SG.XT: Chuyện về 1 đội bóng kỳ lạ (Kỳ 5)
Thắng thua với SG.XT là chuyện rất bất thường.
Kỳ 5: Sống trong nghi ngờ
Thắng thua vốn là chuyện bình thường trong bóng đá, nhưng với riêng CLB Sài Gòn Xuân Thành thì đấy lại là điều bất thường. Bởi, trong suốt 2 năm CLB này chơi ở V.League, cứ mỗi khi họ thất bại thì những nghi ngờ tiêu cực lại xuất hiện. Điều này không bỗng dưng mà có...
Ở trận đấu cuối cùng của giải hạng Nhất, trận đấu mà chức vô địch được trao cho Sài Gòn Xuân Thành trên sân Thống Nhất, bầu Thụy rất muốn dùng trận đấu này để lôi kéo người hâm mộ đến sân. Hôm ấy ông đã mời đầy đủ các lãnh đạo bóng đá thành phố, tổ chức buổi văn nghệ hoành tráng, cùng những ưu đãi đặc biệt cho những người đến dự. Tuy nhiên, ông Thụy đã bị bẽ mặt vì cầu thủ thi đấu theo cách họ muốn, Sài Gòn Xuân Thành thất bại trước Bình Định với tỷ số 0-1 và khiến ông Thụy bị “bẽ mặt”. Ngay sau trận đấu, một số cầu thủ đã bị ông Thụy “sạc” cho 1 trận.
Đấy cũng là thời điểm mà đường dây bán độ đang hoành hành ở khu vực phía nam, trong đó có 1 thành viên của CLB Sài Gòn Xuân Thành là Nguyễn Thành Trung, người 1 năm sau đó đã bị bắt vì lôi kéo bán độ ở giải hạng Nhất. Và đương nhiên, ở Sài Gòn Xuân Thành không chỉ mình Thành Trung bị nghi ngờ.
Đầu mùa giải, thủ môn Tấn Trường và Đình Luật thậm chí còn bị cơ quan an ninh triệu tập sau những gì thể hiện trong trận hòa 2-2 trước SLNA. Thời điểm ấy, bầu Thụy còn tuyên bố sẵn sàng bán Tấn Trường dù họ đã mất 9 tỷ đồng và trả lương 68 triệu đồng/tháng cho thủ môn này. Hành động của bầu Thụy sau đó lại không được đón nhận khi các đội bóng mà họ liên hệ đều không mua vì cái giá quá cao. Ông Thụy buộc phải giữ lại Tấn Trường và Đình Luật. Nhưng việc giữ lại các cầu thủ này trong bối cảnh này rất khó để cho họ toàn tâm, toàn ý cống hiến được.
Có quá nhiều dấu hỏi về cách thắng thua của SG.XT
Ở đây, chính là sai lầm trong cách “dụng nhân” của bầu Thụy, người ta vẫn nói “đã dùng là phải tin tưởng, đã không tin tưởng thì đừng dùng”, nhưng ông Thụy đã không thực hiện điều ấy. Ông công khai không tin tưởng các cầu thủ nhưng lại vẫn sử dụng họ. Ngay cả việc mời lại HLV Lư Đình Tuấn dù trước đó đã “nhẫn tâm” sa thải chỉ bằng 1 tin nhắn cũng cho thấy cách “dụng nhân” của ông Thụy chính là khởi nguồn của những bất ổn nội bộ của đội bóng này.
Cứ mỗi trận đấu của Sài Gòn Xuân Thành, trên sân Thống Nhất luôn xuất hiện rất đông giới cá độ bóng đá, thậm chí có cả những đường dây cá độ quốc tế ngồi trên khu vực gần các phóng viên. Họ thoải mái bàn bạc về các tỷ lệ kèo và cập nhật liên tục qua điện thoại. Đấy là chưa kể, trước mỗi trận đấu, từ các cầu thủ đến BLĐ đội bóng luôn phải nhận những tin nhắn nặc danh khiến ngay cả các thành viên của đội bóng sa vào tâm lý không tin tưởng ai. Những nghi vấn xuất hiện liên tục, nhất là khi đội bóng thất bại là điều dễ hiểu.
Ở một tập thể không còn tin tưởng lẫn nhau thì động lực duy nhất có thể khiến họ cố gắng tồn tại chính là những đồng tiền của bầu Thụy. Tuy nhiên một người vốn chẳng tin tưởng cầu thủ như ông Thụy thì quá khó để ông thoải mái chi tiền. Chỉ trong mùa giải 2012, đã 2 lần ông Thụy bày tỏ ý định muốn giải tán đội bóng trước những nghi vấn tiêu cực.
Người duy nhất ông Thụy còn tin tưởng là GĐĐH Trần Tiến Đại, cuối cùng cũng không được ông Thụy trọng dụng nữa. Ông Thụy bắt đầu cảm thấy lo lắng trước những thông tin là ông Đại dùng đội bóng để kiếm lợi cá nhân từ những bản hợp đồng chuyển nhượng. Đó cũng là nguyên nhân khiến mọi kế hoạch của ông Đại bị ông Thụy lắc đầu, các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ ông Đại không còn là người nắm toàn quyền quyết định nữa mà giao cho bộ phận khác.
Đến mùa giải 2013, ông Đại tỏ ra hết sức thông minh khi sử dụng những cầu thủ trẻ của đội Thanh Niên Sài Gòn để thiết lập quyền lực về chuyên môn cũng là để cắt giảm chi phí của đội bóng. Tuy nhiên, chính trình độ chênh lệch giữa các cầu thủ lại dẫn đến việc nội bộ của đội bóng này xuất hiện những bất ổn và phân chia nhóm quyền lực. Đã có một nhóm “quyền lực” với những cầu thủ “có số má” được hình thành, và họ chính là những người quyết định sự thành bại của đội bóng chứ không còn nghe theo sự sắp đặt của ông Đại nữa.
Sài Gòn Xuân Thành giống như 1 quả bom nổ chậm có thể phát nổ bất cứ lúc nào, và cuối cùng quả bom ấy cũng đã nổ trong thời điểm không ai ngờ đến. (Còn tiếp)