Lưu bài Bỏ lưu bài

Ngày 19/5/2013 đánh dấu trận đấu cuối cùng của Sir Alex trên cương vị HLV trưởng đội bóng vĩ đại bậc nhất nước Anh. Sở hữu tài thao lược và bộ óc siêu phàm cả về chiến thuật lẫn tâm lý, ông đã tạo nên một đế chế có tên Manchester United.

Chủ nhật, ngày 19/5/2013 là một ngày nắng đẹp trên sân vận động The Hawthorn. Đó là nơi cả giới bóng đá hướng về trận đấu giữa West Brom và MU thuộc vòng 38 Ngoại hạng Anh 2012/13. Đó cũng là lần cuối cùng Sir Alexander Chapman Ferguson dẫn dắt “Quỷ đỏ thành Manchester”, kết thúc 27 năm cầm quyền tại sân Old Trafford.

Sau cú hat-trick của Van Persie vào lưới Aston Villa, “Quỷ đỏ thành Manchester” đã giành chức vô địch sớm 4 vòng đấu. Thành Manchester vẫn rực lửa màu đỏ nhưng trong mắt những cổ động viên của MU đều ẩn chứa một nỗi buồn. Họ hiểu rằng kể từ đây họ không còn được thấy một bóng dáng quen thuộc trong cabin huấn luyện của đội bóng, đó là mất mát quá lớn mà cho tới tận 7 năm sau vẫn chưa thể lấp đầy.

Sir Alex Ferguson –  “Vị vua” vĩ đại khó tìm người kế vị ở đế chế MU - 2

Sir Bobby Chartlton từng phải thốt lên rằng: “Ngay cả trong giấc mơ lạ lùng nhất của cuộc đời, tôi cũng chưa bao nghĩ rằng ai đó có thể dẫn dắt một CLB thành công đến vậy giống như MU dưới thời Alex Ferguson. Đó là một phép màu và tất cả đều nhờ Alex”.

27 năm cầm quyền, ông thầy người Scotland đã cùng MU kiếm về 38 danh hiệu lớn nhỏ trong đó đáng chú ý là 13 chức vô địch Ngoại hạng Anh chỉ trong 20 năm, 2 danh hiệu Champions League và rất nhiều danh hiệu khác. Ông chính là HLV đầu tiên tại Ngoại hạng Anh vinh dự được nhận tước phong “Hiệp sĩ” từ Nữ hoàng Anh và vô số giải thưởng khác nhờ tài cầm quân lão luyện của mình.

Sir Alex Ferguson –  “Vị vua” vĩ đại khó tìm người kế vị ở đế chế MU - 3

Cuộc hành trình bắt đầu

Ngày cuối cùng của năm 1941, nhà Ferguson đón một tin đại hỷ khi một cậu nhóc kháu khỉnh ra đời. Gia đình quyết định đặt tên cậu là Alexander Chapman Ferguson. Theo thời gian, cậu lớn lên với ước mơ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp trong khi vẫn làm việc trong xưởng đóng tàu.

Thành thật mà nói, Alex Ferguson không phải là một cầu thủ giỏi nhưng lại rất thành công trên băng ghế chỉ đạo. Một năm sau khi trở thành HLV trưởng của Aberdeen, Alex Ferguson có chức vô địch quốc gia Scotland đầu tiên ở mùa giải 1979/80 – phá vỡ thế giằng co giữa Celtic và Ranger trong suốt hơn 1 thập kỷ trước đó.

Ba năm sau, ông tiếp tục khiến cả châu Âu giật mình khi giúp Aberdeen giành chức vô địch UEFA Cup Winners' Cup sau khi vượt qua những đối thủ sừng sỏ như Real Madrid hay Bayern Munich. Thầy trò Ferguson còn đoạt luôn cả Siêu cúp châu Âu khi vượt qua Hamburger SV với tổng tỉ số 2-0 sau 2 lượt trận.

Thành tích ấn tượng ấy khiến Manchester Untied quyết tâm chiêu mộ ông thầy người Scotland vào năm 1986 với hy vọng Alex Ferguson có thể trở thành “Sir Matt Busby thứ hai”. Tuy nhiên, mọi chuyện nào được suôn sẻ như vậy.

Sir Alex Ferguson –  “Vị vua” vĩ đại khó tìm người kế vị ở đế chế MU - 4

MU thất bại 0-2 trước Oxford United ngay trong ngày ra mắt của Sir Alex và ông chỉ giúp đội bóng kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 11. Ba năm sau, mọi chuyện không có gì thay đổi và Ferguson phải nhận vô vàn sự chỉ trích. Nếu MU có danh vọng lớn như hiện tại thì có lẽ ông thầy người Scotland đã sớm bật bãi khỏi sân Old Trafford khi đó.

Thật may là lịch sử không diễn ra như vậy. MU giành FA Cup mùa giải 1989/90 giúp áp lực trên vai Sir Alex giảm bớt. Hai năm sau, ông có một trong những quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời – đó là chiêu mộ Eric Cantona từ Leeds United với mức giá kỷ lục 1,2 triệu bảng.

Sự xuất hiện của tiền đạo người Pháp mở ra một chương mới của kỷ nguyên Alex Ferguson tại MU. Họ giành 4 chức vô địch Ngoại hạng Anh chỉ trong vòng 5 năm tiếp theo và thành công nối tiếp thành công trong suốt những năm sau đó. Chức vô địch Ngoại hạng Anh 2012/13 giúp MU trở thành đội bóng đầu tiên tại “xứ sở sương mù” có 20 danh hiệu VĐQG.

Sir Alex Ferguson –  “Vị vua” vĩ đại khó tìm người kế vị ở đế chế MU - 5

Thành công lớn, nhân cách lớn

Để tạo nên sự nghiệp chói lọi ấy không hề đơn giản. Phẩm chất đầu tiên khiến Alex Ferguson có thể trở nên vĩ đại là sự hiếu thắng. Thua cuộc không nằm trong từ điển của chiến lược gia người Scotland và ông truyền tải đầy đủ điều đó tới các học trò. “Đừng có thua”, đó là câu cửa miệng của người đàn ông có biệt danh “Máy sấy tóc” với các cầu thủ trước mỗi trận đấu.  

Ngay cả khi thắng, Sir Alex có thể cũng không hài lòng. Năm 1983, ông thẳng thắn chỉ trích các cầu thủ Aberdeen ngay trên sóng truyền hình sau khi... giành chức vô địch Scotish Cup và gọi đó là “màn trình diễn không thể chấp nhận được”.

Với ông thầy người Scotland, đã ra sân là phải thắng và đừng bao giờ nghĩ đến chuyện thi đấu hời hợt khi trận đấu chưa kết thúc. Đó có lẽ cũng là lý do MU có thể ghi hai bàn chỉ trong vòng 100 giây để lội ngược dòng trước Bayern Munich tại chung kết cúp C1 mùa giải 1998/99 bởi với Sir Alex, bóng còn lăn là còn chiến đấu.

Phẩm chất thứ hai có thể nhắc tới chính là sự độc tôn tạo nên kỷ luật thép. Tại Aberdeen hay MU trong phòng thay đồ chỉ có một cá tính lớn duy nhất, đó là Alex Ferguson. Tất cả các cầu thủ đều phải nghe mệnh lệnh và bất kỳ ai “bật lại” đều chung số phận là phải ra đi. Japp Stam, David Beckham hay Roy Keane là những ví dụ điển hình.

Alex Ferguson luôn tạo cho các học trò áp lực phải làm đúng nếu như không muốn bị “sạc”. Rooney từng chơi như một gã “điên”, bao từ đầu sân bên này tới cuối sân bên kia chỉ vì “trót” mất bóng ở đầu trận khiến đội nhà bị ghi bàn. Trong buổi phỏng vấn sau đó, Rooney cũng thật thà thừa nhận sợ bị Sir Alex “sấy tóc”. Sự tài tình của “Ông già gân” nằm ở chỗ đó, khiến các cầu thủ có một nỗi sợ hãi duy nhất và họ sẽ làm tất cả để không phải hứng chịu sự sợ hãi ấy.

Phẩm chất thứ ba là khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh. Sir Alex dám thẳng tay “sút” những ngôi sao của đội bóng là bởi ông luôn tìm ra cách tạo ra một ngôi sao mới. Tưởng chừng như việc mất Cantona sẽ khiến MU suy yếu đi nhiều nhưng không, Beckham vươn lên trở thành ngôi sao mới và khi tiền vệ người Anh chuyển sang Real Madrid thì Ronaldo xuất hiện. Cứ như vậy, ông thầy người Scotland đã đào tạo ra hàng loạt ngôi sao cho sân Old Trafford.

Sir Alex Ferguson –  “Vị vua” vĩ đại khó tìm người kế vị ở đế chế MU - 7

Eric Cantona từng nhận xét: “Alex Ferguson là một bậc thầy về tâm lý học. Ông ấy có thể tự mình thích nghi với mọi thế hệ cầu thủ. Ở tuổi 70, ông ấy vẫn có thể nói chuyện với những cầu thủ ở độ tuổi 18 mà chẳng gặp chút khó khăn nào. Điều quan trọng là Sir Alex luôn giúp họ ra sân với 100% phong độ”.

Sir Alex có thể dung hòa mọi tính cách để biến MU thành một thể thống nhất. Từ những bản hợp đồng bom tấn cho tới những cầu thủ lớn lên từ lò đào tạo của CLB, từ những ông già đã gần 40 tuổi cho tới những cậu nhóc chưa đầy 18 tuổi, tất cả đều có thể thi đấu cùng nhau dưới sự chỉ đạo của Alex Ferguson.

Khả năng thích nghi của Sir Alex còn được thể hiện trong sự biến hóa lối chơi của MU trong suốt 27 năm cầm quyền. Tạt cánh đánh đầu, bật tường trung lộ hay phòng thủ chặt chờ thời cơ... hầu như mọi chiến thuật cũng đều được “Ông già gân” áp dụng và thành công mỹ mãn.

Hơn ai hết, ông thầy người Scotland hiểu được rằng để vươn tới thành công đã khó, để đứng trên đỉnh thành công trong một thời gian dài còn khó hơn gấp vạn lần. Không ngừng học hỏi, không ngừng thích nghi, đó chính là hình ảnh của Sir Alex Ferguson tại MU.

Buổi họp đội do Sir Alex Ferguson điều hành trước trận đấu tri ân Micheal Carrick tại sân Old Trafford

Sir Alex Ferguson –  “Vị vua” vĩ đại khó tìm người kế vị ở đế chế MU - 8

Tầm ảnh hưởng rộng lớn

Alex Ferguson từng chia sẻ với những người cận vệ già trong phòng thay đồ trước trận đấu tri ân của Micheal Carrick: “ Lời khen đẹp đẽ nhất tôi có thể dành cho các bạn là mọi người đã trở thành những người thành đạt sau khi là một phần của MU. Các bạn đã và đang làm rất tốt và tôi biết điều đó không hề dễ dàng. Cuộc sống sau khi giải nghệ chưa bao giờ là dễ dàng”.

Đó là những lời nói thật lòng của vị cha già khi đối diện với những đứa con thành đạt. Thủ thành Edwin Van der Sar đang là giám đốc điều hành của Ajax, một trong những nhân tố quan trọng giúp đội bóng này lấy lại tên tuổi sau một thời gian. Gary Neville trở thành một doanh nhân thành đạt và vẫn sắm vai bình luận viên trên truyền hình cùng Rio Ferdinand, Paul Scholes hay Robin Van Persie.

Ryan Giggs đang làm HLV ĐTQG xứ Wales trong khi Ole Gunnar Solskjaer đang cố gắng tiếp bước người thầy vĩ đại tại sân Old Trafford. David Beckham thậm chí còn trở thành chủ tịch của một đội bóng, trong khi Cristiano Ronaldo vẫn đang viết tiếp câu chuyện huyền thoại của chính mình. Tất cả họ đều thuần nhuần tư tưởng của Alex Ferguson. Họ đều coi ông là người cha thứ hai của mình.

Ông thầy người Scotland tạo nên tầm ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Không thể kể hết được có bao nhiều “Ferguson Wannabe” – những HLV muốn làm có được sự nghiệp giống như Sir Alex nhưng đa phần họ đều không thành công.

Sir Alex Ferguson –  “Vị vua” vĩ đại khó tìm người kế vị ở đế chế MU - 9

Nổi tiếng nhất có lẽ là Kevin Keegan, cựu HLV trưởng Newcastle. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình cùng “Chích chòe”, ông thầy người Anh đã cố học theo Sir Alex Ferguson nhưng thất bại thảm hại. “Ông ấy thực sự bị ám ảnh. Keegan muốn điều hành Newcastle giống như cách Sir Alex đã làm tại MU nhưng ông ấy nhanh chóng nhận ra rằng điều đó là không thể”. David Ginola – cựu cầu thủ của Newcastle tiết lộ.

Một "nạn nhân" khác của việc cố trở thành 1 Sir Alex thứ hai, chính là David Moyes, người kế nhiệm ông tại MU. Cựu HLV của Everton không thể điều hành nổi sân Old Trafford và chịu một kết cục bi thảm chỉ sau một mùa bóng.

Cần phải nói rằng, cái bóng của Sir Alex Ferguson tại MU là quá lớn cho bất kỳ ai bởi thành tích vô tiền khoáng hậu. Sự thành công của chiến lược gia này lớn tới mức bã kẹo cao su cuối cùng trong sự nghiệp của ông cũng có mức giá 390.000 bảng – tương đương khoảng hơn 11 tỷ đồng. Một sự kỳ quặc đến lạ thường.

HỒ SƠ VỀ ALEX CHAPMAN FERGUSON

Ngày sinh, nơi sinh: ngày 31 tháng 12 năm 1941 tại Govan, Glasgow

Các đội bóng từng dẫn dắt: 

East Stirlingshire: 1974    
St Mirren: 1974–1978    
Aberdeen: 1978–1986  
Scotland: 1985–1986    
Manchester United: 1986–2013   

Những danh hiệu Sir Alex Ferguson giành được trong sự nghiệp huấn luyện

Aberdeen

Scottish Premier Division: 1979/80, 1983/84, 1984/85
Scottish Cup: 1981/82, 1982/83, 1983/84, 1985/86
Scottish League Cup: 1985/86
Drybrough Cup: 1980
European Cup Winners' Cup: 1982/83
European Super Cup: 1983

Manchester United

Premier League: 1992/93, 1993/94, 1995/96, 1996/97, 1998/99, 1999/2000, 2000/01, 2002/03, 2006/07, 2007/08, 2008/09, 2010/11, 2012/13
FA Cup: 1989/90, 1993/94, 1995/96, 1998/99, 2003/04
Football League Cup: 1991/92, 2005/06, 2008/09, 2009/10
Siêu cúp nước Anh: 1990, 1993, 1994, 1996, 1997, 2003, 2007, 2008, 2010, 2011
UEFA Champions League: 1998/99, 2007/08
European Cup Winners' Cup: 1990/91
Siêu cúp châu Âu: 1991
Intercontinental Cup: 1999
FIFA Club World Cup: 2008

Sir Alex Ferguson –  “Vị vua” vĩ đại khó tìm người kế vị ở đế chế MU - 10

Content & Media: Ngọc Lâm

Thứ Ba, ngày 19/05/2020 00:16 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Ngọc Lâm ([Tên nguồn])