Sân bóng V-League và chuyện khó nói về… nhà vệ sinh
Tiếng là giải V-League chuyên nghiệp, năm nào cũng có đại diện tham dự các giải châu lục, nhưng ngay cả cái nhà vệ sinh đã không được một số đội chú ý đến nơi đến chốn…
Có cũng như không
Với sức chứa hàng nghìn chỗ ngồi, nhà vệ sinh là một trong những cơ sở vật chất rất quan trọng để các quan chức, nhân viên BTC, báo chí và đặc biệt là người hâm mộ tìm nơi “giải quyết”. Tuy nhiên, do chất lượng nhà vệ sinh của nhiều sân bóng xuống cấp, hầu hết những ai đến sân mà có “nhu cầu” buộc phải cố nhịn, hoặc tìm nơi nào đó vắng người để “giải tỏa nỗi buồn”.
Trong đợt kiểm tra, đánh giá cơ sở vật chất của các CLB chuyên nghiệp tham dự các Giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2014, VPF đã yêu cầu sân Ninh Bình phải xây mới hệ thống phòng vệ sinh trên các khán đài.
Sân Ninh Bình là một sân đấu đã được đầu tư hàng chục tỷ để nâng cấp thành một sân dự bị cho SEA Games 22 (năm 2003). Với sức chứa trên 22.000 chỗ ngồi, khán đài A của sân có 2 tầng với kết cấu mái che bằng thép, sân Ninh Bình là một trong những sân thuộc diện hoành tráng nhất tại V-League.
Tuy nhiên, có một vấn đề rất “nan giải” với SVĐ hiện đại này, là các CĐV rất khó tìm…nhà vệ sinh. Đã rất nhiều lần báo chí, các CĐV và cả các đội bóng phản ảnh chuyện về “nhu cầu giải quyết”, nhưng không hiểu sao sân này vẫn không xây thêm các công trình phụ để phục vụ người xem.
Sân Lạch Tray của Hải Phòng có chất lượng các nhà vệ sinh xuống cấp trầm trọng
Vì thế, đã xảy ra rất nhiều chuyện bi hài xung quanh việc các đội sau khi thi đấu hết hiệp 1 hay hết 90 phút trận đấu, đã tranh thủ “giải quyết” ngay ở khu tường rào của sân. Dù biết đó là những hành động phản cảm, thiếu văn hóa, nhưng “bí” quá không biết làm thế nào.
May là sân Ninh Bình giờ không còn tổ chức các trận đấu V-League về CLB giải thể, nhưng cái nhà vệ sinh vẫn là nỗi ám ảnh ở nhiều sân cỏ khác.
Sân Lạch Tray mùa này không chỉ để lại hình ảnh xấu về chất lượng mặt sân, mà nhà vệ sinh cũng là nỗi “ám ảnh” với bất cứ ai đến đây. Hầu hết các CĐV đều phải “nín thở” khi đi vệ sinh, trong khi ngay cả khu VIP cũng không được chăm sóc chu đáo, không có nước rửa tay…
Chuyện thiếu nhà vệ sinh tưởng như rất nhỏ, nhưng lại đang ảnh hưởng rất lớn đến sự chuyên nghiệp ở một giải đấu chuyên nghiệp.
Mới chỉ nhắc nhở
Chuyện mặt sân xấu, nhà vệ sinh bẩn ở các sân V.League không phải bây giờ báo chí và người hâm mộ mới nói. Tuy nhiên, do cách làm xuê xoa bấy lâu nay, những vấn đề tưởng như rất nhỏ này đã không được xử lý đến nơi, đến chốn.
Giám đốc điều hành VPF Trần Duy Ly đã chia sẻ: “Các sân hầu hết đều chỉ gọi là đủ tiêu chuẩn chứ không thể nói đạt chuẩn chuyên nghiệp, kể cả sân Hàng Đẫy, hay Thống Nhất. Hiện ở Việt Nam chỉ duy nhất SVĐ quốc gia Mỹ Đình tạm gọi là đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp thôi”. Theo ông Ly, một sân chuyên nghiệp phải đáp ứng nhiều yếu tố ngặt nghèo, từ mặt sân đến khán đài, hệ thống thoát nước, phòng thay đồ…
Mới đây, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã kết luận hầu hết các CLB của bóng đá Việt Nam đều không có đủ các tiêu chí của một đội bóng chuyên nghiệp, trong đó có vấn đề sân bãi. Vì thế, trước mỗi mùa giải VPF đều cử cán bộ đi kiểm tra, nhưng cũng chỉ nhắc nhở các đội bóng chứ chưa có chế tài xử phạt theo đúng quy định.
Nếu không giải quyết tốt vấn đề bên lề các trận đấu, nhiều đội bóng ở V-League sẽ bị các CĐV quay lưng
“Trong quá trình khảo sát, đoàn kiểm tra thường chỉ lưu tâm nhiều đến mặt sân. Còn các yếu tố khác đều phải châm chước”, ông Ly thừa nhận.
Minh chứng rõ nhất cho sự châm chước đó là chuyện sân Đồng Nai (đội bóng được đặc cách chơi V-League 2013) sau nhiều vòng đấu mới có giàn đèn. Còn chuyện các sân có hàng rào chỉ cho có, khán giả không khó để nhảy xuống sân hay trèo qua tường để vào sân, nhà vệ sinh không đủ hoặc kém vệ sinh…
Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết, riêng sân Lạch Tray từ đầu mùa giải BTC giải đã có văn bản lưu ý về mặt sân Lạch Tray xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm chất lượng chuyên môn. Nếu mọi thứ không được cải thiện sau vòng 8 V-League (thời điểm V-League tạm nghỉ để tập trung ĐT U23), sân Lạch Tray có thể sẽ bị treo.
Nhiều đội bóng bị VPF trừ tiền Trước mỗi mùa giải, các đội bóng đều nhận được văn bản của VPF về ba rem điểm áp dụng cho các đội, trong đó liệt kê một loạt những vi phạm sẽ bị trừ tiền. Với sự thiếu chuyên nghiệp như hiện nay, hầu hết các đội đã bị trừ tiền khi mùa giải kết thúc. Có đội như Hải Phòng bị trừ gần 800 triệu đồng vào khoản thưởng thứ hạng 10 ở mùa giải trước. Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn giải thích rằng VPF không tự ý trừ tiền mà dựa vào các tiêu chí rất rõ ràng với mục đích đòi hỏi các CLB phải dần hoàn thiện về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu của bóng đá chuyên nghiệp. |