SG.XT: Chuyện về 1 đội bóng kỳ lạ (Kỳ 1)
Chúng tôi sẽ giới thiệu đến độc giả loạt bài về những câu chuyện hậu trường xung quanh đội bóng “kỳ lạ” này.
LTS: Chúng tôi gọi đội bóng này là Sài Gòn Xuân Thành đúng với cái tên đầu tiên trong ngày khai sinh cũng là cái tên quen thuộc nhất. Nhưng rất nhiều người sẽ gọi với cái tên là Xi Măng XT Sài Gòn, rồi Xuân Thành Sài Gòn, còn có nhiều người khác gọi họ là Sài Gòn FC. Ngay cả các thành viên trong đội bóng này cũng không thống nhất được tên gọi chính thức. Nhiều công văn của họ cũng lẫn lộn trong cách gọi tên. Chỉ tồn tại 3 năm, nhưng riêng cái tên thôi, đủ thấy đây là một CLB kỳ lạ như thế nào. Chúng tôi sẽ giới thiệu đến độc giả loạt bài về những câu chuyện hậu trường xung quanh đội bóng “kỳ lạ” này. |
KỲ 1: Ông Thụy “đóng gạch” - Bóng đá chỉ là một trò chơi
Rất nhiều người yêu bóng đá ghét bầu Thụy, bởi kể từ ngày ông xuất hiện, những việc làm của ông bầu này đa phần không giúp ích cho bóng đá Việt Nam. Thậm chí, không ít người còn chỉ trích ông là đã “phá hoại” bóng đá. Tuy nhiên, kỳ thực ông Thụy liệu có đáng trách như vậy?
Bầu Thụy là ai?
Mới 16 tuổi, đã giữ chức phó Giám đốc của Xí nghiệp Xây dựng Xuân Thành, nơi khởi đầu của tập đoàn hùng mạnh sau này. Lên 32 tuổi, ông Nguyễn Đức Thụy đã chính thức sở hữu tập đoàn với 14 công ty con và vốn điều lệ lên tới 2.500 tỷ đồng, trong đó phần của ông Thụy là 2.100 tỷ đồng. Chỉ 2 năm sau, ông là 1 trong 100 doanh nhân đạt danh hiệu “Doanh nhân trẻ tiêu biểu năm 2009”. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, những thành quả trên đều không phải một tay ông Thụy làm nên, mà do được thừa hưởng từ người cha của mình - ông Nguyễn Xuân Thành.
Nắm trong tay một tài sản lớn như thế khi mới vào tuổi 30, không khó hiểu khi ông Thụy luôn đưa ra những quyết định đầu tư đầy táo bạo mang tính chất mạo hiểm cao với những khoản tiền lớn, biệt danh Thụy “đóng gạch” mà dân xây dựng đặt cho ông cũng bởi sự năng nổ này.
Tuy nhiên, ông Thụy cũng chỉ thực sự được biết đến nhiều hơn khi xâm nhập làng bóng đá Việt Nam sau khi mua lại suất hạng nhất của V&V Hòa Phát và đổi tên đội bóng thành Sài Gòn Xuân Thành cùng hàng trăm tỷ đồng được bỏ ra để mua các ngôi sao. Cái tên bầu Thụy xuất hiện từ đó và bắt đầu gây náo loạn làng bóng đá Việt.
Ông Nguyễn Đức Thụy (trái) và HLV Lư Đình Tuấn
Ảnh: DƯ HẢI
Bóng đá đơn thuần chỉ là thú tiêu khiển
Nhiều người bảo mục đích chính mà bầu Thụy xâm nhập vào bóng đá là để “đánh bóng tên tuổi”, hay việc “nhập hộ khẩu” đội bóng vào TPHCM cũng là để xin dự án và phục vụ mục đích kinh doanh. Các quan điểm trên không sai, tuy nhiên không phải là nguyên nhân chính. Làng bóng đá Việt Nam giật mình với hàng trăm tỷ đồng mà ông bầu này bỏ ra để mua về các ngôi sao, nhưng hết lần này đến lần khác dọa giải tán. Tất cả những hành động trên không phải đơn thuần do ông bầu này không đạt được mục đích kinh doanh và muốn chạy trốn. Với bầu Thụy, việc đến với bóng đá phần nhiều chỉ xem đây như một thú chơi thời thượng, vui thì tiếp tục, chán thì bỏ đi.
Bầu Thụy đã bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để sưu tập 7 chiếc siêu xe Roll-Royce và các loại siêu xe khác như Mercedes S-Class, BMW 7-Series, Range Rover, Lexus Ls600hl, Lx570... Ông cũng bỏ ra số tiền tương tự để thỏa thú tiêu khiển ở các thú chơi thời thượng ở môn golf. Thế nên, sẽ không có gì là khi ông bầu này chi cả trăm tỷ đồng cho bóng đá.
Điều thể hiện rõ nhất việc ông Thụy chỉ xem bóng đá là thú tiêu khiển. Dù bỏ ra cả trăm tỷ đồng mua ngôi sao rồi giúp Sài Gòn Xuân Thành thăng hạng V.League, nhưng ông vẫn quyết định bỏ bóng đá và chuyển giao lại cho bầu Lãm vào đầu năm 2012 chỉ đơn thuần bởi nguyên nhân: “Tôi chuyển qua chơi golf và thấy thích hơn bóng đá”. Sau đó,chỉ vài tháng, ông lại lấy lại Sài Gòn Xuân Thành cũng vì lý do: “Tôi yêu bóng đá trở lại rồi”.
Cách bầu Thụy bỏ tiền thuê ca sĩ nổi tiếng đến sân Thống Nhất biểu diễn, hay 1 giàn chân dài đến sân cổ vũ trong các trận đấu của SGXT cũng thể hiện rất rõ tính cách của ông. Khi mùa giải 2012 kết thúc, bất chấp việc SGXT đã nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ thành phố, ông vẫn thay tên, đổi họ cho đội bóng... rồi rút lui khỏi bóng đá, nhường chỗ cho người em của mình. Đó cũng là lúc, ông chẳng quan tâm gì đến bóng đá nữa. Và số phận của SGXT cũng được định đoạt từ đó.
Chưa bao giờ bầu Thụy nói mình yêu bóng đá, nhưng ông vẫn chi rất nhiều tiền để phục vụ thú tiêu khiển của mình. Thế nên, không thể trách ông bầu này, có chăng là trách những người đã chấp nhận cho ông tham gia cuộc chơi ấy mà không hề có ràng buộc gì...
(Còn tiếp)