So sánh Công Vinh như Beckham có gì sai?
Có bao giờ, Lê Công Vinh mong ước trở thành 1 David Beckham trên sân bóng, chứ không phải là hình ảnh ví von “Beckham của Việt Nam” đi kèm những khen chê của dư luận?.
Chuyện của Công Vinh: Nghịch lí “người ngoài – người nhà”
Những ngày qua, dư luận đang lan truyền rộng rãi bài viết về tiền đạo Lê Công Vinh do website chính thức của Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) thực hiện. Sử dụng số liệu thống kê vô cùng chi tiết, bài viết ca ngợi Công Vinh là ngôi sao lớn, chân sút số 1 lịch sử bóng đá Việt Nam cùng biệt danh "Beckham của Việt Nam".
Bài viết so sánh Công Vinh với cựu danh thủ David Beckham của trang fifa.com đang làm dậy sóng cộng đồng người hâm mộ bóng đá Việt Nam
Nhưng trớ trêu thay, bài viết này nhanh chóng rơi vào “tâm bão” bởi chính cộng đồng người hâm mộ bóng đá ở dải đất hình chữ S. Nhiều ý kiến cho rằng, việc so sánh Công Vinh với cựu danh thủ lừng lẫy của nước Anh là sự khập khiễng đến lố bịch, bởi khoảng cách giữa các nền bóng đá, dấu ấn và tầm ảnh hưởng họ tạo dựng được trong sân cỏ lẫn ở cuộc sống ngoài sân bóng.
Vì đâu mà nảy sinh những mâu thuẫn về cái nhìn giữa “người ngoài” và “người nhà” về Lê Công Vinh?
Mò mẫn hồi lâu trên website Fifa.com, người viết phát hiện ra một điều khá thú vị: Bài viết đầu tiên đề cập riêng về Công Vinh đã xuất hiện cũng trên Fifa.com từ ngày 16/4/2007, trước cả thời điểm anh bắt đầu hẹn hò với “nàng Victoria Việt Nam”, ca sỹ Thủy Tiên.
Ngoài nhiều mỹ từ cho tiền đạo xứ Nghệ kiểu như “Ở tuổi 21, Công Vinh được xem là tiền đạo tốt nhất mà bóng đá Việt Nam sản sinh kể từ thời Lê Huỳnh Đức”, tác giả còn tiết lộ, thần tượng số 1 của Công Vinh chính là Luis Figo.
Thông tin này cho thấy tác giả trên website của FIFA đã bỏ không ít thời gian, công sức theo dõi Công Vinh và có hiểu biết nhất định về tiền đạo đội trưởng hiện tại của đội tuyển Viêt Nam. Việc gọi Công Vinh bằng “Beckham Việt Nam” cũng chính là sự đúc kết từ những hiểu-biết-mang-tính-cá-nhân của anh ta.
Chuyên nghiệp & “giả tạo”
Công Vinh vốn nổi tiếng là một người cực kì khéo léo, hành động chuyên nghiệp cả trong và ngoài chuyên môn. Chỉ cần nhìn vào cái cách anh tự tin trả lời phỏng vấn, tiên phong cho trào lưu mua bảo hiểm đôi chân, tìm đến con đường học vấn để chuẩn bị cho cuộc sống hậu trái bóng tròn là đủ hiểu.
Nhưng cảm giác như càng khéo léo, chuyên nghiệp bao nhiêu, người ta lại nói nhiều tới chuyện Công Vinh có vẻ “không thật” bấy nhiêu. Và phải chăng, NHM đang dần hình thành nên những ngộ nhận giữa khái niệm “chuyên nghiệp” và “giả tạo” mỗi khi đề cập đến Công Vinh?
Cộng với tháng năm sống dưới cái bóng của người đàn anh đồng hương Văn Quyến, hay vô tình bước chân vào giới showbiz đầy thị phi qua cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng cô ca sĩ xinh đẹp, Công Vinh có vẻ càng xa hơn với thứ gọi là "sự thừa nhận" từ người hâm mộ vốn hay nhìn nhận bằng sự yêu ghét rõ ràng.
David Beckham, thời mới nổi tiếng toàn thế giới cũng bị chính người dân Anh chỉ trích lẫn ông thầy Alex Ferguson không ưa vì “thích chải tóc hơn đá bóng”. Giờ đây, anh trở thành thương hiệu toàn cầu.
Công Vinh giống với Beckham ở chỗ giỏi đối diện với "bão" và tự vươn lên để nắm lấy cơ hội của anh. Liệu còn ai nhớ trong năm tiền đạo xứ Nghệ giành Quả bóng Vàng Việt Nam lần đầu tiên (2004), Văn Quyến lúc ấy vẫn đang ở đỉnh cao phong độ và chưa dính vào cú “phốt” bán độ, nhớ tới những danh hiệu của Vinh và cả pha đánh đầu trong trận chung kết AFF Cup 2008 giúp Việt Nam đăng quang?
Tranh cãi bất tận
Trở lại bài báo làm dậy sóng dư luận từ Fifa.com, có đoạn Công Vinh nói về vinh dự khi được so sánh với David Beckham: “Tôi không thích lắm khi người ta đưa ra sự so sánh này. Tôi là Lê Công Vinh, không phải David Beckham”.
Có bao giờ, Công Vinh ước mình chỉ là Beckham thực sự trên sân bóng, chứ không phải hình ảnh ví von "Beckham Việt Nam"?
Câu nói thể hiện ước mơ nhỏ nhoi của Công Vinh (cũng như những người ghét anh). Có người cũng băn khoăn, tại sao tiền đạo xứ Nghệ không ước mong mình trở thành… một Beckham bằng xương bằng thịt trên sân bóng, hay thậm chí thành danh như thần tượng Figo của mình, chứ không phải là sự chấp nhận cụm từ ví von “Beckham Việt Nam”, để rồi có lúc anh "hứng bão" từ dư luận?!
Có fan bóng đá ghét Cristiano Ronaldo vì thói kiêu ngạo, ghét Lionel Messi vì những câu chuyện ngoài chuyên môn, và rồi có lúc họ phải mỏi mắt đi tìm “Messi Việt Nam”, Ronaldo Việt Nam”. Vậy sự kiện một cầu thủ được báo giới quốc tế xưng tụng như “Beckham Việt Nam” có đáng gây tranh cãi ngay ở quê hương mình?
Từ Công Vinh, người ta càng lo sợ hơn cho những tài năng đã và đang nở rộ nhưng “trót” bị ghét bỏ chỉ vì bị gán cho một cái tên không phải của họ, hay dính dáng tới giới showbiz…
Công Vinh được giới truyền thông chú ý, đó là một phần của cuộc sống bóng đá. Anh nhận những lời đàm tiếu về chuyện riêng của mình như chuyện thường đến với những người nổi tiếng. Nhưng người ta hãy quan tâm nhiều hơn tới những gì anh đã và đang làm được trên sân cỏ, đóng góp cho bóng đá Việt Nam trong những năm qua, thay vì chăm chú đi soi những phát ngôn của Công Vinh.
* Video màn trình diễn của Công Vinh ở trận Việt Nam gặp Đài Loan Trung Quốc (Bản quyền thuộc VTV):
Năm 2010, Công Vinh dính án kỉ luật vì sự cố vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh và bất ngờ hé lộ ý định giải nghệ. Gần như ngay lập tức trên Facebook,, xuất hiện "Hội những người ủng hộ Công Vinh giải nghệ", "Hội những người đề nghị Công Vinh giải nghệ", hay "Anti Công Vinh - Thuỷ Tiên" thu hút gần 8 ngàn người tham gia (Theo Wikipedia). |