Số phận của “Vua”
Trợ lý Dương Ngọc Tân qua đời vì bài kiểm tra thể lực đã gây ra cú sốc lớn cho giới trọng tài Việt Nam. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là câu chuyện về trách nhiệm của VFF và Ban trọng tài.
Trong bài kiểm tra thể lực ở lớp tập huấn trọng tài chuẩn bị cho giải hạng Nhất 2018, trợ lý Dương Ngọc Tân đã bị đột quỵ và phải nhập viện. Sau khi kiểm tra tại bệnh viện Xanh Pôn thì các bác sĩ cho rằng, Tân đã bị các vấn đề liên quan đến tim mạch.
Trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân (trái).
Tuy nhiên, sau đó trợ lý này còn bị phát hiện các vấn đề liên quan đến thận và phải chuyển sang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Và đến sáng 7-4 thì trợ lý này đã qua đời trong sự tiếc thương của gia đình và đồng nghiệp.
Trước cái chết của trợ lý Dương Ngọc Tân, trao đổi với người viết, Trưởng Ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi đã nói rằng, sự cố xảy ra thì rõ ràng VFF và Ban trọng tài nhận trách nhiệm. Theo ông, đây là sự cố hy hữu lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Qua sự việc này, điều mà ông muốn nhắn nhủ đến các trọng tài nói chung là: “Các trọng tài cần có trách nhiệm với cá nhân mình về vấn đề sức khoẻ. Bên cạnh việc kiểm tra sức khoẻ tổng thể, trong quá trình kiểm tra thể lực ở các buổi tập huấn, nếu thấy quá sức thì nên dừng lại, không nên cố, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra”.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra sức khoẻ cho các trọng tài trước các khoá tập huấn thì lại không được chú trọng. Đây là điều mà cá nhân ông Mùi cũng như VFF cần nhìn nhận đúng trách nhiệm.
Như ở số báo trước, trong bài “VPF đã tinh giản những gì?” mà CAND đã đưa, ở mùa giải năm nay, công tác tổ chức tập huấn trọng tài đã được VPF giao lại toàn bộ cho VFF tổ chức.
Như ở các mùa giải trước thì VFF phụ trách về công tác chuyên môn của trọng tài, còn VPF trực tiếp tổ chức việc tập huấn, trong đó có cả chi phí cho việc kiểm tra thể lực.
Tuy nhiên, việc kiểm tra thể lực được các trọng tài, trợ lý tiến hành trước đó và các cá nhân tự gửi kết quả về VFF trước kỳ tập huấn. Điều đó cũng có thể hiểu là kiểm tra sức khoẻ đã không được VFF thực hiện một cách kỹ lưỡng dẫn đến sự cố không may của trợ lý Tân.
Theo ông Nguyễn Văn Mùi thì BTC các lớp tập huấn căn cứ vào kết quả giấy khám sức khoẻ mà các trọng tài nộp lên làm căn cứ chính. Bộ phận y tế chỉ kiểm tra mắt, huyết áp, tim mạch.
Nói như ông Mùi, có nghĩa là ở đây các trọng tài đã không được kiểm tra sức khoẻ tổng thể mà BTC lớp tập huấn căn cứ vào giấy khám sức khoẻ mà các trọng tài gửi lên từ các địa phương. Đấy là điều nghịch lý khi các bài kiểm tra thể lực đối với trọng tài, trợ lý đều rất khắc nghiệt.
Cụ thể, căn cứ vào nội dung kiểm tra thì các trợ lý thi 2 phần bao gồm phần coda: chạy di chuyển tốc độ lên xuống 5 lần 30; chạy 6 lần 30m với thời gian 4.8 giây và chạy 10 vòng sân với 75m chạy bộ, 25m đi bộ.
Ở phần kiểm tra cho các trọng tài cũng áp dụng theo tiêu chuẩn của FIFA nhằm tăng cường sức bền. Phần thi chạy 10 vòng quanh sân được chia nhỏ vòng sân thành 4 lần chạy bước nhỏ 75m với tiêu chuẩn là 15 giây, đi bộ 25m trong quãng nghỉ 20 giây. Ngoài ra, các trọng tài sẽ phải chạy tốc độ 4 lần 60m trong thời gian 6.10 giây.
Nhìn vào các bài kiểm tra đó, có thể thấy vấn đề kiểm tra sức khoẻ cho các trọng tài, trợ lý là cần thiết như thế nào. Tuy nhiên, tất cả chỉ căn cứ vào “mảnh giấy” mà chính họ tự đưa lên sau khi kiểm tra y tế ở địa phương là việc làm rất qua loa.
VFF, Ban trọng tài sẽ nhận trách nhiệm sau sự cố của trợ lý Dương Ngọc Tân, thế nhưng qua vấn đề này, câu chuyện về đãi ngộ và quan tâm đến quyền lợi của các trọng tài cần đặt ra dấu hỏi. Trước đây, khi VPF ra đời, chế độ thu nhập của trọng tài đã được cải thiện đáng kể, có như vậy, các anh em trọng tài mới yên tâm làm nhiệm vụ, tránh những vấn đề tư tưởng.
Tuy nhiên, quyền lợi được chăm sóc sức khoẻ của các trọng tài dường như vẫn chưa được quan tâm một cách tử tế. Số phận của trợ lý Dương Ngọc Tân sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những người có trách nhiệm, cần phải khắc phục ngay tình trạng buông lỏng việc kiểm tra, theo dõi sức khoẻ của các “Vua” sân cỏ.
Nghề trọng tài vốn dĩ nhiều rủi ro, thậm chí đã từng tược gọi là “nghề nguy hiểm”, bởi lẽ họ hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng đến thân thể, tính mạng trong và ngoài sân bóng nếu như điều hành bất lợi cho một đội bóng. Tiếc thay, tính mạng của trợ lý Ngọc Tân lại mất đi trong trường hợp hy hữu, trong đó có phần trách nhiệm của những người quản lý trọng tài.
Trợ lý Tân qua đời ở tuổi 37 Trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân sinh năm 1981, bắt đầu sự nghiệp trọng tài bóng đá quốc gia từ năm 2007. Sau thời gian phấn đấu và thể hiện phẩm chất chuyên môn tại các giải ngoài chuyên nghiệp, trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân được đôn lên làm nhiệm vụ tại giải chuyên nghiệp hạng Nhất Quốc gia từ năm 2012 cho đến nay. Trong thời gian 10 năm tham gia công tác cầm cân nảy mực (4 năm làm giải ngoài chuyên nghiệp và 6 năm làm giải hạng Nhất quốc gia), trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và chưa từng gặp bất cứ sự cố nào về sức khỏe trong quá trình điều hành trận đấu cũng như trong các lần kiểm tra thể lực đầu và giữa các mùa giải. Sáng 7-4, đại diện lãnh đạo VFF, VFF, Ban trọng tài cùng gia đình đã đưa trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân về quê Yên Bái để lo hậu sự và tiễn đưa trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân về nơi an nghỉ cuối cùng.(H.H) |
Người nhận thưởng cao nhất ở U23 Việt Nam có 1,8 tỷ đồng.