Sai số của bầu Đức và dấu xe đổ của HA Gia Lai
Mùa thứ tư chơi bóng ở V-League, các cầu thủ HA Gia Lai dù làm trụ cột rất nhiều trên các đội tuyển quốc gia vẫn chưa chịu lớn do người lớn… chưa cho.
Bốn mùa bóng rồi, HA Gia Lai vẫn không thể ngoi qua con số thứ 10 trên bảng xếp hạng V-League dù lứa Xuân Trường, Công Phượng, Văn Thanh, Văn Toàn,… đã nhão tên với người hâm mộ. Sau 23 vòng đấu mùa này, đội bóng phố núi mới có 27 điểm, đứng thứ 11, dù không rớt hạng cũng không dễ vào tốp 7-8 như mong ước của chuyên gia Hàn Quốc Chung Hae-seong đặt ra hồi đầu mùa.
Không thể phủ nhận HA Gia Lai có một lứa cầu thủ tài năng xuất thân từ Học viện khóa I phối hợp công nghệ đào tạo của JMG. Nhưng ngay từ đầu, “lò” bóng đá tại Hàm Rồng đã nói rõ chỉ chuyên luyện “gà chọi” với các cầu thủ có tố chất tấn công, không thiên về phòng ngự. Nói đơn giản hơn là học viện đào tạo các tiền vệ, tiền đạo theo xu hướng của họ, không phải là phương pháp xây dựng một CLB đúng nghĩa để chơi chuyên nghiệp.
Những giải quốc tế U-19 cách đây bốn năm đã đưa bầu Đức và quân của ông nhiều lần bay thẳng lên mây xanh. Có lúc bầu Đức quá tự tin đến mức đặt giả thiết cứ đưa cả đội hình trẻ của ông đá SEA Games thế nào cũng có vàng. Nhưng bầu Đức thích và tính không bằng HLV lẫn… trời tính. Lứa Công Phượng và đồng đội hai mùa chơi SEA Games, dĩ nhiên không thể là quân HA Gia Lai đã quá tuổi mà chưa chạm vàng.
HA Gia Lai vất vả với nhiều tuyển thủ nhưng đến giờ vẫn còn lo trụ hạng. Ảnh: HUY PHẠM
Cách chơi bóng đá V-League của HA Gia Lai cũng khác người. Bầu Đức đã từng đồng ý cho thuộc cấp thanh lý gần 20 cầu thủ kỳ cựu hồi năm 2015 để nhường chỗ chơi cho lứa cầu thủ học viện.
Chơi bóng ở V-League chứ đâu phải SEA Games giới hạn lứa U-23 mà chấp tuổi? Hệ quả là cầu thủ trẻ thiếu sự cọ xát, học hỏi từ đàn anh, lại không có chỗ dựa của ngoại binh giỏi nên không khó hiểu HA Gia Lai giờ chót mới trụ hạng.
Hàng tấn công của đội bóng phố núi có thể chơi bóng rất nhuần nhuyễn và lãng mạn nhưng ở dưới thường để thua lãng nhách. Nguyên do HA Gia Lai không có nhiều cầu thủ chuyên đá phòng ngự trong khi ngoại binh không hòa hợp hoặc quá dở.
Hai mùa bóng sau đó, các cầu thủ dần trưởng thành vẫn chưa đủ sức tự đứng trên đôi chân của mình, theo nghĩa đủ cứng cáp để chạy đua thành tích một cách sòng phẳng với các đối thủ V-League. Đá theo kiểu “chấp Tây” và không cần cựu binh dày dạn kinh nghiệm, HA Gia Lai không rớt hạng là may.
Cho đến thời điểm này, HA Gia Lai không có kết cấu của một đội bóng vì quá dựa dẫm vào một nhóm cầu thủ tấn công, còn hàng thủ quá mong manh. Nó khác với sự lắp ghép của họ trên các đội tuyển quốc gia luôn có sự hỗ trợ đắc lực từ lò bóng đá khác xây dựng đủ các vị trí để kế thừa đàn anh ở CLB. Rõ nhất là Xuân Trường ra sân thiếu một tiền vệ phòng ngự mạnh mẽ thì sức sáng tạo và hiệu quả cũng giảm đi.
Bầu Đức từng có hai chức vô địch V-League 2004-2005 với nội lực ra sao thì ông tự hiểu rằng sẽ không thể đăng quang chỉ bằng các cầu thủ trẻ và chỉ đào tạo để chơi tấn công.
Xuống hạng với đội hình bảy tuyển thủ CLB BEC Tero Sasana từng là một thế lực của bóng đá Thái Lan những năm đầu 2000. Họ từng vào chung kết AFC Champions League. Thế nhưng năm 2016 thì BEC Tero Sasana rớt hạng khi đang sở hữu bảy trụ cột tuyển quốc gia và U-23 quốc gia. Năm 2016, BEC Tero Sasana dự Thai-League với đội hình chấp tuổi gồm những cái tên trụ cột như Chanathip, Tristan Do, Peerapat Notchaiya, Tanaboon Keerasat, Somporn Yos, Adisorn Promrak, Chenrop Sampaodi… Lạ ở chỗ các cầu thủ trên khi chơi đội tuyển Thái Lan và U-23 Thái Lan thời HLV Kiatisak đều mang về chức vô địch SEA Games 2013, 2015, còn đá AFF Cup thì vô địch 2014, 2016 và vào bán kết Asiad 17. Với HA Gia Lai thì không tệ như BEC Tero Sasana năm 2016 nhưng rõ ràng là họ chật vật khi tìm thành tích bởi lứa cầu thủ trẻ nhưng thiếu các cựu binh dày dạn và hơn hết là thiếu một hàng thủ vừa đủ để ở trên yên tâm. Tấn Phước |
Khuất Văn Khang đã ghi bàn thắng tuyệt đẹp cho U16 Việt Nam vào lưới U16 Indonesia.