SLNA sợ vết xe đổ của Nam Định
Năm nay chia tay 6 trụ cột, 1 năm nữa lứa Quế Ngọc Hải, Nguyên Mạnh cũng hết hợp đồng, SLNA đang đối mặt nguy cơ sẽ bị lụi tàn như bóng đá Nam Định khi mà cách làm không còn hợp thời đang đẩy bóng đá xứ Nghệ ngày càng tụt hậu
Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho biết vào tuần tới, nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á sẽ làm việc với CLB để chốt số tiền mà họ sẽ chuyển khoản cho đội theo bản hợp đồng mới. Sau khi có tiền tài trợ, đội bóng xứ Nghệ mới có kế hoạch cụ thể về chuẩn bị lực lượng cho mùa giải 2016.
Dù sắp có tiền nhưng ông Thanh không giấu được nỗi lo trước nguy cơ “chảy máu” tài năng dồn dập suốt mấy năm qua. “Đào tạo được bao nhiêu cầu thủ trẻ giỏi, hết lên tuyển quốc gia rồi đến đội U23 nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, SLNA năm nào cũng rơi vào cảnh mất người, cứ phải đôn tuyến trẻ lên trám chỗ. Để giữ một cầu thủ, kế hoạch chi tiêu của CLB sẽ bị thay đổi. Vấn đề tài chính khiến SLNA rất khó ngăn tình trạng “chảy máu” cầu thủ như thế này” - ông Thanh lo ngại.
Hôm qua, 22-10, SLNA phải nói lời chia tay đội trưởng Quang Tình vì không thể đáp ứng được yêu cầu lót tay hơn 1 tỉ đồng của tiền vệ này. Đau cho SLNA khi họ phải chứng kiến Quang Tình chuẩn bị gia nhập XSKT Cần Thơ với số tiền 1,6 tỉ đồng/năm, không cao hơn khoản tiền cầu thủ xứ Nghệ đề nghị bao nhiêu.
Quang Tình là cầu thủ mới nhất rời SLNA. Anh chuyển sang XSKT Cần Thơ với phí lót tay 1,6 tỉ đồng/năm Ảnh: Quang Liêm
“Hằng năm, CLB có gần 30 tỉ đồng từ nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á. Tuy nhiên, khoản tiền này phải chia nhỏ cho nhiều việc, trong đó có cả công tác đào tạo trẻ. Để giữ chân các trụ cột, chúng tôi cần không dưới 8 tỉ đồng, một số tiền quá lớn. Vì thế, khi có em đề nghị mức tiền lót tay trên 1 tỉ đồng để được ở lại, chúng tôi đều phải tính toán rất nhiều. Đó là một nỗi đau lớn, không biết bao giờ SLNA mới khá hơn” - ông Thanh bày tỏ.
Hiện tại, mỗi năm, SLNA phải nuôi hàng chục cầu thủ, rồi các đội trẻ đi tập huấn, thi đấu ở các giải trẻ quốc gia. Vì thế, lãnh đạo đội bóng liên tục phải kiến nghị lãnh đạo tỉnh kêu gọi, vận động các nhà tài trợ khác cùng chung tay với CLB thì mới có kinh phí để giữ chân trụ cột. Nếu không, rất khó tránh khỏi việc cứ sau mỗi mùa giải là SLNA lại mất những cầu thủ tốt nhất.
Bài học cay đắng của bóng đá Nam Định - xây dựng cơ chế không phù hợp, dẫn đến sự lụi tàn suốt nhiều năm qua - đang đe dọa đến chính SLNA. Không khó nhận ra cách làm chỉ biết trông chờ nhiều vào sự “bao cấp”, thiếu tính đột phá của đội bóng xứ Nghệ đang đẩy họ vào sự thụt lùi nghiêm trọng. Thành tích thi đấu của các tuyến trẻ xứ Nghệ ngày càng đi xuống, đỉnh điểm là việc vắng mặt ở VCK U21 quốc gia 2015; rồi nhiều trụ cột, thậm chí có người chỉ mới trở thành trụ cột, cũng tính đường ra đi ngay khi hết hợp đồng...
Tất cả gộp lại có thể khiến SLNA ngày càng khó khăn hơn ở V-League. Chưa bao giờ rơi vào cảnh rớt hạng nhưng không ai biết chắc 1-2 năm nữa, SLNA có trụ nổi ở sân chơi này hay không.
“Cầu thủ thành đạt, tôi mừng...” Ông Nguyễn Hồng Thanh cho biết dù tiếc nuối khi những cầu thủ tốt nhất ra đi nhưng lãnh đạo CLB vẫn mong họ có tương lai tốt đẹp. “Đa phần các cầu thủ SLNA xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên việc ký hợp đồng mới là cơ hội để họ có tiền lo cho cuộc sống, đặc biệt là sau khi giải nghệ. Thấy cầu thủ ra đi và thành đạt, tôi cũng rất mừng” - ông Thanh khẳng định. |