban bật và chạy chỗ, chỉ Gordon được đánh giá là một cầu thủ rê dắt giỏi. Allan Saint-Maximin đã bị bán đi vì lạc lõng trong cách chơi mới của Newcastle, thay vào đó đất diễn sẽ được dành cho tân binh Harvey Barnes và Elliot Anderson.
Newcastle ngày một thiên về ban bật trong tấn công với chỗ dựa là các trung phong hoạt động rộng cho Isak
Phong độ của Isak và Wilson sẽ khá quan trọng bởi họ hoạt động rộng, trong khi Newcastle không có một tiền vệ kiến thiết kiểu De Bruyne hay Fernandes. Mùa trước họ chủ yếu dựa vào hậu vệ phải Kieran Trippier (dẫn đầu đội về số kiến tạo) và Howe đang muốn đa dạng lối chơi thay vì dựa mãi vào các pha đánh biên & bóng chết.
5 - MU: Rasmus Hojlund, Anthony Martial, Marcus Rashford, Alejandro Garnacho, Jadon Sancho, Bruno Fernandes, Antony, Mason Mount.
Một câu hỏi lớn cho Erik Ten Hag: Ông có dám tin vào một cầu thủ đá cánh phải thực thụ như Antony, hay tiếp tục dí Fernandes vào vị trí đó mặc dù Fernandes là một số 10? Sự bổ sung Mount nhiều khả năng sẽ khiến Ten Hag đi theo con đường thứ hai bởi cho tới lúc này Antony chưa cho thấy sự hiệu quả dù múa may xoay compa khá nghệ thuật.
Hojlund đến chắc chắn sẽ được đá chính và gạt Martial ra ngoài, và Ten Hag không phải lo cánh trái lắm bởi Rashford lẫn Garnacho đều ổn. Vấn đề cho MU là họ sẽ tấn công thiên quá nhiều vào cánh trái (Hojlund cũng thường xuyên dạt trái) nên theo thời gian đối thủ có thể bắt bài được, lúc này cánh phải của MU là vị trí đáng lo nhất của hàng công khi chất lượng của cầu thủ đá chính không cao còn dự bị gần như không có.
6 – Tottenham: Harry Kane, Richarlison, Dejan Kulusevski, Son Heung Min, Manor Solomon, James Maddison.
Mùa qua dù cả đội đá khá thảm nhưng Kane vẫn ghi tới 30 bàn và chưa có dấu hiệu đi xuống phong độ. Năm nay anh sẽ có James Maddison và cả Giovani Lo Celso giúp sức để không phải lùi xuống giữa sân nhiều nữa, trong khi Son Heung Min đã hết thoát vị thành bụng. Richarlison và tân binh Manor Solomon đã thể hiện khá tốt trong các trận giao hữu đầu mùa nên hãy chờ xem họ có đá tốt như vậy trong các trận chính thức.
Cả hàng tiền đạo Tottenham dựa vào khả năng của Kane
Vấn đề cho Tottenham là cánh phải của họ ngoài Kulusevski sẽ không có thêm ai khác nên cầu thủ người Thụy Điển mà chấn thương là rất phiền phức. Chưa hết, Richarlison dường như không hoạt động ổn khi đá cạnh Kane và Son bởi anh dù đá cắm nhưng hay dạt trái, tức dẫm chân lên cả hai người.
7 – Chelsea: Nicolas Jackson, Armando Broja, Christopher Nkunku, Noni Madueke, Raheem Sterling, Mykhaylo Mudryk.
Mặc dù chuyển nhượng của Chelsea khá khó hiểu nhưng những gì Jackson và Nkunku thể hiện trong tour du đấu cho thấy bộ đôi này rất có tương lai tươi sáng bởi khả năng phối hợp một chạm rất nhạy của họ, đặc biệt là Jackson. Ngoài ra Mudryk cũng đã chơi không tệ trong các trận đấu đó, có vẻ HLV Pochettino biết dùng anh hơn so với Potter và Lampard.
Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều sự bất định: Ai dự bị cho Nkunku? Sterling hay Mudryk đá chính nếu Pochettino chỉ dùng 2 tiền đạo? Sau Madueke thì còn ai đá cánh phải? Đó là chưa kể sự ngổn ngang của hàng tiền vệ với chỉ Enzo Fernandez chắc suất (nhưng khả năng lên bóng của Enzo là rất xuất sắc). Tạm thời chỉ vị trí đá cắm là ổn bởi sau Jackson còn có Broja dù phong độ của Broja thế nào sau chấn thương dài hạn còn phải chờ xem.
Nguồn: [Link nguồn]
Với Rasmus Hojlund, MU hứa hẹn sẽ có một hàng công đáng mơ ước. Chỉ riêng khoản tiền chuyển nhượng, "Quỷ đỏ" đã tốn đến 270 triệu euro.