"Siêu kinh điển" Brazil – Argentina hay nhất cấp ĐTQG
Cũng giống như khi Liverpool gặp MU hay trận “Siêu kinh điển” Real – Barca ở cấp độ CLB, tại cấp độ ĐTQG, người hâm mộ túc cầu giáo vẫn luôn được chứng kiến những trận đấu hấp dẫn và căng thẳng mỗi khi các đội bóng đại kình địch đối đầu với nhau trên sân cỏ.
Sau đây là top 10 trận đấu kinh điển nhất của bóng đá thế giới cấp ĐTQG
1, Brazil – Argentina
Thảm bại 1-7 trên sân nhà trước ĐT Đức ở World Cup 2014 có lẽ là thất bại tồi tệ nhất của Brazil ở các giải đấu lớn. Thế nhưng, xét về mức độ kình địch, Argentina mới là đối thủ truyền kiếp của “các vũ công xứ sở Samba” không chỉ trong khu vực Nam Mỹ mà còn cả trên thế giới.
Bên cạnh những màn trình diễn đậm chất kĩ thuật của dàn sao bên phía hai đội, trận đấu được coi là “Siêu kinh điển Nam Mỹ” này còn chứa đựng những màn tranh cãi gay cấn giữa cầu thủ và BHL 2 đội trong quá khứ.
Brazil gặp Argentina luôn được coi là trận "Siêu kinh điển Nam Mỹ"
Lần cuối cùng Brazil và Argentina gặp nhau ở World Cup đó là tại vòng 1/8 giải đấu ở Ý năm 1990. Khi đó, “Selecao” đã để thua “Albiceleste” với tỉ số 0-1 bởi pha làm bàn duy nhất của Claudio Caniggia. Nhưng tranh cãi đã nổ ra khi cầu thủ Branco (Brazil) cáo buộc một thành viên BHL Argentina đã dụ anh ta uống chai nước có pha thuốc ngủ. Điều này đã được chính Diego Maradona xác nhận nhưng HLV Carlos Bilardo của đội bóng xứ Tango đã phủ nhận có chuyện đó.
2, Anh – Đức
Mối thù giữa 2 “ông lớn” của bóng đá Tây Âu bắt nguồn từ trận chung kết World Cup 1966 ở sân Wembley (cũ) khi đội bóng xứ sở sương mù đã tận dụng tốt lợi thế sân nhà để vượt qua Tây Đức với tỉ số 4-2 ở trận chung kết để đăng quang danh hiệu lớn duy nhất của họ tính đến hiện tại. Trong số các bàn thắng của ĐT Anh có pha làm bàn gây tranh cãi của Geoff Hurst.
Anh và Đức là cặp đấu chất chứa nhiều duyên nợ
Tuy nhiên, đến World Cup 2010 ở Nam Phi, “Những cỗ xe tăng” đã có màn báo thù hoàn hảo với thắng lợi 4-1 trước “Tam Sư” ở vòng 1/8. Ở trận này, bàn thắng hợp lệ của Frank Lampark đã bị từ chối vì trọng tài cho rằng bóng chưa lăn qua vạch vôi nhưng pha quay chậm đã chứng tỏ điều ngược lại.
3, Croatia – Serbia
Từ năm 1918-1991, Croatia và Serbia đều thuộc Liên bang Nam Tư. Nhưng đến năm 1999, khi Nam Tư đã tan rã và 2 nước này tách ra độc lập, họ mới gặp nhau trong một trận đấu bóng đá đầu tiên với kết quả hòa 0-0, bên cạnh đó là những màn bạo loạn và biểu tình chính trị của các CĐV 2 nước. Không khí căng thẳng tiếp diễn ở trận đấu tại vòng loại World Cup 2014 khiến cho LĐBĐ 2 nước phải cấm các CĐV đến sân dự khán để đảm bảo yếu tố an ninh.
Nhân viên an ninh làm nhiệm vụ trận Croatia - Serbia
4, Đức – Hà Lan
Đức đối đầu với Hà Lan luôn là cặp đấu nhiều duyên nợ. Sau trận chung kết World Cup 1974 khi “Mannschaft” lội ngược dòng trước “Những cơn lốc màu da cam” với tỉ số 2-1 để đăng quang, Will van Hanegem (Hà Lan) đã chia sẻ: “Chúng tôi đã nghĩ rằng sớm dẫn trước 1-0 là đủ, miễn là chúng tôi có thể làm bẽ mặt họ. Tôi không thích họ cũng vì Thế chiến II. Thế nhưng kết quả đã không được như ý chúng tôi.”
Hà Lan đã thua ngược Đức ở chung kết World Cup 1974
Thua trước người Đức ở cúp thế giới cách đây 41 năm là nỗi đau khó quên với Hà Lan nhưng họ đã kịp báo thù ở trận bán kết EURO 1988 khi họ cũng lội ngược dòng thắng 2-1 trước Tây Đức trước khi vượt qua Liên Xô 2-0 ở chung kết để đăng quang giải đấu lớn duy nhất của mình tính đến hiện tại.
5, Anh – Argentina
Cuộc đấu giữa “Tam Sư” với “các vũ công Tango” trong vài thập kỉ trở lại đây đã diễn ra vô cùng căng thẳng và kịch tính.
Anh đã thắng trong trận tứ kết World Cup 1966 sau khi đội trưởng Antonio Rattin của Argentina bị đuổi khỏi sân. Rattin phản ứng mạnh mẽ vì cho rằng mình bị oan và đã bị cảnh sát “hộ tống” ra ngoài đường pitch. Trong khi đó, HLV Alf Ramsey đã gọi các cầu thủ Argentina là “những con vật” sau trận đấu.
Anh gặp Argentina là cặp đấu đầy kỉ niệm khó quên
Đến tứ kết World Cup 1986 ở Mexico, “Albiceleste” thắng lại đối thủ nhờ pha làm bàn ma mãnh của Maradona mà anh gọi là “Bàn tay của Chúa”. Đến vòng 1/8 World Cup 1998 ở Pháp, Argentina tiếp tục khiến David Beckham phải nhận thẻ đỏ và vượt qua Anh trên chấm luân lưu sau khi 2 đội hòa 2-2 ở hiệp chính và hiệp phụ. Đến World Cup 2002, quả penalty thành công của Becks đã giúp Anh thắng Argentina 1-0 và góp phần tiễn “Albiceleste” sớm rời giải ngay sau vòng bảng.