SG.XT: Chuyện về 1 đội bóng kỳ lạ (Kỳ 3)
Sau khi mùa giải 2012 kết thúc, GĐĐH Trần Tiến Đại viết một bản kế hoạch xây dựng tương lai của SGXT dài cả chục trang giấy A4.
Sau khi mùa giải 2012 kết thúc, GĐĐH Trần Tiến Đại viết một bản kế hoạch xây dựng tương lai của SGXT dài cả chục trang giấy A4 gửi lên bầu Thụy. Lần đầu tiên, ông Thụy lắc đầu quyết sách mà “cò” Đại đưa ra, và không lâu sau đó, ông Thụy rút lui khỏi bóng đá.
1. Kể từ đầu năm 2013 đến nay, cứ mỗi lần gặp người viết thì ông Trần Tiến Đại lại than phiền và nuối tiếc khi bầu Thụy đã không thèm ngó ngàng đến bản kế hoạch mà ông đã viết rất chi tiết. Chính cái lắc đầu của bầu Thụy cũng là lúc khiến một người “thức thời” như Tiến Đại “ngửi” thấy mùi và tìm đường lui binh cho mình khi cảm thấy tương lai của SGXT sớm muộn cũng kết thúc. Ông từ bỏ chức vụ GĐĐH của đội bóng, bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nuôi đội bóng mang tên Thanh Niên Sài Gòn. Tất cả những hành động trên sẽ không xảy ra, nếu như bản kế hoạch trước đó được bầu Thụy chấp nhận.
Vậy bản kế hoạch có gì hay ho mà quyết định lớn đến vận mệnh của đội bóng này, và tại sao bầu Thụy lại không chấp nhận kế hoạch?
Ông Trần Tiến Đại từng viết bản kế hoạch xây dựng SGXT dài cả chục trang nhưng không được bầu Thụy ủng hộ
2. Cũng cần phải nhắc lại bối cảnh lúc ấy. Sau khi mùa giải kết thúc, cũng là lúc kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng, các doanh nghiệp buộc phải giảm chi phí và rút những khoản đầu tư không hiệu quả, nhất là khi các ngân hàng đứng trước nguy cơ phá sản cao, khả năng giải ngân và đầu tư của các doanh nghiệp bị hạn chế đáng kể. Cuộc họp HĐQT của Tập đoàn Xuân Thành hồi quý 3, bầu Thụy đã bị các cổ đông thúc hối rút khỏi bóng đá, còn nếu tiếp tục thì chi phí phải bị cắt giảm tối đa. Đứng trước sự khó khăn ấy, ông Đại đã viết kế hoạch với nội dung chính: “Việc SGXT giành được Cúp QG và xếp hạng 3 V.League là 1 thành công, nhưng thành công hơn là kéo khán giả đến sân Thống Nhất. Bây giờ, người hâm mộ ai cũng biết đến cái tên Xuân Thành gắn liền với đội bóng. Vì thế, để giải quyết vấn đề kinh phí cũng như khai thác hiệu quả thương hiệu, đề nghị nên đổi lại tên đội bóng là Sài Gòn FC, đồng thời vận động các doanh nghiệp, đối tác ở TPHCM tham gia tài trợ cho đội bóng. Với tiềm lực hiện tai, tôi tin chắc sẽ thành công...”.
3. Kế hoạch của ông Đại không phải không có cơ sở, bởi trước đó các có ít nhất 5 doanh nghiệp sẵn sàng góp vốn và tài trợ cho đội bóng nếu lấy tên gọi là Sài Gòn FC. Việc Bia Sài Gòn và nhiều doanh nghiệp liên hệ để quảng cáo trên sân Thống Nhất những trận đấu cuối mùa giải 2012 đã cho thấy kế hoạch ông Đại là hoàn toàn khả thi, nhất là SGXT lúc đó đang rất được người hâm mộ ủng hộ. Tuy nhiên, ông Thụy đã lắc đầu.
Cái lắc đầu của ông Thụy không phải là do ông không muốn đổi tên, mà đơn giản đấy là tính cách của một người lớn lên đã nắm giữ tài sản khổng lồ. Ông Thụy không muốn chung chạ với ai cả, ông muốn CLB là của riêng ông. Điều quan trọng hơn, như chúng tôi đã nói trước đó, ông xem bóng đá chỉ là thú tiêu khiển, tức là không hề có ý định gắn bó với môn này.
Đầu năm 2012, bầu Lãm cùng 5 doanh nghiệp khác xin được góp vốn, ông Thụy còn nói rất rõ ràng: “Nếu muốn thì mua hẳn đội bóng, tôi sẵn sàng bán rẻ cho. Còn không thì thôi”.
Sự cố chấp của ông Thụy đã đẩy SGXT rơi vào thế khó khăn về mặt tài chính bởi các cổ đông của tập đoàn Xuân Thành không cho phép đầu tư lớn vào bóng đá trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Ông Thụy đã “rao bán” đội bóng nhưng đến phút chót các thương vụ bị ngãng ra vì các ngân hàng lúc ấy gần như bị “đóng băng”. Việc ông Thụy chuyển đội bóng lại cho em trai của mình và đổi tên đội bóng mang tên Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn thực tế là cách thay vì lấy tiền của tập đoàn thì ông phải tự bỏ tiền túi ra để “ôm” đội bóng này.
Nhưng chính sự việc đổi tên đội bóng, cũng là lúc người hâm mộ bóng đá thành phố quay lưng lại với SGXT. Cái lắc đầu của ông Thụy thật sự tai hại.
(Còn tiếp)